Ngày 29-9, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị giao ban công tác quý 3, triển khai nhiệm vụ quý 4 - 2023.
Tiếp tục giải quyết tình hình công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc
Phát biểu kết luận hội nghị, đối với quý 4-2023, bên cạnh các nhiệm vụ đã được đề ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh và yêu cầu các đơn vị thuộc, trực thuộc bộ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, người đứng đầu các đơn vị thuộc, trực thuộc bộ và toàn thể công chức, viên chức, người lao động thuộc bộ xác định việc hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2023 một cách chủ động, chất lượng, đảm bảo đúng tiến độ được giao.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch nhiệm vụ trong năm 2024 theo hướng đổi mới, rõ việc, rõ người chịu trách nhiệm, rõ sản phẩm đầu ra.
Bà Trà cũng yêu cầu cần chủ động, hoàn thành công tác xây dựng thể chế chính sách.
Cụ thể, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023) với 4 văn bản, đề án gồm dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), báo cáo công tác quản lý cán bộ, công chức.
Báo cáo lộ trình cải cách chính sách tiền lương và báo cáo sơ kết tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP.HCM. Ngoài ra, trình Chính phủ ban hành 12 nghị định; trình bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền 8 thông tư.
Bên cạnh đó, Bà Trà yêu cầu tập trung thực hiện nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nghị quyết 117 của Chính phủ về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.
Đôn đốc các địa phương triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; chủ động tham mưu giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc, bất cập khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Xây dựng kế hoạch rà soát các quy định, đánh giá tác động của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các luật có liên quan để có cơ sở đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các luật theo quy định.
Cùng đó, tiếp tục giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến vấn đề như tôn giáo, tín ngưỡng, mê tín dị đoan, tình hình công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc, tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm; cải cách hành chính, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ...
Sẽ thiết kế song song 5 bảng lương mới
Trước đó, phát biểu bế mạc phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tại phiên họp thường kỳ tháng 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến với một số nội dung rất quan trọng.
Trong đó, phiên họp sẽ cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách và lộ trình cải cách tiền lương sau khi trung ương đã xem xét và có kết luận nội dung này.
"Đây là nội dung quan trọng nhất phải chờ trung ương họp xong thì chúng ta mới có căn cứ để xem xét, quyết định", ông Huệ nói.
Còn tại buổi tiếp xúc cử tri ở Thanh Hóa mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ Chính phủ đã thực hiện điều chỉnh tiền lương cơ sở và đang thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương.
"Cải cách chính sách tiền lương là việc không thể không làm và sẽ có nhiều điểm mới, lộ trình bắt đầu từ việc bãi bỏ lương cơ sở. Đây là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội", ông Dung nêu rõ.
Ông thông tin thêm bên cạnh việc bỏ lương cơ sở, Chính phủ sẽ thiết kế song song 5 bảng lương mới, gồm bảng lương đối với lãnh đạo, cán bộ quản lý; bảng lương của đối tượng làm chuyên môn nghiệp vụ; bảng lương đối với lực lượng vũ trang...
Riêng lực lượng vũ trang có ba bảng lương gồm mức lương cho sĩ quan quân đội, quân nhân chuyên nghiệp; quân nhân quốc phòng và quân nhân của lực lượng công an.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh đến việc sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024.