Thông tin về tình hình thu chi ngân sách của TP.HCM tại phiên họp kinh tế xã hội sáng 28-9, ông Lê Duy Minh - giám đốc Sở Tài chính TP.HCM - cho biết 9 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước là 326.193 tỉ, chỉ đạt 69,4% dự toán và bằng 93,6% cùng kỳ. TP.HCM là một trong những địa phương có tỉ lệ thu ngân sách thấp nhất cả nước. Đóng góp của thuế trong tăng trưởng GRDP của TP.HCM năm 2023 thấp nhất trong những năm qua.
Theo ông Minh, bức tranh kinh tế còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến nguồn thu TP. Mặc dù 9 tháng đầu năm TP.HCM có 37.224 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 13% so với cùng kỳ nhưng có đến 23.595 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 28% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn đối mặt với khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu dù có chuyển biến nhưng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 31,53 tỉ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ. Nhập khẩu ước đạt 40,23 tỉ USD, giảm 17,2% so với cùng kỳ.
Phân tích nguyên nhân của việc giảm thu, giám đốc Sở Tài chính TP cho biết có nguyên nhân là việc giảm thu thuế thu nhập cá nhân. Các năm, thuế thu nhập cá nhân chính là thế mạnh của TP, chiếm tỉ lệ cao trong thu ngân sách nhưng thời gian qua giảm mạnh. Trong đó, các khoản thu thuế thu nhập cá nhân giảm mạnh ở lĩnh vực bất động sản, chứng khoán.
Không chỉ vậy, khoản thu từ hoạt động doanh nghiệp cũng giảm. Tuy nhiên, TP.HCM đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp từ đây đến cuối năm.
Về chi ngân sách, 9 tháng đầu năm, TP chi 57.051 tỉ, chỉ đạt 45,1% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 11.181 tỉ, đạt 24% dự toán; chi thường xuyên 33.701 tỉ, đạt 56% dự toán. Theo ông Minh, hiện nay nhiều khoản chi tại một số sở ngành ở mức thấp, ảnh hưởng đến hoạt động phát triển TP.
"Với những đơn vị chi quá thấp, Sở Tài chính sẽ xem xét cắt bỏ kế hoạch chi để chi cho các hoạt động khác của TP", ông Lê Duy Minh thông tin.
Từ đây đến cuối năm, để tăng nguồn thu ngân sách, ngành Tài chính TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo thu đúng, giảm nợ đọng. Đồng thời tham mưu UBND các giải pháp tăng thu từ việc áp dụng thực hiện nghị quyết 98, thúc đẩy giải ngân vốn đầu công.
Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ tăng thu từ đất, tập trung sắp xếp, xử lý nhà đất, nhà sử dụng không hiệu quả để bán đấu giá tăng nguồn thu, đấu giá các lô đất để có phương án đấu giá. Quản lý chặt chẽ và đôn đốc các khoản thu từ việc thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai.
Đồng thời, TP.HCM sẽ tăng cường tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, tiếp tục các chính sách miễn giảm thuế từ đây đến cuối năm.
Bên cạnh đó, TP.HCM phải thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thu hồi những khoản tạm ứng. Sở Tài chính TP cũng sẽ tham mưu UBND TP trình HĐND TP điều chỉnh một số nhiệm vụ chi do thay đổi chính sách. Các cơ quan, đơn vụ cũng tăng cường tiết kiệm chi, tránh chi ngoài dự toán, chi thu thực sự là cần thiết.
GRDP 9 tháng tăng 4,5%
Tại phiên họp, ông Phạm Trung Kiên - phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM - cho biết tăng trưởng GRDP quý 3-2023 tăng 6,7%, 9 tháng đầu năm tăng 4,5% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm ước đạt 871.198 tỉ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 3,2% so với cùng kỳ. Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 9 tháng năm 2023 tăng 5,8% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành hóa dược tăng 17%, ngành cơ khí tăng 7%, ngành sản xuất hàng điện tử tăng 5,4%, ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 5,7%.
Về giải ngân vốn đầu tư công, tính đến hết ngày 22-9, TP.HCM đã giải ngân 20.523 tỉ, đạt 30% tổng số được giao.
Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 8 ước đạt 88.100 tỉ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1,1245 triệu tỉ đồng, bằng 69,4% dự toán năm và giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước.