Tính đến năm 2023, tỉnh đã thu hút 415 dự án đầu tư nước ngoài ở nhiều lĩnh vực như: Dầu khí, công nghiệp, hạt nhựa, thiết bị điện tử… với tổng vốn đăng ký gần 30 tỷ USD từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Riêng hoạt động đầu tư trong nước, tỉnh đã thu hút 605 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 307.000 tỷ đồng.
Về hạ tầng giao thông, Bà Rịa - Vũng Tàu kết nối với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác trong vùng Đông Nam Bộ bằng đường bộ, đường hàng không và đường thủy… đây là lợi thế rất lớn của tỉnh trong việc phát triển các dịch vụ Logictics.
Đồng thời, Bà Rịa - Vũng Tàu có hệ thống cảng nước sâu và cụm cảng container lớn nhất Việt Nam, có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp trọng tải đến 100.000 DWT; Tàu hàng lỏng (dầu; LPG…) trọng tải đến 80.000 DWT và tàu container trọng tải đến 214.000 DWT (sức chở 18.340 TEUs).
Hội nghị về nâng cao hiệu quả, khai thác hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải và các giải pháp phát triển dịch vụ Logistics.
Thường niên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức hội nghị về nâng cao hiệu quả, khai thác hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải và các giải pháp phát triển dịch vụ Logistics. Cảng quốc tế Cái Mép được Ngân hàng Thế giới và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence xếp hạng thứ 12 trên tổng số 348 cảng container hoạt động tốt nhất toàn cầu. Theo đó, cảng Cái Mép của Việt Nam có thứ hạng cao hơn một số cảng biển lớn như Singapore (vị trí thứ 18), Yokohama - Nhật Bản (vị trí thứ 15), Busan - Hàn Quốc (thứ 22).
Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu đã khai thác tiềm năng dầu khí với khoảng 400 triệu m3 dầu (chiếm 93,29%) và khoảng trên 100 tỷ m3 khí (chiếm 16,2%) của Việt Nam nằm ở thềm lục địa ngoài khơi. Hiện tại tỉnh có 8 nhà máy điện với tổng công suất hơn 4.244 MW, chiếm khoảng 16,8% sản lượng điện quốc gia; 9 nhà máy nước công suất khoảng hơn 200.000m3/ngày đêm.
Ông Nguyễn Anh Triết - Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Các cơ quan chức năng của tỉnh đang tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính. Các khu công nghiệp cũng được đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút thêm nhiều dự án sản xuất, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh cũng tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường. Sử dụng có hiệu quả quỹ đất và hình thành các cụm công nghiệp liên kết với nhau, tạo nguồn hàng cho hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, thực hiện điều chỉnh ngành, nghề nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh - Ông Triết chia sẻ thêm.
Cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ sớm trở thành cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế
Theo quy hoạch, Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu đến năm 2030, trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, có kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức. Cùng với đó, tỉnh đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 khoảng 8,4 - 8,6%/năm. Cơ cấu kinh tế (GRDP) đến năm 2030: Công nghiệp - xây dựng 58,0 - 58,5%; Dịch vụ 29,0 -2 9,5%; Nông, lâm nghiệp, thủy sản 6,0-6,5%; Thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) khoảng 6,5 - 6,7%. Đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ.
Ngoài việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm bớt về chi phí và thời gian, tỉnh còn cam kết sẽ đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nhân cùng doanh nghiệp "vươn ra biển lớn". Từ đó đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm tìm kiếm những cơ hội mới cho các doanh nhân, doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, giải quyết công ăn việc làm cho người dân, đóng góp vào sự phát triển của địa phương và cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.42535643282903202-nol-neib-ar-nouv-peihgn-hnaod-ohc-ioh-oc-oat-uat-gnuv-air-ab/et-hnik/nv.vtv