vĐồng tin tức tài chính 365

Nơi khó vay, nơi than “vay khó”

2023-09-30 11:58

Một số chủ doanh nghiệp ở TPHCM không có nhu cầu vay vốn hoặc ngại áp lực trả nợ ngân hàng, trong khi một số doanh nghiệp, hợp tác xã ở vùng đồng bằng sông Cửu Long rất cần vay vốn nhưng không được ngân hàng duyệt vay.

Đơn hàng bết bát, doanh nghiệp ngại vay

Ở TPHCM, Công ty May mặc Dony vừa hoàn thành đơn hàng xuất khẩu đi Trung Đông, Singapore và tiếp tục nhận đơn hàng mới từ Malaysia, Campuchia. Có đơn hàng thường xuyên hơn, ngân hàng cũng đang giảm lãi suất cho vay nhưng công ty vẫn không dám vay thêm tiền, thậm chí còn rao bán bớt tài sản để trả nợ cho ngân hàng. 

Một số doanh nghiệp dệt may có đơn hàng trở lại nhưng số lượng ít, lợi nhuận thấp nên ngại vay vốn - Ảnh: Hoa Lài (chụp tại Công ty may Sài Gòn 3)
Một số doanh nghiệp dệt may có đơn hàng trở lại nhưng số lượng ít, lợi nhuận thấp nên ngại vay vốn - Ảnh: Hoa Lài (chụp tại Công ty may Sài Gòn 3)

Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc công ty - lý giải: “Đơn hàng có nhưng đối tác đặt hàng nhỏ lẻ, ép giá nên lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) giảm. Thời gian qua, các DN đã quá mệt mỏi với áp lực trả nợ ngân hàng nên bây giờ không dám vay nhiều”. 

Ông Hồ Đình Viên - Giám đốc Công ty Xuất khẩu thời trang Veco - cho biết, có những đơn hàng xuất khẩu, đối tác chỉ thanh toán được 80% và “ký gửi” hàng ở công ty gần 1 năm nay. Với thị trường trong nước, công ty đã tìm đủ cách như chào hàng, giảm giá bán, ra mắt sản phẩm mới hợp túi tiền nhưng sức mua vẫn không tăng. Do vậy, công ty không có nhu cầu vay tiền. 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, đơn hàng của các DN ngành cao su, nhựa giảm từ 20 - 30%, có DN giảm gần 50%. Ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa, Cao su TPHCM - cho hay, việc kinh doanh của các DN trong ngành ngày càng kém thuận lợi: không có đơn hàng xuất khẩu mới, đơn hàng trong nước giảm thêm 10 - 20% so với cùng kỳ năm trước, dòng tiền thu về từ khách hàng cũng rất chậm. Ông nói: “Nghịch lý là DN thiếu tiền nhưng không biết vay mới để làm gì mà chỉ tìm cách cầm cự, chờ thị trường khởi sắc hơn”.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Công ty gỗ VAM Furniture - thông tin, đơn hàng xuất khẩu của công ty ông cũng giảm hơn 20% so với quý trước. Thị trường bất động sản trong nước trầm lắng nên không bán được hàng nội thất. Các đối tác chậm thanh toán tiền, dòng tiền bị kẹt lại nên nhiều DN vẫn có nhu cầu vay vốn nhưng có vẻ các ngân hàng cũng hạn chế cho các DN vay vì sợ rủi ro. 

Ông Phạm Hải Long - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm nông sản xuất khẩu Sài Gòn (Agrex Sài Gòn) - cho biết, những quý trước, đơn hàng xuất khẩu giảm từ 30 - 50% nhưng kể từ tháng Tám, các đối tác ở Mỹ đặt lại hàng do hàng tồn kho của một số hệ thống bán hàng sắp hết. Nhưng do đơn hàng chỉ mới có lại nên DN chưa có nhu cầu vay vốn. 

Muốn vay cũng không dễ 

Từ nay đến cuối năm 2023, các DN ở vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng cường hoạt động sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu nên rất cần vốn. 

Nhiều doanh nghiệp thủy sản ở tỉnh An Giang cần nguồn vốn ưu đãi để đẩy mạnh hoạt động chế biến, xuất khẩu cá tra những tháng cuối năm 2023. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu ở Công ty cổ phần Nam Việt - Ảnh: Huỳnh Lợi
Nhiều doanh nghiệp thủy sản ở tỉnh An Giang cần nguồn vốn ưu đãi để đẩy mạnh hoạt động chế biến, xuất khẩu cá tra những tháng cuối năm 2023. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu ở Công ty cổ phần Nam Việt - Ảnh: Huỳnh Lợi

Ông Nguyễn Văn Đời - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) - cho hay: “Toàn HTX đang sản xuất khoảng 1.000ha lúa chất lượng cao để xuất khẩu, cần bơm tát nước, xới đất, cung ứng vật tư nông nghiệp cho xã viên với kinh phí vài tỉ đồng. Nhưng vay vốn ngân hàng không dễ dù Bình Thành là HTX làm ăn hiệu quả từ nhiều năm qua”. 

Theo ông, các ngân hàng luôn đòi hỏi tài sản thế chấp, phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, hiệu quả và nhiều thủ tục khác. Nhưng phần lớn  HTX nông nghiệp không có tài sản để thế chấp do máy móc là của cá nhân xã viên chứ không phải của HTX. “Để có vốn hoạt động, chúng tôi phải vận động những xã viên có nhiều đất đem giấy tờ đất đi thế chấp vay tiền rồi đưa vốn vào HTX. Cách làm này hơi mạo hiểm nhưng phải làm vì chưa có phương án khác” - ông nói.  

Ông Lê Minh Hải - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Hưng (xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) - cho hay, HTX có gần 330 xã viên, đang canh tác hơn 500ha lúa xuất khẩu. Cái khó lâu nay là vay được vốn từ các ngân hàng. Do đó, chúng tôi buộc phải huy động nội lực và giãn thời gian chia lãi của HTX từ mỗi quý/lần sang 2 quý hoặc 1 năm/lần để tập trung nguồn vốn sản xuất, kinh doanh. 

Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang) là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gạo quy mô lớn của Việt Nam nhưng việc vay vốn cũng khó khăn. Theo ông Lê Thanh Hạo Nhiên - Giám đốc tài chính của Lộc Trời - từ nhiều năm qua, tập đoàn đã chủ động hợp tác với Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long để tạo giống tốt, xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến gạo và xuất khẩu đi nhiều nước. Với chuỗi hoạt động này, vòng vốn cần 18 tháng, nhưng các ngân hàng chỉ cho vay trong 6 tháng, không đủ để DN quay vòng vốn. Ngoài ra, sang năm 2024, Lộc Trời mở rộng bao tiêu 260.000ha lúa chất lượng cao của các HTX và nông dân nên cần nguồn vốn khoảng 32.000 tỉ đồng nên rất cần nguồn vốn từ các ngân hàng. 

Ngân hàng tìm khách vay

Đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) định hướng mức tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 14 - 15%, cao hơn các năm trước. Tuy nhiên, tính đến ngày 15/9, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế chỉ đạt 5,56% (tương đương 12,6 triệu tỉ đồng), là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây.

Nông dân thu hoạch lúa bằng máy gặt liên hợp tại một cánh đồng lúa ở tỉnh An Giang - Ảnh: Huỳnh Lợi
Nông dân thu hoạch lúa bằng máy gặt liên hợp tại một cánh đồng lúa ở tỉnh An Giang - Ảnh: Huỳnh Lợi

 

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) - cho biết, các ngân hàng thu thập nhiều thông tin để đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng. Thông tin càng rõ ràng, khách có giao dịch lâu dài thì ngân hàng sẵn sàng cho vay thêm khoảng 20% mà không cần tài sản đảm bảo. Nếu DN đủ điều kiện, chắc chắn ngân hàng sẽ cho vay bởi ngân hàng đang phải trả lãi huy động cho người dân. Có ngân hàng còn “trải thảm” mời DN vay. 

Theo ông, khi DN kinh doanh khó khăn, nhu cầu thị trường giảm, nguồn cung vốn ra thị trường gặp khó khăn là điều đương nhiên. Các DN không hẳn thiếu vốn mà quan trọng là đang thiếu đầu ra. Chính phủ, NHNN đang có nhiều chính sách hỗ trợ DN, khuyến khích các ngân hàng bơm vốn cho nền kinh tế.

Ông nhận định: “Lãi suất cơ bản đã giảm, thấp hơn so với ở Mỹ. Nếu so với tình hình chung của thế giới thì kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng tốt hơn, tỉ giá ổn định, GDP đang khởi sắc. Đây là lúc DN xem lại toàn bộ hoạt động sản xuất, cách thức quản lý; các ngân hàng cũng xem xét lại sản phẩm cho vay, cơ chế cho vay để tạo điều kiện cho DN dễ quản lý rủi ro của mình”. 

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM - NHNN luôn lắng nghe và chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để kịp thời bơm vốn cho DN. Nếu DN có nhu cầu vay vốn nhưng gặp khó khăn trong tiếp cận vốn thì hãy liên hệ với NHNN, nêu địa chỉ cụ thể, NHNN sẽ mời 3 bên trao đổi, tháo gỡ. Nhưng thực tế, nhiều DN có nội lực yếu, chưa có phương án kinh doanh mới hoặc phương án kinh doanh còn nhiều hạn chế nên các ngân hàng khó đánh giá khả năng trả nợ, đảm bảo an toàn cho vay. 

Ông nói: “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các tổ chức tín dụng sẽ nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro hơn nên khó hạ chuẩn cho vay. Còn nếu khó vay vốn do cơ chế, chính sách thì NHNN sẽ kiến nghị sửa đổi”. 

Lãi suất giảm khoảng 1%/năm

Đại diện NHNN cho biết, để hỗ trợ nền kinh tế, NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành 4 lần với mức giảm từ 0,5 - 2%/năm. NHNN Việt Nam là một trong số rất ít ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất. Đến nay, mặt bằng lãi suất của các ngân hàng đã giảm khoảng hơn 1%/năm so với cuối năm 2022. 
Lãnh đạo NHNN còn có nhiều văn bản chỉ đạo, trực tiếp làm việc với các ngân hàng để hạ lãi suất đối với các khoản vay đang còn dư nợ và các khoản vay mới (phấn đấu mức giảm lãi tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm). Đến nay, tổng số tiền lãi được các tổ chức tín dụng giảm khoảng 19.000 tỉ đồng. 

Cần đẩy mạnh cho vay theo chuỗi giá trị

Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) - cho biết, nhiều DN vẫn gặp trở ngại trong việc nâng hạn mức tín dụng.  
Công ty Trung An đăng ký tham gia đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động nên rất cần được các tổ chức tín dụng xét nâng hạn mức vay, với thời hạn vay dài hơn, lãi suất thấp hơn thông thường. Các ngân hàng nên xem xét cho vay theo chuỗi giá trị. Cụ thể, khi doanh nghiệp xuất khẩu ký hợp đồng tiêu thụ nông sản với nông dân thông qua đại diện là các HTX với thời gian sản xuất, thu hoạch rõ ràng, ngân hàng có thể thẩm định và cho vay dựa trên hợp đồng liên kết giữa DN và HTX.

Kỳ tới: Nên ưu tiên vốn cho sản xuất và xuất khẩu.

Thanh Hoa - Huỳnh Lợi

Xem thêm: lmth.9712051a-ohk-yav-naht-ion-yav-ohk-ion/nv.moc.enilnounuhp.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“ Nơi khó vay, nơi than “vay khó” ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools