vĐồng tin tức tài chính 365

Đòn tâm lý của FBI hóa giải vụ án gián điệp khét tiếng thế kỷ

2023-09-26 19:20

Ngày 1/2/1977, Marian Zacharski, nhân viên bán hàng người Ba Lan, bước vào ánh sáng chiều muộn của Los Angeles trên chiếc Pontiac Catalina cùng vợ và con gái. Điểm đến của họ là khu chung cư gọn gàng gần sân bay quốc tế Los Angeles.

Zacharski trẻ trung, quyến rũ và đẹp trai. Ở tuổi 26, anh đã là đại diện bán hàng và ngôi sao đang lên trong hoạt động của Tập đoàn Máy móc công nghiệp Ba Lan POLAMCO) tại Mỹ, cuộc sống nhàn nhã.

Cha mẹ của Zacharski đã cho con trai họ những cơ hội mà nhiều bạn bè cùng trang lứa chỉ có thể mơ ước. Zacharski du học ở Anh, du lịch khắp châu Âu. Vì vậy, khi POLAMCO bắt đầu hoạt động tại Mỹ vào năm 1975, Zacharski, mới chỉ 24 tuổi đã được chọn làm một trong những đại diện của công ty sang chinh phục xứ cờ hoa.

Nhưng Zacharski với tư cách điệp viên còn được giao nhiệm vụ chinh phục những điều lớn hơn thế: Những bí mật quân sự được giữ kín nhất của nước Mỹ.

Từ chàng trai trẻ có nụ cười dễ mến, không ai nghĩ sau này Zacharski làm đau đầu lực lượng tinh nhuệ nhất của FBI và CIA.

Marian Zacharski thời trẻ. Ảnh: Historykon

Marian Zacharski thời trẻ. Ảnh: Historykon

Không lâu sau khi chuyển đến Los Angeles, Zacharski đã tìm được một mục tiêu tiếp cận lý tưởng: William Holden Bell, kỹ sư lâu năm tại Công ty Hàng không Hughes, doanh nghiệp hàng không và quốc phòng do tỷ phú kiêm kỹ sư hàng không vũ trụ lừng danh Howard Hughes thành lập năm 1932.

Bell gần 60 tuổi, có giấy phép an ninh và quyền truy cập vào thông tin mật quan trọng. Khi Zacharski tiếp cận Bell, kỹ sư này đang nợ nần chồng chất, vừa bị vợ bỏ sau 30 năm gắn bó và con trai út vừa qua đời trong tai nạn giao thông. Zacharski đánh giá, Bell đang ở điều kiện lý tưởng với tâm lý yếu mềm, cần tiền và tri kỷ hơn bao giờ hết.

Bell khi này ở căn hộ ven biển Playa del Rey. Zacharski là một trong những người hàng xóm mới. Cả hai đều có chung niềm yêu thích với công nghệ và quần vợt, nhanh chóng trở thành bạn thân.

Rắc rối tài chính của Bell ngày càng trầm trọng và Zacharski đến như một vị cứu tinh. Đổi lại, Zacharski nhờ Bell giúp tạo mối quan hệ với công ty hàng không Hughes. Điệp viên này cũng đề xuất Bell chia sẻ một số kiến thức về các vấn đề kỹ thuật hàng không, với tư cách là nhà tư vấn được trả lương. Bell đồng ý và tiền bắt đầu chảy vào túi ông.

Nhưng khi mọi chuyện đi đủ xa, Zacharski muốn nhiều hơn thế: Thông tin mật. Bell bắt đầu giới thiệu cho Zacharski các dự án mà ông đã và đang thực hiện, như hệ thống radar phức tạp và nền tảng vũ khí cố định.

Zacharski cung cấp một máy ảnh và phim có độ phân giải đặc biệt cao để Bell có thể chụp ảnh các kế hoạch, sơ đồ bí mật và tuyệt mật liên quan an ninh quốc gia, để tuồn ra cho mình.

Zacharski cung cấp cho Bell các thiết bị che giấu các thước phim này, nổi tiếng nhất là một quân cờ bằng gỗ. Quân cờ này có các khoang rỗng ở cả thân và nắp. Để mở khóa thiết bị, phải lật ngược thiết bị trong 45 giây và chạm nhẹ vào thiết bị để nó tự mở và cơ chế đóng nắp cũng phức tạp tương tự.

Quân cờ bằng gỗ với cơ chế đóng mở bí mật (trái) và móc cà vạt, được điệp viên Zacharski đưa cho kỹ sư Bell để giấu các thước phim chứa tài liệu mật, mang từ công ty về nhà. Ảnh: FBI Gallery

Quân cờ bằng gỗ với cơ chế đóng mở bí mật (trái) và móc cà vạt, được điệp viên Zacharski đưa cho kỹ sư Bell để giấu các thước phim chứa tài liệu mật, mang từ công ty về nhà. Ảnh: FBI Gallery

Khi Zacharski trả cho Bell tiền mặt và đồng xu vàng đều đặn cho những tài liệu này, ước tính tổng cộng hơn 110.000 USD, Bell biết rằng mình đã vượt qua ranh giới từ tình bạn của hai người hàng xóm, để trở kẻ phản bội nước Mỹ.

Nhưng Zacharski có nghệ thuật thao túng tâm lý bậc thầy, vừa đủ khéo léo, vừa đủ cứng rắn để đưa ra những lời động viên và đe dọa Bell. Nhu cầu về thông tin tiếp tục tăng lên, những cục tiền Bell nhận được cũng dày lên. Bell và Zacharski đã lên máy bay với hàng tập tài liệu mật mà họ giấu trong con cờ gỗ, qua Chicago, Geneva và Vienna và trực tiếp tới Warsaw để giao nộp.

Đấu trí

Nhưng họ không biết đang bị FBI ngầm theo dõi. Sau 250 ngày nghe ngóng, FBI gõ cửa phòng làm việc của Bell tại trụ sở của Hughes Aircraft, 10h ngày 23/6/1981.

Các đặc vụ đã nói chuyện với Bell suốt hai giờ, sau đó nghỉ nửa giờ để ăn trưa và tiếp tục cuộc trò chuyện đến cuối chiều. "Một nhà ngoại giao đào tẩu đã cung cấp tin cho chúng tôi, anh ta nói hết rồi", các đặc vụ FBI nói, thăm dò thái độ của Bell.

"Người ta có nhắc đến tên tôi không? Cáo buộc của các ông nghiêm trọng quá, tôi cần nói chuyện với luật sư riêng", Bell hỏi. Nhưng chỉ vài giây sau, kỹ sư hàng không dường như tự trấn tĩnh và buồn bã tuyên bố: "Thôi, không cần". Một đặc vụ FBI vỗ vai Bell nói: "Chúng tôi biết hết rồi".

Song thực tế, đó là nước cờ của FBI, sau 250 ngày theo dõi, FBI quả thực chưa thu được gì nhiều ngoài hai cái tên: Marian Zacharski và William Holden Bell. Khi CIA bắn tin, Zacharski vừa được thăng chức và sẽ sớm rời Los Angeles, FBI quyết định đi nước cờ mạo hiểm: Thẩm vấn Bell và nói họ đã biết mọi chuyện, xem Bell sẽ khai gì.

Các chuyên gia thẩm vấn của FBI đã may mắn khi kế "ra đòn tâm lý" với Bell đã được đền đáp. FBI sau này đánh giá, sự thành công của họ hoàn toàn dựa vào may mắn và một phần Bell có phòng thủ tâm lý rất yếu. Vào chiều cùng ngày, Bell đã viết một bản thú tội dài 6 trang.

Hoàn tất cuộc thẩm vấn nhẹ nhàng và lịch sự lúc 17h cùng ngày, các đặc vụ đi cùng Bell trở lại văn phòng của ông ta - nơi họ nhận một cuốn sổ màu đỏ chứa danh sách các tài liệu mà Zacharski yêu cầu.

Sau đó, họ đến căn hộ của Bell để lấy thêm hồ sơ và cuối cùng để Bell ký vào bản thú tội. Các đặc vụ nói với Bell rằng để đổi lấy sự hợp tác của anh, họ sẽ đề nghị mức án nhẹ. Bell cũng giao nộp 22 đồng tiền vàng được Zacharski trả công trước đó đang được cất giữ trong két an toàn tại một chi nhánh của Ngân hàng Mỹ.

22 đồng tiền vàng được kỹ sư Bell giao nộp cho FBI. Ảnh: FBI Gallery

22 đồng tiền vàng được kỹ sư Bell giao nộp cho FBI. Ảnh: FBI Gallery

Một công tố viên liên bang đã được điều đến. Xem xét các bằng chứng, công tố viên không mấy ấn tượng, tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Bell đơn giản bị rối loạn tâm thần hoặc chỉ bịa chuyện. Để hồ sơ chắc chắn, cơ quan công tố quyết định Bell sẽ phải đeo máy nghe trộm, ghi lại cuộc giao dịch với Zacharski.

Ba ngày sau, FBI đưa Bell đến một căn phòng bí mật để kỹ thuật viên FBI dán máy ghi âm nặng nửa kg vào lưng Bell với những sợi dây chạy dọc theo tứ chi của ông ta. Vào thời đó, nó là công nghệ hiện đại nhất. Bell lo lắng rằng kế hoạch sẽ sụp đổ. "Tôi hy vọng cái thứ chết tiệt này hoạt động," ông ta nói, mồ hôi chảy đẫm lòng bàn tay.

Bell đã qua đêm ở nhà, cố gắng ngủ với thiết bị gắn trên lưng. Ngày hôm sau, Bell đến cửa nhà Zacharski ba lần do dự không dám gõ. Cuối cùng, lúc 21h20, Zacharski ra đón khách.

Khi hai người lên tầng hai, Zacharski phàn nàn: "Những kẻ khốn kiếp đang vây quanh tôi". Bell cố gắng dẫn dắt cuộc trò chuyện theo hướng buộc tội. "Không phải tôi đã cho cậu biết bí mật đó sao? Dữ liệu bí mật của F-15?", Bell hỏi. "Một phần thôi, tôi đoán vậy," Zacharski trả lời.

Ngày hôm sau, Bell trả lại máy ghi âm cho FBI và chính thức bị bắt. Chiều hôm đó, hàng chục đặc vụ FBI dẫn đầu một đoàn phóng viên truyền hình và báo chí đến trước cửa nhà Zacharski.

Các đặc vụ xông vào căn hộ của anh ta, ra lệnh không được chạm vào bất cứ thứ gì và áp giải Zacharski ra ngoài. Zacharski bị từ chối bảo lãnh và bị nhốt trong khu vực an ninh tối đa của Viện Cải huấn Liên bang tại đảo Terminal.

Vài ngày sau, Zacharski và Bell bị buộc tội tại Tòa án trung tâm thành phố Los Angeles. Họ bị giam cùng nhau vài phút trước phiên điều trần. Bell thu mình trong góc như một đứa trẻ, nhìn Zacharski với đôi mắt ngấn lệ. Zacharski bước tới chỗ ông bạn thân lắc đầu. "Bell, anh ngây thơ quá, họ chẳng biết gì cả", Zacharski nói.

Kết tội

Khi công tố viên nghe lại đoạn băng của Bell, họ nhận ra đó là một bằng chứng quá mỏng. "Chúa ơi, nó không tốt như tôi mong đợi," công tố viên thốt lên. Song cơ quan công tố có một đồng minh là "lịch sử".

Phiên tòa xét xử Zacharski diễn ra trong bối cảnh Mỹ ngày càng lo ngại về mối đe dọa từ gián điệp. Hai vụ liên quan gián điệp gần đây đã nổ ra: Một trung úy không quân từng làm việc trong chương trình Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đã nhận tội làm gián điệp; vụ một sĩ quan an ninh tại đại sứ quán Mỹ ở Paris...

Phiên tòa bắt đầu vào ngày 13/10/1981, đánh dấu một vụ truy tố hiếm hoi một điệp viên tình báo Đông Âu trên đất Mỹ. Hầu hết các trường hợp khác đều kết thúc bằng việc bị trục xuất.

Để củng cố những bằng chứng yếu ớt, công tố viên đã xét hỏi Bell suốt 3 ngày trước tòa để vẽ lại mối thân tình đầy toan tính của Zacharski gây dựng suốt 4 năm qua. Công tố viên mời thiếu tướng Richard Larkin, cựu lãnh đạo Cơ quan Tình báo Quốc phòng, làm chứng trong bộ quân phục đeo đầy huy chương, để làm nổi bật những nguy cơ an ninh từ gián điệp, tác động mạnh mẽ đến bồi thẩm đoàn.

Ba ngày sau, Zacharski bị tuyên có tội, bị cáo buộc thông đồng với Bell để lấy và chuyển giao các tài liệu quốc phòng cho nước ngoài. Zacharski bị kết án chung thân. Bell nhận 8 năm tù.

Zacharski không kháng cáo, cũng không nhận tội và từ chối tiết lộ mọi bí mật quốc gia để có cơ hội được nước Mỹ ân xá.

Vụ án Zacharski đã gây chấn động khắp cơ quan an ninh quốc gia Mỹ. Trong một bài phát biểu, giám đốc FBI khi đó là William Webster đã gọi những chiến công của Zacharski là "ví dụ điển hình về hoạt động gián điệp mẫu mực".

Trong vài năm tiếp theo, nhiều báo cáo bí mật của chính phủ Mỹ thậm chí đã ca ngợi tài năng, sự chuyên nghiệp và trung thành của Zacharski.

Marian Zacharski (khoanh đỏ) trong cuộc trao đổi tù nhân trên cầu Glienicke ở Berlin, địa điểm nổi tiếng cho các cuộc trao đổi tù nhân trong suốt Chiến tranh Lạnh. Ảnh: DPA

Marian Zacharski (khoanh đỏ) trong cuộc trao đổi tù nhân trên cầu Glienicke ở Berlin, địa điểm nổi tiếng cho các cuộc trao đổi tù nhân trong suốt Chiến tranh Lạnh. Ảnh: DPA

Đúng như dự đoán, năm 1985, Zacharski và ba đặc vụ khác của Liên Xô được tự do, trong chương trình trao đổi tù nhân. Khoảnh khắc được đánh giá là "lịch sử", diễn ra trên cây cầu Glienicke, Đức.

Trở về Ba Lan, Zacharski nhanh chóng chứng tỏ tài năng trong mọi lĩnh vực. Ông điều hành doanh nghiệp bán lẻ và biến nó thành hùng mạnh nhất nước khi đó, đạt lợi nhuận 2 tỷ USD năm 1992, khi ông mới 41 tuổi. Ông vẫn tiếp tục phục vụ ngành tình báo.

Từ 1995, ông rời Ba Lan, sống ở nhiều nước, viết 7 cuốn sách về lịch sử và hoạt động tình báo. Một số bộ phim đã được dựng trên vụ án và cuộc đời của huyền thoại tình báo này.

Hải Thư (Theo CIA, FBI, NYT, Crime Reads, "From Warsaw with love")

Xem thêm: lmth.2317564-yk-eht-gneit-tehk-peid-naig-na-uv-iaig-aoh-ibf-auc-yl-mat-nod/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đòn tâm lý của FBI hóa giải vụ án gián điệp khét tiếng thế kỷ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools