Ông Võ Xuân Hoài - phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - thông tin với Tuổi Trẻ bên lề Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2023. Hội nghị do NIC, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA) phối hợp tổ chức vào ngày 29-9.
Cần 50.000 kỹ sư công nghệ
* Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành lập đề án đào tạo 50.000 kỹ sư, chuyên gia công nghệ cho ngành bán dẫn từ nay đến năm 2030. Vậy kế hoạch đào tạo cụ thể trong thời gian tới thế nào?
- Thủ tướng đang giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được khoảng 50.000 kỹ sư trong ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó có các công đoạn như đóng gói, lắp ráp, kiểm thử, thiết kế và phát triển sản phẩm... Do đó tập trung đào tạo đội ngũ kỹ sư thiết kế chip bán dẫn vì đây là một lợi thế của người Việt bởi mạnh về các môn khoa học tự nhiên, về system.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang giao cho NIC đánh giá thực trạng đào tạo tại các trường đại học cũng như đào tạo kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn. Trên cơ sở đánh giá sẽ đưa ra giải pháp để làm sao Việt Nam có thể đào tạo được 50.000 kỹ sư, chuyên gia công nghệ. Từ đó sẽ giao chỉ tiêu cho các trung tâm đào tạo lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Đà Nẵng, Đại học Cần Thơ, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học FPT và một số trường đại học khác. Thực tế hiện nay các trường cũng đang triển khai mạnh mẽ việc này.
* Còn việc hợp tác nước ngoài ra sao, thưa ông?
- NIC đang phối hợp với Tập đoàn Synopsys (Mỹ) để đề xuất họ cung cấp các phần mềm bản quyền đào tạo chip miễn phí, từ đó cung cấp cho các trường đại học trong thời gian tới. Trong chuyến đi cùng Thủ tướng tới Mỹ, chúng tôi đã ký hợp tác với Synopsys, Cadence Design Systems là hai công ty cung cấp phần mềm thiết kế chip lớn nhất thế giới hiện nay. Đồng thời NIC cũng có hợp tác với Đại học bang Arizona (ASU) - trường đại học có những chương trình đào tạo, nghiên cứu rất tốt về chip. Chúng tôi đã có hợp tác ban đầu với họ để tập trung phát triển nguồn nhân lực.
Câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực ở đây không chỉ có đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong nước mà mình kết hợp với các đối tác quốc tế để người học có cơ hội học tập, đặc biệt là thực hành ở nước ngoài. Chính vì thế, NIC đã đẩy mạnh kết nối với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới về chip bán dẫn, qua đó tạo cơ hội thực tập cho sinh viên tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu và các phòng thí nghiệm của họ theo phương châm vừa học vừa làm. Đó là chương trình đào tạo dài hạn chương trình cử nhân.
NIC cũng đang phối hợp với các trường đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng các chương trình đào tạo sau đại học như thạc sĩ, tiến sĩ ngành chip bán dẫn. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng vì Việt Nam muốn nắm công nghệ lõi thì phải có đào tạo chuyên sâu. Điều này hiện nay chúng ta đang rất thiếu.
Và để đạt được con số đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ thì NIC sẽ tiến hành song song giữa phối hợp với các trường đại học để xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, tức là dựa trên cơ sở là các học viên và đối tượng đã tốt nghiệp các ngành nghề liên quan. Ví dụ như các ngành công nghệ thông tin, khoa học máy tính, vật liệu có thể chỉ phải đào tạo 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm là có thể đi làm được rồi. Hiện NIC cũng đang phân loại đối tượng để đào tạo trong các quãng thời gian phù hợp.
* Đâu là cơ sở để chúng ta đưa ra con số đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ để định hình ngành công nghiệp bán dẫn trong nước mà không phải con số khác?
- Cơ sở để Chính phủ, Thủ tướng đặt ra mục tiêu trên là dựa trên khảo sát từ Đài Loan. Đài Loan là nền kinh tế có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển, là một trong năm nền kinh tế có ngành công nghiệp bán dẫn lớn nhất thế giới hiện nay. Và Đài Loan hiện có khoảng 50.000 kỹ sư bán dẫn. Chính vì thế, Việt Nam muốn đuổi kịp các quốc gia hàng đầu về công nghiệp bán dẫn thì tối thiểu phải có được 50.000 kỹ sư công nghệ.
Hơn nữa, 50.000 kỹ sư Việt Nam sau khi đào tạo xong không nhất thiết phải làm việc cho các doanh nghiệp trong nước, NIC sẽ hỗ trợ để họ có cơ hội làm việc trong các tập đoàn công nghệ nước ngoài. Trong chuyến đi Mỹ vừa rồi, Thủ tướng đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới về chip bán dẫn như Nvidia, Synopsys, Hiệp hội Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA). Qua đó tạo thuận lợi cho nguồn nhân lực của chúng ta sau khi đào tạo có cơ hội vào làm cho các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
Ngay tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2023, NIC đã phối hợp với Hiệp hội Bán dẫn Đông Nam Á mời hơn 100 doanh nghiệp về công nghiệp bán dẫn ở khu vực Đông Nam Á, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản để tham gia chương trình tọa đàm thúc đẩy kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Thu hút nhiều nguồn để đào tạo nhân lực
* Vậy chi phí đào tạo hàng chục ngàn kỹ sư công nghệ từ nay đến 2030 theo tính toán NIC sẽ thu hút từ đâu?
- Nguồn lực để đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ đang được NIC tính toán dựa trên kinh nghiệm của các nước. Trong đó, đầu tiên là nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, tiếp đó là nguồn lực tư nhân. Hiện nay các doanh nghiệp tư nhân trong nước như FPT, CMC họ cũng đang tham gia rất mạnh vào đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghệ. Hơn nữa, sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức Đối tác chiến lược toàn diện thì Mỹ đã cam kết sẽ tài trợ, hỗ trợ Việt Nam một phần nguồn lực để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, ngành STEM (ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) tại NIC. Qua đây, phía Mỹ đang đề xuất NIC phối hợp với ASU để sử dụng một nguồn tài trợ của Chính phủ Mỹ - khoảng 50 triệu USD - nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam.
Hiện Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng đã cam kết hỗ trợ NIC 12,5 triệu USD để đào tạo nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo và ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện NIC đã triển khai một phần gói tài trợ này và năm 2024 sẽ mở rộng triển khai. Tuy nhiên, nguồn lực quan trọng nhất vẫn là của Nhà nước để cung cấp học bổng cho sinh viên các trường đại học, thậm chí phải xây dựng chương trình đào tạo nghề ngay khi học sinh từ lớp 9 vào lớp 10 có thể tham gia đào tạo về công nghiệp bán dẫn. Bởi ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ có công đoạn thiết kế, nhiều công đoạn khác không nhất thiết phải đào tạo đại học, sau đại học. Nhưng với đào tạo sau đại học, đặc biệt đào tạo tiến sĩ, trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn cần có kinh phí lớn để đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) cho sinh viên, học viên trong quá trình học tập, nghiên cứu.
* Ông có thể cho biết các đối tác Mỹ đang đầu tư tại Việt Nam như Intel, Amkor đã có cam kết gì trong hỗ trợ chúng ta đào tạo nguồn nhân lực?
- Tất cả các doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam đều quan tâm tới đào tạo nguồn nhân lực. Nhiều doanh nghiệp bán dẫn đang quan tâm đầu tư vào Việt Nam vì họ thấy rằng nguồn nhân lực chúng ta có tiềm năng, có khả năng đào tạo và phát triển sâu hơn. Amkor, Intel đã có những chương trình hợp tác với NIC và các trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của chính họ và một phần cho chương trình quốc gia của Việt Nam.
Đài Loan chuyển mình ngoạn mục nhờ bán dẫn
Mỗi năm, gần 1/3 chip bán dẫn mà tất cả thiết bị điện tử chúng ta sử dụng đều được chế tạo tại Đài Loan - một hòn đảo nhỏ với dân số chỉ hơn 23 triệu người, theo Đài CNBC. Không ai có thể phủ nhận sự thống trị của Đài Loan trong mảng sản xuất chip bán dẫn theo đơn đặt hàng (foundry). Năm 2020, các nhà sản xuất chip bán dẫn theo hợp đồng của Đài Loan chiếm 60% doanh thu toàn cầu trong mảng này. 90% trong số đó thuộc về một doanh nghiệp duy nhất: Công ty Sản xuất chip bán dẫn Đài Loan (TSMC).
Theo tạp chí khoa học National Academies Press (Mỹ), sự thành công này bắt đầu từ năm 1974, khi chính quyền Đài Loan quyết định chọn phát triển ngành bán dẫn như ngành công nghiệp trọng yếu. Thời điểm đó, nền kinh tế Đài Loan chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Trong những năm đầu thập niên 1970, Đài Bắc đã thành lập Viện Nghiên cứu công nghệ công nghiệp (ITRI) cùng 10 phòng nghiên cứu trực thuộc. ITRI không phải một cơ quan chính phủ và nhân viên của viện cũng không phải công chức. Viện hoạt động như một công ty độc lập, hợp tác theo hợp đồng cùng chính quyền. Ban đầu, Đài Bắc vẫn có một khoản đầu tư để thành lập ITRI. Nhưng ngay khi viện này ra đời, dòng vốn từ chính quyền lập tức bị ngắt và ITRI phải tự tồn tại bằng cách tìm kiếm hợp đồng. Chiến lược đó được đặt ra nhằm buộc ITRI phải hoạt động thật sự hiệu quả.
Đến năm 1985, ông Moris Chang được chính quyền Đài Loan tuyển dụng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Tại chính khuôn viên ITRI, ông Chang đã cho xây dựng một công xưởng mới - nơi sau đó trở thành xưởng sản xuất chip điện tử trên tấm bán dẫn (wafer fabrication) đầu tiên của TSMC.
Nắm lợi thế về nguồn nhân lực ngành bán dẫn
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có ưu thế về mặt nhân lực là lực lượng lao động trong các mảng kỹ thuật, công nghệ dồi dào.
Ông Clark Tseng, giám đốc cấp cao của SEMI, đánh giá Việt Nam có lực lượng lao động trẻ và được đào tạo sẽ là nguồn tài nguyên quý cho ngành công nghiệp bán dẫn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thể hiện sự ủng hộ ngành công nghiệp bán dẫn, đã và đang có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư. Đây là những lợi thế giúp Việt Nam trở thành trung tâm chú ý trong ngành bán dẫn khu vực, bên cạnh yếu tố khách quan là cạnh tranh địa chính trị dẫn tới nhu cầu đa dạng hóa cơ sở sản xuất của doanh nghiệp.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Thiện Nghĩa - phó cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) - cho hay trong mảng kỹ thuật và công nghệ, hiện Việt Nam có khoảng 300.000 kỹ sư, lực lượng lao động khoảng 1,6 triệu người và khoảng 42.000 công ty. Những con người và công ty này góp phần giúp ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của Việt Nam đạt doanh thu khoảng 148 tỉ USD trong năm 2022.
Về bức tranh toàn cảnh, ông Nghĩa cho rằng Việt Nam có nhiều công ty thiết kế, lắp ráp và thử nghiệm chip, trong đó đông đảo nhất là mảng thiết kế nhưng chưa có công ty nào trong khâu đúc chip. Câu hỏi đặt ra là: Nên chọn khâu nào và khi nào thì có công ty đặt tại Việt Nam nằm trong khâu đó một phần liên quan đến chi phí?
Trong khi đó, giáo sư Mai Anh Tuấn - giảng viên cấp cao thuộc Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội - trăn trở với việc sinh viên ngày càng ít quan tâm đến các ngành STEM trong khi nhu cầu cho ngành này, đặc biệt là bán dẫn, ngày càng lớn dẫn tới sự thiếu hụt. Việt Nam đang nỗ lực, chủ động giải quyết vấn đề thiếu hụt trong ngành này thông qua vai trò của các trường đại học.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Radomir Tomovic - Công ty Dezan Shira - cũng đánh giá ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng. "Công tâm mà nói thì trong khu vực châu Á, Việt Nam chỉ đứng sau vùng lãnh thổ Đài Loan về tiềm năng phát triển trong ngành này", ông nói.
* Ông Vũ Thanh Thắng (chủ tịch Công ty cổ phần SCS AI):
Thách thức không nhỏ
Để đạt được mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ từ nay đến 2030 thì mỗi năm chúng ta phải đào tạo khoảng 6.250 kỹ sư công nghệ, một mục tiêu nhiều khó khăn. Ở nước ta chỉ có khoảng năm trường đại học đào tạo được như Đại học Bách khoa Hà Nội hay các trường đại học công nghệ. Như vậy, để đạt mục tiêu mỗi năm một trường phải đào tạo khoảng 1.250 kỹ sư công nghệ, đây là con số lớn. Thực tế, Đại học Bách khoa Hà Nội - một trường đào tạo kỹ sư công nghệ hàng đầu cả nước thì khoa điện tử (bao gồm nhiều ngành) chỉ đào tạo được khoảng 600 kỹ sư công nghệ/năm, trong số này chỉ có khoảng 300 kỹ sư IC design (thiết kế con chip).
Nguồn lực đào tạo kỹ sư công nghệ cũng là một thách thức lớn vì trước đây chúng ta đào tạo lý thuyết về chip chứ không có thực tế sản xuất. Do đó số lượng giảng viên các trường cần để đào tạo hàng ngàn kỹ sư công nghệ một năm cũng là thách thức.
Việc mang giáo trình từ Mỹ về các trường đại học trong nước để đào tạo kỹ sư công nghệ là một lợi thế. Giáo trình mang về tốt kết hợp với các thầy, trò có năng lực sẽ cho kết quả tốt. Tuy nhiên, điều hạn chế là thời gian đào tạo quá ngắn, "giờ bay" của cả thầy và sinh viên quá ít có thể ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo.
Thông tin được tổng giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa công bố tại buổi trao quyết định công nhận Khu công nghệ thông tin tập trung FPT Đà Nẵng.