Tại buổi lễ, các đơn vị đã trao thưởng cho 45 người tiêu biểu đã góp công, góp sức phát triển xe buýt, vận tải hành khách công cộng TP.HCM trong năm 2022.
Theo ông Trần Quang Lâm, xe buýt đang chiếm một thị phần rất lớn với 14.000 lượt xe/ngày tại TP.HCM. Các đơn vị vẫn nỗ lực từng ngày để nâng cao chất lượng phục vụ xe buýt, tăng độ hài lòng của hành khách.
Chỉ riêng quý 1-2023, sản lượng xe buýt đã tăng 36% so với trước đó là một tín hiệu tốt. Những hành động nhỏ của tài xế, tiếp viên như hỗ trợ người già lên xe, treo gấu bông trên xe... đã góp phần mang hình ảnh buýt đẹp và văn minh đến người dân.
"Tôi biết có những anh chị cả ngày, cả tuần không được gặp con bởi đặc trưng nghề nghiệp phải đi sớm về khuya. Tôi đánh giá cao tất cả tài xế, tiếp viên đang cùng chung tay xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình", ông Lâm nói.
Ông Lâm cũng yêu cầu Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM chú trọng ứng dụng công nghệ vào quản lý hoạt động xe buýt, xây dựng hệ thống trạm dừng, nhà chờ, nhà vệ sinh tại bến xe buýt... để hút khách hơn.
Mục tiêu của TP.HCM là phát triển giao thông công cộng với nhiều mô hình khác nhau như xe buýt, metro, xe đạp công cộng, xe điện... tiến tới hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.
Chia sẻ sau khi nhận khen thưởng, nhiều tài xế, tiếp viên xe buýt bày tỏ mong muốn cùng phát triển ngành buýt TP.HCM.
Anh Lê Xuân Quy - tài xế tuyến xe buýt số 72 (công viên 23-9 - Hiệp Phước) - nói rất xúc động trước sự quan tâm của cấp lãnh đạo đối với tài xế, tiếp viên. Đây là nguồn động lực để đội ngũ xe buýt nỗ lực phục vụ hành khách tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Anh Quy cũng cho rằng ngành buýt gặp khó khăn liên tục nhiều năm, đặc biệt quãng thời gian xảy ra đại dịch COVID-19. Tài xế, tiếp viên đều nhận ra lượng khách vẫn chưa thể phục hồi được. Muốn hút khách trở lại với xe buýt, điều kiện tiên quyết là đội ngũ xe buýt phải thân thiện, cởi mở và kịp thời khắc phục những thiếu sót.
"Tới đây, tôi kiến nghị TP.HCM có tổ công đoàn lưu động linh động đi kiểm tra quá trình phục vụ trên xe, kiêm nhiệm chăm sóc khách hàng để người dân hưởng dịch vụ buýt nâng cao. Đồng thời các đơn vị nên xem xét bỏ hẳn khâu kiểm soát vé nội bộ, việc kiểm vé nhiều lần gây cảm giác khó chịu cho khách", anh Quy góp ý.
Còn tiếp viên Nguyễn Lưu Tài (làm việc trên tuyến buýt số 28) được khen thưởng bởi luôn niềm nở với khách, nhiều lần nhặt được của rơi Tài đều trả lại cho khách. Tiếp viên này tâm niệm "hãy xem khách là bạn của mình và phục vụ thân thiện nhất có thể".
"Lúc nhỏ, tôi thường xuyên đi xe buýt và nhận thấy một số khách luôn nghĩ tài xế, tiếp viên xe buýt cộc cằn, khó gần. Cho nên tôi nuôi mong muốn trở thành một tiếp viên chuyên nghiệp, đem hình ảnh thân thiện nhất để thay đổi nhìn nhận của khách về ngành buýt. Đến nay, tôi được nhiều khách tin tưởng, thậm chí khách nước ngoài cũng yêu quý", Tài kể.
Bà Nguyễn Thị Dạ Thảo - giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM - cho biết đơn vị luôn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ của đội ngũ lái xe, tiếp viên, nhân viên điều hành lên hàng đầu. Qua đó thu hút hơn nữa người dân tham gia đi lại bằng xe buýt, xây dựng hình ảnh xe buýt thân thiện, an toàn, tin cậy.
Để khuyến khích tài xế, tiếp viên, trung tâm thường xuyên ghi nhận những trường hợp phục vụ tốt, tận tình hướng dẫn khách, trả lại tài sản khách để quên trên xe. Từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã khen thưởng hàng trăm tài xế, tiếp viên phục vụ tốt.
Bên cạnh đó, trung tâm phối hợp các đơn vị phát triển hạ tầng xe buýt, nâng cao chất lượng hơn trong những năm tới.
Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa ra văn bản khẩn đồng ý với đề xuất của Sở Tài chính TP.HCM và Sở Giao thông vận tải TP.HCM đối với hoạt động xe buýt.
Xem thêm: mth.52952832181503202-noc-pag-gnohk-naut-ac-tyub-ex-neiv-peit-ex-iat-oc/nv.ertiout