Hôm 27-9, Hãng tin Reuters dẫn lời bà Penny Pritzker, đại diện đặc biệt của Mỹ phụ trách vấn đề hồi phục kinh tế cho Ukraine, khẳng định các công ty tư nhân Mỹ muốn đầu tư vào ngành năng lượng, nhà đất, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, giao thông... tại Ukraine, nhưng trước hết Kiev phải cải cách về trách nhiệm quản lý và sự minh bạch.
Cải cách ngay trong chiến sự
Trao đổi với phóng viên tại Brussels, bà Pritzker cho biết hiện nay công tác chuẩn bị cho việc tái thiết Ukraine đã khởi động, bất kể nước này vẫn đang giao tranh với Nga. Bà nói: "Cải cách và phục hồi luôn song hành với nhau. Nó phải bắt đầu ngay bây giờ, kể cả khi cuộc chiến và giao tranh đang tiếp diễn".
Nga bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine từ tháng 2-2022. Mỹ chưa đưa ra ước tính cụ thể, nhưng Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nhu cầu tái thiết Ukraine phải trên 400 tỉ USD, con số mà bản thân Chính phủ Ukraine không thể tự xoay xở. Chính vì vậy trong phát biểu vừa qua, bà Pritzker nhấn mạnh tầm quan trọng của khối tư nhân.
Trước đó, vào ngày 26-9, báo Pravda của Ukraine cho biết Mỹ đã gửi thông điệp yêu cầu Kiev cải cách để đổi lấy viện trợ kinh tế từ Mỹ.
Phó cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Mike Pyle gửi bản dự thảo gồm danh sách các yêu cầu cải cách cho Tổng thống Volodymyr Zelensky và cả Cơ quan Điều phối tài trợ (gồm nhiều bên khác nhau như Liên minh châu Âu (EU), G7, WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế).
Dự thảo này sẽ còn được điều chỉnh nhưng đã rất chi tiết, đặt ra các khung thời gian cụ thể cho Ukraine tiến hành cải tổ. Nhà Trắng yêu cầu Ukraine thực hiện hàng loạt cải cách, trong đó có cải cách tòa án, Bộ Quốc phòng và các cơ quan quản lý doanh nghiệp nhà nước.
Động thái này phản ánh những lo ngại của Mỹ đối với tình hình tham nhũng tại Ukraine, bất kể gần đây ông Zelensky đã thể hiện quyết tâm cải cách, bao gồm việc "trảm" nhiều quan chức quốc phòng, đặc biệt là Bộ trưởng Oleksii Reznikov.
Đối với Mỹ, chuyện Ukraine cải cách vừa là hướng giải quyết phù hợp cho việc tái thiết lâu dài, bền vững, vừa có thể giúp đáp ứng các tiêu chuẩn mới của EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - hai tổ chức Ukraine rất muốn gia nhập.
Lựa chọn của ông Zelensky
Dù ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga, các nước phương Tây vẫn hiểu rằng tham nhũng là vấn nạn lâu năm ở Ukraine, và bản thân ông Zelensky cũng không hẳn vô can. Từ vài năm trước khi xung đột nổ ra, ông Zelensky đã chịu nhiều áp lực lớn từ chính trị trong nước liên quan tới việc xử lý tham nhũng và tòa án.
Đầu tháng này, Đài DW (Đức) cho biết hàng chục ngàn người Ukraine đã ký tên ủng hộ một chiến dịch vận động trực tuyến yêu cầu sự minh bạch trong công bố tài sản của quan chức, trong bối cảnh dư luận nước này ngày càng bất bình hơn với nạn tham nhũng.
Một khảo sát khác do báo Pravda dẫn lại trong tháng này cũng cho thấy có 80% người Ukraine cho rằng Tổng thống Zelensky phải có trách nhiệm trong việc đối phó với tham nhũng và quân đội.
Trong khi đó giới quan sát phương Tây cũng nhận định Ukraine chưa thể tạo ra đột phá nào với tình trạng tham nhũng dai dẳng, dù đã có một vài ví dụ đơn lẻ về việc cải cách, chống tham nhũng.
Trung tâm nghiên cứu Atlantic Council (Mỹ) thậm chí còn cho rằng Ukraine vẫn đối diện với những vấn đề tham nhũng, quản lý yếu kém vốn đã góp phần gây ra cuộc cách mạng "Euromaidan" tai tiếng giai đoạn 2013 - 2014.
"Tổng thống Volodymyr Zelensky được bầu năm 2019 một phần nhờ cam kết của ông với việc chống tham nhũng. Tuy nhiên, một số diễn biến tiêu cực dưới thời ông ấy đã làm dấy lên câu hỏi về khả năng (và độ sẵn sàng) của ông trong việc đưa Ukraine vào một tiến trình lạc quan", trung tâm này nhận định hồi tháng 5-2021.
Thử thách với ông Zelensky
Hãng tin Sputnik của Nga không ngần ngại khẳng định các yêu cầu cải cách mà Mỹ đưa ra vừa qua là "tín hiệu cho Tổng thống Zelensky rằng ông sắp không còn thời gian nữa".
Tuy vậy, các yêu cầu bao gồm khung thời gian cố định của Mỹ không hẳn hoàn toàn mang ý nghĩa tiêu cực.
Người dân Ukraine có thể nhìn thấy từng mốc thời gian, đại diện cho từng giai đoạn cải cách cụ thể mà theo lý thuyết, nếu đáp ứng được, uy tín của ông Zelensky sẽ tăng. Chưa kể là vài tháng, vài năm cải cách cũng sẽ giúp ông Zelensky có thêm thời gian duy trì vị thế chính trị.
Tại chuyến thăm không báo trước đến thủ đô Kiev ngày 28-9, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết đang thúc đẩy các thành viên chuyển giao vũ khí cho Ukraine.