Thông tin được bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng - giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho hay tại hội thảo "Các định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống sốt xuất huyết Dengue tại Việt Nam", chuỗi các sự kiện chính thức nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản vào chiều 28-9.
Bác sĩ Hùng cảnh báo sốt xuất huyết Dengue là mối đe dọa lớn ở Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới. Khi mắc sốt xuất huyết Dengue, những biến chứng nặng diễn tiến rất nhanh, có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán kịp thời và điều trị tích cực.
Dẫn số liệu của Bộ Y tế, ông Nguyễn Vũ Trung - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - nêu từ đầu năm đến ngày 17-9, cả nước đã ghi nhận 81.719 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 24 ca tử vong. Tại khu vực phía Nam, từ đầu năm 2023 đến 17-9 có 47.243 ca mắc, trong đó có 17 ca tử vong.
Riêng tại TP.HCM, bà Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho hay sốt xuất huyết đang là một gánh nặng y tế công cộng tại TP với số ca mắc tăng dần qua các năm và hằng năm đều ghi nhận ca tử vong. Từ năm 2018 đến 2022, sốt xuất huyết chiếm tỉ lệ cao nhất với khoảng 48%, tiếp theo là tay chân miệng chiếm 25%.
Theo Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 Nguyễn Thanh Hùng, điều này đã gây ra áp lực, quá tải đối với các bệnh viện, hệ thống y tế, khiến thiếu nguồn nhân lực chăm sóc và điều trị bệnh nhân đúng mức.
Để duy trì năng lực điều trị trong các cơ sở y tế trước tình trạng ca bệnh gia tăng, nhiều năm qua các cơ sở y tế tại TP.HCM cũng như cả nước đã triển khai hiệu quả hướng dẫn chẩn đoán - điều trị sốt xuất huyết Dengue của Bộ Y tế, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân, giảm đáng kể tỉ lệ tử vong.
Tuy nhiên, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống điều trị và dự phòng, kết hợp với việc tuyên truyền tư vấn cho người dân về bệnh sốt xuất huyết Dengue để triển khai hiệu quả việc phòng ngừa bệnh, giúp giảm số bệnh nhân mắc như diệt muỗi, diệt lăng quăng; tiêm vắc xin phòng ngừa sốt xuất huyết Dengue khi có vắc xin.
Về công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh ngoài cộng đồng, theo bà Nga, dù đã có nhiều biện pháp đa chiều được triển khai nhưng sự tham gia của cộng đồng chưa mạnh mẽ, chưa có biện pháp can thiệp kỹ thuật duy trì kiểm soát vector. Do đó cần có giải pháp can thiệp mới để chủ động phòng chống sốt xuất huyết một cách bền vững.
Gánh nặng sốt xuất huyết lớn
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng - giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết thêm tuổi nào cũng có thể bị sốt xuất huyết Dengue (từ sơ sinh đến người cao tuổi), tuy nhiên lứa tuổi bị sốt xuất huyết Dengue nhiều nhất vẫn là học sinh, người trẻ trong độ tuổi lao động.
Ngoài chi phí điều trị không nhỏ, bệnh còn ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý của bệnh nhân, cộng đồng, và tác động không nhỏ tới an sinh xã hội.
Một số tin tức đáng chú ý: Tăng kiểm tra, lấy mẫu bánh trung thu để kiểm nghiệm; Cà Mau đầu tư hơn 219 tỉ đồng, nâng sản lượng cua lên 29.000 tấn; Cả nước hơn 66.000 ca sốt xuất huyết; Cảnh báo tự tiêm canxi ở nhà gây hoại tử da...