Cuộc họp nhằm chuẩn bị tài liệu liên quan dự án vành đai 3 TP.HCM để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Tại buổi làm việc, đại diện TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã báo cáo tiến độ, nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. Các tỉnh, thành cũng nêu nhiều đề xuất, kiến nghị liên quan dự án vành đai 3 TP.HCM, trong đó đáng lưu ý là nguy cơ thiếu hụt nguồn cung cấp vật liệu xây dựng (đặc biệt là nguồn cát).
Về tình hình thực hiện dự án đoạn qua TP.HCM, ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông - cho biết đã hoàn thành công tác lựa chọn 4 gói thầu xây lắp chính và các gói thầu tư vấn, bảo hiểm...
"Đến nay mặt bằng đã bàn giao đạt 94,39%. Dự kiến TP.HCM sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước 31-12", ông Lương Minh Phúc thông tin.
Theo báo cáo của đại diện các tỉnh có vành đai 3 TP.HCM đi qua, hiện tiến độ giải phóng mặt bằng của Long An đạt 98%, Bình Dương đạt hơn 70%. Riêng đại diện tỉnh Đồng Nai cho biết về cơ bản các công việc liên quan đến dự án vành đai 3 hiện nay mới chỉ đạt 6%.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho hay các địa phương đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, bám vững các mốc tiến độ của dự án vành đai 3. "Đây dự án kiểu mẫu, từ thực hiện dự án đến công tác tái định cư cho người dân phải là kiểu mẫu", ông Cường nhấn mạnh.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết đã tiếp thu, ghi nhận đề xuất, kiến nghị của các địa phương. Ông Tuấn cũng đánh giá tình hình triển khai dự án vành đai 3 TP.HCM nhìn chung khá tốt, cần tiếp tục phát huy.
Trong cuộc họp, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cùng đại diện các địa phương cũng trao đổi, thống nhất triển khai dự án vành đai 4 TP.HCM và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Hàng trăm nhà dân sẽ không phải di dời khi TP.HCM chọn phương án nắn đường vành đai 4, tránh đường hiện hữu nơi có rất đông nhà dân đang sinh sống.