Techfest Quốc tế 2023 được tổ chức đại Đại học Monash, Melbourne, Australia đánh dấu cột mốc 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Australia, góp phần đưa các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam ra toàn cầu.
Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ chuyến công tác của phái đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ do Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt dẫn đầu, trong chuyến thăm và làm việc cũng như tham dự Đại hội Doanh nhân Toàn cầu 2023 tổ chức tại Victoria, Australia.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Chủ tịch lâm thời kiêm Phó hiệu trưởng Giáo sư Susan Elliott (Từ trái sang phải)
Trả lời câu hỏi của phóng viên về các công ty khởi nghiệp Việt Nam cũng như cơ hội phát triển start up Việt tại trên toàn cầu nói chung và tại Australia nói riêng, Giáo sư Susan Elliott cho hay, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, với sự hỗ trợ của chính phủ và tư nhân, đặc biệt là trong mảng công nghệ.
"Tỷ lệ chấp nhận kỹ thuật số của Việt Nam là cao, đặc biệt là trong cộng đồng dân số trẻ, khiến thị trường nội địa trở thành một thị trường quan trọng cho các công ty khởi nghiệp công nghệ. Vậy nên, nhu cầu địa phương này là nền tảng thử nghiệm có giá trị lớn trước khi dấn thân vào thị trường quốc tế.
Ngoài ra, tại Đông Nam Á, các công ty khởi nghiệp Việt Nam được hưởng lợi từ vị trí địa lý có tính chiến lược, giúp họ dễ dàng tiếp cận các thị trường lân cận như Thái Lan, Indonesia và Malaysia, đóng vai trò là cửa ngõ để mở rộng toàn cầu. Đại học Monash có dấu ấn đáng kể ở châu Á và Đông Nam Á, bao gồm các cơ sở ở Malaysia và Indonesia, cũng như các thỏa thuận hợp tác với các trường đại học Việt Nam", bà Susan Elliot cho hay.
Khu công nghệ Monash
Là một trong những đơn vị tổ chức Techfest Quốc tế 2023, bà Susan Elliot nhấn mạnh, đây là cơ hội tốt để trường ĐH Monash hỗ trợ các công ty khởi nghiệp Việt Nam.
"Chúng tôi có nhiều chương trình và khóa học tập trung vào khởi nghiệp để đào tạo và giúp các công ty khởi nghiệp đạt được sự tăng trưởng đáng kể và bền vững cho hoạt động kinh doanh của mình. Trong 5 năm qua, Đại học Monash đã có 561 phát minh được công bố , 213 họ sáng chế mới, hoàn thành 165 giao dịch được cấp phép và thành lập 26 công ty mới thuộc Monash dựa trên quyền sở hữu trí tuệ.
The Generator - trung tâm khởi nghiệp của Đại học Monash là nơi cung cấp các chương trình và nguồn lực để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tạo ra giá trị lâu dài. Chúng tôi cũng cung cấp The Accelerator - Chương trình tiên tiến của chúng tôi kết nối những người sáng lập với các chuyên gia từ hệ sinh thái khởi nghiệp Australia", hiệu trưởng trường Đại học Monash cho hay.
Bà Susan Elliot cũng cho biết thêm, Đại học Monash đang hợp tác cùng nền tảng Đột phá Victoria – Đại học trị giá 100 triệu USD nhằm mục đích tăng cường thương mại hóa các phân tích quan trọng mang lại lợi ích thực tế.
Đại học Monash hiện đang đối tác của Khu công nghệ Monash, khu vực việc làm và đổi mới lớn nhất bên ngoài Khu thương mại trung tâm của Melbourne - đóng góp 9,5 tỷ USD vào nền kinh tế Úc mỗi năm và 95.000 việc làm, nơi có 13.000 doanh nghiệp bao gồm một số doanh nghiệp của Úc và các công ty nghiên cứu và đầu tư hàng đầu thế giới bao gồm CSIRO, ANSTO Australian Synchrotron, Monash Health, Bệnh viện Tim Victoria, Moderna, Agilent, Bosch, Telstra...
Techfest Quốc tế 2023 được tổ chức tại Đại học Monash
"Các công ty khởi nghiệp Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng đáng kể ở Úc và trên toàn cầu, nhờ vào sự đổi mới, lợi thế về chi phí và khả năng tiếp cận khu vực. Về phía Monash, chúng tôi rất vinh dự khi được đón tiếp các doanh nhân Việt Nam tại Australia để tìm hiểu quy trình quản lý vận hành, thiết bị, công cụ và nghiên cứu công nghệ mới nhất tại Australia nhằm tạo dấu ấn toàn cầu", bà Susan Elliot nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!