Trước đó, phụ huynh phản ánh về việc một số trường tiểu học tại Đà Nẵng tổ chức dạy học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài theo hình thức xã hội hóa ngay trong giờ chính khóa, ảnh hưởng đến tâm lý các học sinh không đăng ký học môn tự nguyện này.
Tủi thân vì "ngồi không" nhìn bạn học
Theo phản ánh từ các phụ huynh, từ đầu năm học này, nhiều trường tiểu học tại Đà Nẵng triển khai dạy học tiếng Anh với người nước ngoài theo hình thức xã hội hóa. Nhà trường tổ chức cho học sinh và phụ huynh đăng ký tham gia học trên tinh thần tự nguyện, thời lượng từ 1-2 tiết/tuần/lớp.
Phụ huynh N.P., trú quận Hải Châu, cho biết vì con chị đã học tiếng Anh với người nước ngoài ở trung tâm nên chị không đăng ký cho con học tiết tự nguyện này ở trường. Tuy nhiên trường lại tổ chức dạy hai tiết tiếng Anh tự nguyện ngay vào buổi sáng, trong giờ chính khóa. Khi các bạn cùng lớp học thì con chị ngồi đợi giữa sân trường.
"Việc này tạo sự phân biệt vô tình đối với các em không đăng ký học. Mức học phí học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài là 280.000 đồng/tháng/học sinh (2 tiết/tuần) nên nhiều phụ huynh khó khăn sẽ không có điều kiện đăng ký cho con học, điều này càng ảnh hưởng tâm lý các con" - phụ huynh này bày tỏ.
Một phụ huynh phản ảnh con đã òa khóc vì thấy tủi thân khi nhìn các bạn được phát sách vở học còn mình chỉ "ngồi không" trong lớp.
"Nếu bố trí 2 tiết học tự nguyện vào cuối giờ chiều thì các con không phải ngồi chờ đợi 2 tiết giữa buổi như thế. Buổi chiều các bạn không đăng ký học môn tự nguyện sẽ được bố mẹ đến đón sớm hơn và không cảm giác mình lạc lõng" - phụ huynh này đề xuất.
Trao đổi với phóng viên, một hiệu trưởng trường tiểu học cho biết việc bố trí tiết học tự nguyện vào giờ chính khóa là do trung tâm liên kết không sắp xếp được giáo viên đến dạy. Vào những giờ có tiết tự nguyện, nhà trường quản lý các em không đăng ký học, không để học sinh ra khỏi trường. Các em có thể tự học hoặc lên thư viện.
Sẽ xử phạt nếu tái diễn
Chiều 28-9, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết vào đầu năm học 2023 - 2024, sở đã có các văn bản hướng dẫn việc tổ chức dạy học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài theo hình thức xã hội hóa trong trường tiểu học.
Theo đó, việc tổ chức dạy học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài cũng như dạy kỹ năng sống là những môn học tự nguyện, do học sinh và cha mẹ học sinh đăng ký (không phải học sinh nào cũng có nhu cầu) nên chỉ được tổ chức ngoài giờ học chính khóa, không chèn trong thời khóa biểu chính khóa.
Chỉ triển khai, tổ chức cho học sinh có cha mẹ đăng ký tham gia học trên tinh thần tự nguyện; nghiêm cấm việc gợi ý, ép buộc học sinh tham gia. Việc tổ chức phải đảm bảo quyền lợi học tập, an toàn và phù hợp tâm sinh lý học sinh.
Ngoài ra, việc lựa chọn đơn vị phối hợp tổ chức dạy học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài (cũng như các nội dung liên quan đến mua sắm hàng hóa, dịch vụ) phải thực hiện đúng quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn.
Ông Trần Nguyễn Minh Thành, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, thông tin: "Hiện sở đang tiến hành kiểm tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ đầu năm học tại phòng giáo dục quận, huyện và đi thực tế tại một số trường tiểu học để kịp thời phát hiện, nhắc nhở những vi phạm (nếu có).
Sau đó, chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị UBND, phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Nếu các trường không tiến hành điều chỉnh, khắc phục những vi phạm thì sở sẽ tiếp tục tổ chức thanh tra, xử phạt và kiến nghị UBND các quận, huyện phối hợp xử lý sai phạm theo quy định".
Không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện xảy ra ở Trường THCS Nguyễn Văn Bứa, Hóc Môn (TP.HCM) được nhiều người quan tâm đến thế. Bởi tình trạng ép học sinh phải đi học ngoại khóa đã diễn ra nhiều năm nay, khiến các phụ huynh bức xúc, dồn nén.