Chiều 29-9, phát biểu tại chương trình chào mừng 5 năm thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã gợi mở và cho rằng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nên tập trung vào những lĩnh vực mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, kinh tế xanh.
Hoàn thiện mô hình quản lý vốn nhà nước
Phó thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tiếp tục kiện toàn mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng kinh doanh hiệu quả vốn và tài sản nhà nước, cùng đất nước đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Ông đề nghị 19 tập đoàn, tổng công ty thông qua Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất để hoàn thiện mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành... để doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn nữa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo Phó thủ tướng là chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng, Nhà nước, được chuẩn bị và cân nhắc hết sức kỹ.
Ủy ban vừa là cơ quan thuộc Chính phủ, vừa thực hiện quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, và đang nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế, chiếm trên 60% nguồn lực về vốn và tài sản của doanh nghiệp nhà nước trên cả nước, thực hiện hiệu quả chủ trương mới là tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
"Đây là vấn đề cần được đánh giá, tổng kết để đề ra các giải pháp hiệu quả, khả thi, phù hợp với thực tiễn để giúp ủy ban và các doanh nghiệp thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình trong thời gian tới", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có nhiệm vụ hết sức nặng nề trong việc tham gia giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần thực hiện chủ trương, đường lối phát triển kinh tế do Đảng, Nhà nước đề ra.
Doanh thu, lợi nhuận của tập đoàn, tổng công ty tăng
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Anh, chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thời gian tới sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, các tập đoàn, tổng công ty cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là về sản xuất, thị trường, đầu tư.
Cần tiếp tục giữ vị trí, vai trò nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng, đẩy mạnh đầu tư, phát triển góp phần xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ về giao thông, năng lượng, công nghiệp, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến. Đẩy mạnh chuyển đổi số, tham gia vào chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo điều kiện và lộ trình phù hợp.
Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, so với năm 2018 (thời điểm các tập đoàn, tổng công ty chuyển về ủy ban), thời điểm cuối năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty đã tăng từ khoảng 1,05 triệu tỉ đồng lên khoảng 1,15 triệu tỉ đồng, tổng tài sản hợp nhất tăng từ 2,36 triệu tỉ đồng lên 2,49 triệu tỉ đồng.
Tính riêng trong năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất đạt khoảng 1,87 triệu tỉ đồng, chiếm 20% GPD cả nước, tăng 0,6% so với năm 2018.
Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt khoảng 103,3 ngàn tỉ đồng, tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt khoảng 228 ngàn tỉ đồng.
Với tổng tài sản lên tới 2,4 triệu tỉ đồng, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh ra sao trong 8 tháng đầu năm nay?