Động thái đơn lẻ này không chỉ cho thấy khả năng phản ứng nhanh chóng của nhóm các quốc gia ASEAN giáp Biển Đông, mà còn thể hiện sự linh hoạt của nhóm này trong phương thức xử lý các thế trận "vùng xám" mà Trung Quốc đang tăng cường trên Biển Đông.
"Cách tiếp cận mềm"
Thế trận "vùng xám" trên Biển Đông bao gồm những khu vực biển được Trung Quốc triển khai các đội tàu dân binh và tàu chấp pháp hàng hải (hải cảnh, hải tuần) và duy trì các đội hình vây lấn nhằm tạo ra sự răn đe cần thiết ở mức độ "cận xung đột" đối với lực lượng của nhóm quốc gia láng giềng.
Thế trận này hiện đang được Trung Quốc triển khai quy mô lớn ở cả hai vành đai phía đông (giáp biển Philippines) và phía tây (giáp khu vực đặc quyền kinh tế cùng thềm lục địa của Việt Nam).
Ngoài các phương thức tiếp cận "cận xung đột" như chiếu đèn laser cấp độ quân sự (tháng 2-2023) hay phun vòi rồng (tháng 8-2023), lực lượng hải cảnh và dân binh Trung Quốc còn nhiều lần tiến hành các hoạt động vây lấn bằng việc tập hợp số lượng tàu lớn để trấn giữ các thực thể có vị trí quan trọng trên biển.
Cách tiếp cận này có lợi thế là vừa không đủ để leo thang thành xung đột, vừa dễ tạo chuyển biến trên thực địa do gây sức ép bất đối xứng. Số lượng và quy mô tàu của Trung Quốc đông hơn khiến đối phương dễ suy giảm ý chí.
Để ứng phó, Philippines đã nhiều lần vận động ngoại giao để nhận được sự lên tiếng của quốc tế cùng phản đối hoặc quan ngại ở cấp độ nguyên thủ, bên cạnh các hoạt động phản đối ngoại giao song phương như triệu tập đại sứ Trung Quốc, gửi công hàm phản đối nhưng vẫn không hiệu quả.
Các lực lượng trong thế trận "vùng xám" của Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường hoạt động. Gần đây nhất họ đã thả phao chắn nổi (một dây neo treo bằng phao) để ngăn lối vào bãi cạn Scarborough. Lần này, triển khai "cách tiếp cận mềm", PCG đã đóng giả ngư dân đi trên một chiếc tàu cá nhỏ để tiếp cận và cắt đứt hàng rào nổi nói trên.
Việc xuất hiện các phóng viên của nhiều hãng truyền thông trên chiếc tàu này dường như đã hiệu quả khi cả bốn tàu Trung Quốc có mặt tại hiện trường đều không có hành động cản trở nào với việc tiếp cận hàng rào của tàu Philippines. Thậm chí, theo lời người phát ngôn PCG Jay Tarriela, các tàu hải cảnh Trung Quốc sau đó còn dỡ bỏ luôn rào chắn nổi này khi phát hiện sự đứt đoạn.
Mục tiêu "kép"
Động thái cắt rào chắn nổi lần này không chỉ giúp chính phủ của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. gia tăng uy tín mà còn góp phần thực hiện hai mục tiêu tương hỗ quan trọng mà các nước ASEAN giáp Biển Đông đang nỗ lực thực hiện.
Bãi cạn Scarborough có vị trí quan trọng trong việc ngăn chặn thế trận "nối dài" sự hiện diện phi pháp nhưng thường trực của lực lượng dân binh và chấp pháp của Trung Quốc từ đảo Hải Nam qua khu vực Hoàng Sa và đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Có thể thấy các thế trận "vùng xám" gần đây đã được Trung Quốc tiến hành cùng lúc ở các khu vực như đảo Tri Tôn (xây dựng đường băng), đá Bắc và đá Bông Bay (hai trạm mặt đất cho hệ thống vệ tinh Beidou), bãi Scarborough (lập rào chắn nổi), bãi Sa Bin, đá Khúc Giác (dùng chất tẩy trắng để nghiền nát các mảng san hô)… Tất cả đều nằm trong thế trận "nối dài" này.
Do đó, động thái của PCG lần này có giá trị rất lớn trong việc ngăn cản kịch bản Trung Quốc xây dựng các khuôn khổ hạ tầng kết nối tuyến đường từ Hoàng Sa đến Trường Sa. Dựa trên nền tảng này, Philippines cũng sẽ có thêm nhiều thời gian để cùng các nước ASEAN giáp Biển Đông tiến hành đàm phán giải quyết song phương các vấn đề trên biển.
Đồng thời nước này cũng hoàn thành các kiến trúc hợp tác an ninh hàng hải ba bên Philippines - Mỹ - Nhật và bốn bên Philippines - Mỹ - Nhật - Úc trong tổng thể thế trận an ninh tập thể của chính quyền Tổng thống Ferdinand Marcos Jr..
Phát huy sự linh hoạt
Động thái cắt hàng rào nổi của Philippines tuy chỉ mang tính đơn lẻ nhưng lại tạo được hiệu quả trong việc "tiếp cận mềm" nhằm khống chế các thế trận "vùng xám" của Trung Quốc.
Với mục tiêu "kép" vừa muốn ngăn cản các kế hoạch thay đổi hiện trạng Biển Đông của Trung Quốc vừa trở thành điểm gắn kết vào kiến trúc của nhóm cường quốc hàng hải thuộc bộ tứ (Mỹ - Nhật - Ấn - Úc), chính quyền ông Ferdinand Marcos Jr. thực sự đang phát huy cao độ sự linh hoạt trong thế trận chung của khối ASEAN giáp Biển Đông.
Trong tuyên bố mới nhất, bộ trưởng quốc phòng Philippines tố Trung Quốc là bên khơi mào căng thẳng khi chặn ngư dân của nước này hoạt động ở khu vực bãi cạn Scarborough, Biển Đông.