Kinh tế TP.HCM những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 sẽ còn vô vàn những khó khăn, tăng trưởng khó đạt mục tiêu đề ra nếu không quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là bất động sản, kích cầu tiêu dùng nội địa…
Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM chín tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 4-2023, được tổ chức ngày 28-9.
Tại phiên họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên hoan nghênh việc các cơ quan, đơn vị có nhận thức chi tiêu tiết kiệm, không hoang phí nhưng phải chi cho đầu tư phát triển để tạo động lực tăng trưởng.
Cần tập trung kích cầu tiêu dùng nội địa
Phát biểu tại phiên họp, đa số các ý kiến đều nhận định những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nền kinh tế TP.HCM sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, với hàng loạt áp lực về giải ngân đầu tư công, kiềm chế lạm phát, mở rộng thị trường nội địa trong bối cảnh thị trường xuất khẩu thu hẹp.
Ông Lê Duy Minh, giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, cho biết để tăng nguồn thu ngân sách, ngành tài chính TP sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo thu đúng, giảm nợ đọng. TP.HCM sẽ tập trung sắp xếp, xử lý nhà đất, nhà sử dụng không hiệu quả để bán đấu giá tăng nguồn thu, tăng cường tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, tiếp tục các chính sách miễn giảm thuế...
Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM Nguyễn Khắc Hoàng cho hay dù tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM trong quý 2 và quý 3 khởi sắc nhưng để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 7,5% sẽ rất áp lực cho quý 4. Nếu muốn GRDP đạt tăng trưởng cả năm 7,5%, quý 4 phải tăng trưởng trên 15%. Nếu cả năm tăng 5,5%, quý 4 phải trên 9%.
Việc ngành bất động sản tăng trưởng âm, giảm 8,71%, đã kéo giảm tăng trưởng của TP, ngành xây dựng và các ngành kinh tế lớn đều bị ảnh hưởng. Do vậy, việc tháo gỡ các nút thắt của thị trường bất động sản rất quan trọng. Tuy nhiên, theo ông Hoàng, tiêu dùng nội địa - quyết định đến 67% tăng trưởng của TP - đang là điểm sáng, với tổng mức bán lẻ 9 tháng đầu năm tăng 84%.
"Để thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng chúng ta thực hiện tốt các chương trình khuyến mãi tập trung. Dù vậy các chương trình này cần thiết kế lại, mang tính dài hơi và có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các doanh nghiệp tham gia chương trình khuyến mãi", ông Hoàng đề nghị.
Phải "tiêu hóa" hết vốn đầu tư công
Phát biểu tại phiên họp, ông Nên bày tỏ không hài lòng khi giải ngân chín tháng của TP chỉ đạt 30% vốn được giao, dù TP.HCM đã rất quyết liệt, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, đôn đốc. Do vậy, trong ba tháng cuối năm, toàn hệ thống tập trung cao độ cho công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Theo ông Nên, Ban thường vụ Thành ủy đã có chủ trương tổ chức kỳ họp chuyên đề (dự kiến vào giữa tháng 10) để bàn về đầu tư công, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, tập trung bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn.
"Các cấp phải làm rõ nguyên nhân của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công. Lãnh đạo TP.HCM sẽ nêu trách nhiệm của từng sở ngành, quận huyện, từng tổ chức, cá nhân, đơn vị, công trình và sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm, không thể cứ nói hoài", ông Nên cho hay.
TS Trương Minh Huy Vũ, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng TP cần chuẩn bị kỹ lưỡng để bứt phá, đón xu thế khi chu kỳ kinh tế tăng quay lại. Trước mắt, TP cần tập trung triển khai "tiêu hóa" hết khối lượng vốn đầu tư công, triển khai thêm các gói vay tín dụng mới, lãi suất thấp…
Để đón chu kỳ kinh tế từ quý 2-2024, theo ông Vũ, TP cần dựa vào các xu thế phát triển đã được quy định trong nghị quyết 98. Trong đó, khi điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch kinh tế - xã hội, TP cần lồng ghép các nội dung để tái định hướng kinh tế, xã hội, dân số, tổ chức không gian, hình thành các ngành kinh tế.
Đồng thời, lồng ghép chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vào các quy hoạch, biến các ý tưởng thành chính sách, dự án cụ thể để tận dụng động lực mới từ các chính sách, cơ chế đặc thù về khoa học công nghệ nêu trong nghị quyết 98.
GRDP 9 tháng tăng 4,5%
Theo báo cáo tại phiên họp, 9 tháng đầu năm GRDP của TP.HCM tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 871.198 tỉ đồng, tăng 8,6%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 3,2%...
Trong khi đó, theo Sở Tài chính, 9 tháng đầu nă`m tổng thu ngân sách nhà nước là 326.193 tỉ đồng, chỉ đạt 69,4% dự toán và bằng 93,6% so với cùng kỳ. TP.HCM là một trong những địa phương có tỉ lệ thu ngân sách thấp nhất cả nước.
Dù lãi suất huy động đã xuống mức thấp nhất kể từ dịch COVID-19 nhưng lãi suất cho vay vẫn cao, ngay cả với những lĩnh vực được xếp vào nhóm ưu tiên như kinh doanh lúa gạo...