11h sáng 28-9, tôi đón taxi để di chuyển 50km từ trung tâm báo chí Asiad Hàng Châu đến trung tâm thể thao Fuyang Yinhua - nơi thi đấu môn bắn súng.
Ở Asiad 19, tại một thành phố rộng 16.000km2 như Hàng Châu, việc di chuyển qua lại các địa điểm với khoảng cách 30km, 50km hay 70km là chuyện quá đỗi bình thường.
Linh cảm về một kỳ tích
Có một số cách để di chuyển rẻ hơn, như tàu điện ngầm hoặc xe buýt. Nhưng thời gian hoàn toàn không cho phép.
Đoàn Việt Nam bước vào ngày thi đấu 28-9 với nhiều kỳ vọng đặt ở các môn bơi, thể dục dụng cụ, đấu kiếm... Nhưng với bắn súng, đây được dự đoán là ngày thi đấu "buồn" bởi không có các gương mặt nổi bật, dày dạn kinh nghiệm nào thi đấu.
Nhưng không một người hâm mộ Việt Nam nào có thể quên khoảnh khắc lịch sử của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic 2016. Bắn súng nổi tiếng là môn thể thao có nhiều yếu tố bất ngờ, may rủi và đột phá.
Vì vậy, dù đã định không đến Fuyang Yinhua, chúng tôi vẫn dõi mắt theo màn trình diễn của Phạm Quang Huy, Phan Công Minh và Lại Công Minh. Bất ngờ, cả ba xạ thủ trẻ này đã làm nên chiến tích không tưởng.
Thành tích khá đều của Quang Huy và hai chàng trai có cùng tên Công Minh giúp Việt Nam giành HCĐ đồng đội nội dung 10m súng ngắn hơi nam (tính tổng điểm vòng loại cá nhân của cả ba).
Còn cá nhân Quang Huy bước vào chung kết với vị trí thứ 4, chỉ kém người dẫn đầu Zhang Bowen (Trung Quốc) 2 điểm.
Phỏng vấn xạ thủ Quang Huy người mang HCV đầu tiên về cho Việt Nam tại Asiad 19
Khi đó, chỉ còn hơn nửa giờ là trận chung kết sẽ bắt đầu, nhiều người trong cánh phóng viên chúng tôi có linh cảm về một kỳ tích, tựa như Hoàng Xuân Vinh năm nào.
Vô cảm với mọi thứ
Dù đã hết tốc lực, tôi chỉ đến trường bắn chung kết 10m ở Fuyang Yinhua kịp để nhìn Quang Huy bắn phát đạn cuối cùng.
Tiếng reo hò của các CĐV Hàn Quốc (VĐV Lee Won Ho là người trụ lại cuối cùng trong loạt bắn loại dần ở chung kết với Quang Huy), cùng vẻ mặt vô cảm của Quang Huy khiến tôi ngỡ Việt Nam đã thua.
Nhưng rồi Hoàng Xuân Vinh - người giờ đây đứng ở trường bắn với tư cách HLV trưởng để vỗ vai Huy. Lúc này cả hai thầy trò mới cùng quay sang phía khán đài và... cười.
"Tôi chẳng biết gì cả. Khi đó trong đầu tôi không nghĩ gì hết, chỉ nghĩ về kỹ thuật và kỹ thuật thôi. Tôi tập trung vào bia và vô cảm với mọi thứ. Bắn súng đôi lúc đòi hỏi chúng tôi phải tự kỷ như vậy", xạ thủ 27 tuổi chia sẻ trong hậu trường.
Những ai từng dõi theo Hoàng Xuân Vinh 7 năm về trước tại Olympic 2016 sẽ quen thuộc với hình ảnh đó. Kể cả khi giành HCV giá trị nhất trong làng thể thao, anh cũng chỉ cười nhẹ, và ăn mừng một cách từ tốn.
Hình ảnh lịch sử đó giờ đây dồn về Phạm Quang Huy. Asiad có thể không nổi bật bằng Olympic. Nhưng Quang Huy đã mang về HCV đầu tiên cho đội bắn súng Việt Nam ở Asiad - một đấu trường rất đẳng cấp.
Con nhà nòi
Có vô vàn những điều đáng để hỏi Quang Huy sau một trận chung kết đầy kịch tính như vậy. Điều đáng phải hỏi đầu tiên là thông tin nền về gia đình anh.
Phạm Quang Huy là con trai của ông Phạm Cao Sơn - một tượng đài trong làng bắn súng Việt Nam. Nếu tính ở tất cả các môn thể thao Việt Nam, hiếm có một ai gắn bó cả đời, cả gia đình với bắn súng được như ông Sơn.
Khi còn thi đấu, ông Sơn giành vô số HCV SEA Games. Đến khi giải nghệ, ông tiếp tục công tác HLV ở tuyển rồi làm trưởng bộ môn bắn súng tại Hải Phòng. Vợ ông, bà Đặng Thị Hằng, cũng là một xạ thủ nổi tiếng.
"Bố ơi, con làm được rồi" - đó là câu đầu tiên Quang Huy thốt lên khi chúng tôi hỏi anh muốn nói gì với những người đang dõi theo anh ở nhà.
Ngay HLV Hoàng Xuân Vinh, khi trao đổi với chúng tôi, cũng liên tục ngỏ lời cảm ơn với ông bà Phạm Cao Sơn - Đặng Thị Hằng vì đã truyền được ngọn lửa nghề cho cậu con trai tài giỏi.
Tất nhiên, không thể bỏ qua công lao của những người thầy. Như đã nói, có rất nhiều điểm giống nhau giữa Quang Huy và Xuân Vinh, trong những loạt đấu súng loại dần ở chung kết. Nhưng điểm chung nhất của hai người họ là đều được dẫn dắt bởi một "đại tông sư" làng bắn súng: ông Park Chung Gun.
Khi mọi người mải mê ăn mừng, ông Park Chung Gun lặng lẽ đứng ở một góc, đặt tay lên vai cậu học trò trẻ Lại Công Minh. Công Minh năm nay 24 tuổi, ít nói như Quang Huy, và cũng xứng đáng với những lời ngợi khen khi góp công vào tấm HCĐ đồng đội.
"Tất cả bọn họ đều xuất sắc. Bắn súng là một môn thể thao đòi hỏi tâm lý vững vàng. Điều đó là tự mỗi con người bọn họ, tôi chỉ giúp họ cải thiện kỹ thuật thôi", ông Park Chung Gun chia sẻ đầy khiêm tốn.
Ở tuổi 27, sự nghiệp của Quang Huy sẽ còn rất dài, khi mà mùi thuốc súng đã ngấm vào dòng máu nhà họ Phạm của anh, và bên cạnh anh là hai "tông sư" của làng bắn súng.
Ngày thi đấu rực lửa
Không chỉ bắn súng, thể dục dụng cụ (TDDC) và bơi lội cũng ghi dấu ấn trong ngày thi đấu hôm nay. Ở nội dung vòng treo của TDDC, tài năng trẻ Khánh Phong đã tỏa sáng như dự đoán. Anh đạt điểm số 14,6 và giành HCB, chỉ kém VĐV Lan Xingyu của chủ nhà Trung Quốc.
Tối cùng ngày, Huy Hoàng trở lại đầy ngoạn mục ở nội dung 800m tự do, sau thất bại đầy nuối tiếc ở đường đua 1.500m tự do. Anh đạt thành tích 7 phút 51,44 giây, xuất sắc vượt qua những đối thủ nặng ký như hai kình ngư người Nhật và một kình ngư Trung Quốc để đoạt HCĐ.
Đây cũng là huy chương thứ 3 của Huy Hoàng ở đấu trường Asiad. Dù không bùng nổ như tại Asiad 8, Huy Hoàng vẫn là ngôi sao số 1 của đội bơi Việt Nam hiện tại. Càng đáng vui hơn khi thành tích này giúp anh đạt chuẩn A Olympic, giành vé đến Paris 2024.
Hành trình đoạt huy chương vàng bắn súng của Phạm Quang Huy ở Asiad 19 mới đây có những điểm tương đồng nhất định với kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh ở Olympic 7 năm trước.