Mặc dù đã đội lên đầu chiếc mũ lụp xụp, áo phông, dép nhựa, khuôn mặt được phủ bụi đường và hai đêm không ngủ để hoàn toàn lẫn vào các bác tài chuyên nghiệp, tôi vẫn phải hạn chế hết sức việc chụp ảnh có thể dẫn đến những chuyện phiền phức ở nơi bến bãi địa đầu này.
Bữa ăn vội dưới gầm xe
Sáng sớm hôm sau, có người đến kiểm tra niêm chì, kiểm tra nhiệt độ container và chất lượng hàng. Thanh niên này cho biết: "Cầu phao tại cửa sông Ka Long đã dừng hoạt động do mưa lũ lớn. Tất cả xe và hàng xác định nằm chờ, khi nào qua được sẽ báo".
Điểm tập kết container lạnh nằm trên một quả đồi có đến vài trăm xe đậu chờ qua biên giới. Tiếng máy làm lạnh, tiếng động cơ ô tô nổ rền trời suốt đêm ngày chẳng khác nào sân bay có hàng ngàn chiếc phản lực chuẩn bị cất cánh.
Tôi tìm nơi có nước để đánh răng rửa mặt, vệ sinh. Thấy một số thanh niên tắm rửa, giặt giũ quần áo (sau này mới biết đó là khu tắm rửa riêng biệt của đội lái xe trung chuyển qua lại bên kia biên giới), tôi bước vào liền bị họ xua tay đuổi ra và chỉ đi về một khu vực khác khá nhớp nháp. Đó là khu vệ sinh tập thể cho cả ngàn con người theo xe hàng từ khắp mọi miền về đây.
Xung quanh khu vệ sinh, nhiều bác tài rúc vào gầm xe mình bật bếp gas tự đun nước chế cà phê và bữa sáng. Những bác tài đến trước nhanh nhẹn, tháo vát đã đậu xe xí phần được nơi gần nguồn nước. Rồi các bác tài cũng ráp lại với nhau, góp tiền đi chợ và tập trung nấu nướng, ăn uống qua quýt để chờ đợi đến lượt bỏ hàng qua bên kia biên giới.
Tôi lang thang tìm hiểu, những quả đồi xung quanh được san ủi có bãi dành cho xe container nóng, bãi dành cho xe hàng tươi sống cá tôm nằm sát hồ nước nhân tạo giáp sông Ka Long. Chợ biên giới đối diện cửa khẩu Cầu Treo xuất hàng theo đường tiểu ngạch và cách khoảng cây số. Tôi hỏi một bảo vệ đường ra cầu, anh ta chỉ và dặn tôi chỉ được đứng cách 500m để xem chứ không được đến gần.
Nghĩa tình tài xế
Trở lại xe mình, tôi được tài xế Trương Ngọc Hoàng mời lai rai cùng các lái xe tứ xứ góp nhặt bữa chung. Trời mưa thì kéo nhau vào cái thùng container cũ bỏ ở góc bãi đầy mùi xú uế, hết mưa lại di chuyển ra ngoài trời. Nhậu từ trưa đến chiều, chiều đến tối. Ai mệt thì đi ngủ, tỉnh dậy còn sức còn tiền thì nhào vô góp tiền uống tiếp.
Đêm đến, ai nhậu cứ tiếp tục nhậu, vài người thành thạo tự tách nhóm gọi xe ôm chở đi karaoke tăng 2, tăng 3 hoặc hò hẹn đánh bài. Chuyện trò toàn là giao nhận hàng, ăn chia giữa lái phụ và lái chính, chung chi đắt rẻ, xe uống dầu, xe nổ lốp, những pha lạng lách thoát chết trong gang tấc, rồi xe nào đó đổ đèo bị lật, hư hỏng nằm đường…
Có bác tài khóc kể: "Đợt dịch, xe qua trả hàng bên Trung Quốc thì bên này chỉ thị 16, thế là hơn hai tháng trời ăn ngủ khách sạn. Mấy hôm đầu còn có cơm có thịt, chứ những ngày sau hết tiền, cứ mì gói cháo gói ăn đến phù mỏ. Hết dịch mới gọi điện về nhà nói vợ mượn tiền gửi ra mới có tiền đổ dầu về".
- Tụi bay nhớ thằng Vĩnh, người Hoài Nhơn, Bình Định, chạy chiếc công (container) Mỹ đầu đỏ không? - một lái xe tên Đam, dáng vạm vỡ, giọng người miền biển ồm ồm bất chợt lên tiếng.
- Ờ, bệnh tình nó sao rồi mày? Lâu quá không biết tin tức gì.
- Ổng với tui xa lạ gì mà hổng biết!
- Mà ổng sao rầu?
Nhiều lái xe phụ họa câu chuyện về lái xe tên Vĩnh nào đó.
Đam chùng giọng trả lời:
- Nó chết mất rầu mờ. Tao mới nghe người nhà thông báo. Tậu dễ sợ! Anh em mình biết không biết gì mỗi người bớt vài lon bia đóng góp, mai mốt tui về tới thắp nhang cho nó chứ tậu quá!
- Ung thư phổi chết nhanh gớm lém. Mới mờ, phát hiện trong vòng mấy tháng chớ mấy.
- Đời tài xế đeo xe khổ ghê gớm…
- Ảnh được 40 tuổi không hé? Có vợ mấy đứa con rầu hổng biết?
- Vợ không có công ăn việc làm và hai đứa con mới chút xíu dầy chớ mấy.
Đam miệng nói tay ra hiệu hai đứa con của Vĩnh đứa lớn cao hơn mình đang ngồi, đứa nhỏ thấp ngang cổ.
Tài xế Vĩnh chạy container lâu năm nên nhiều người trong cuộc nhậu biết. Anh này nghỉ học sớm rồi đi lơ xe tải, xe khách, làm thuê làm mướn khắp nơi. Lăn lộn nhiều năm, anh mới đậu cái giấy phép lái xe tải, rồi sau ba năm mới nâng lên FC chạy đầu kéo.
Cuộc sống gia đình tưởng sẽ có ngày mở mày mở mặt bởi Vĩnh không cờ bạc, không rượu chè và chắt chiu, tiết kiệm, nhưng số phận quá nghiệt ngã! Phát hiện bệnh nan y, Vĩnh phải bỏ nghề để chữa bệnh nhưng do ung thư đã di căn vào giai đoạn cuối, chỉ xạ trị được 1-2 lần thì qua đời!
Nhiều lái xe đã mau mắn:
- Tui góp cúng Vĩnh 200 ngàn.
- Tui góp 300 ngàn. Kệ nó, ăn bao nhiêu cũng hết.
- Tui cúng 500 ngàn.
- Mày phải có trách nhiệm đến thắp nhang và nói anh em đóng góp, tuy không nhiều nhưng cũng là tấm lòng nha Đam. Mày mà lấy tiền đánh bài hay số đề mang tậu ráng chịu. Ảnh về vặn cổ mày có đó con.
Đam nhẩm đếm và tuyên bố số tiền anh em quyên góp thắp nhang cho Vĩnh, rồi thong thả nói:
- Tụi bay nghĩ tao đơn giản dữ ne bay? Cái nào ăn thì ăn, cái nào cúng thì cúng chứ…
Tiếp tục câu chuyện về một bác tài nào đó bị vợ cắm sừng, bỏ đi theo một lão già lắm tiền. Trong khi chồng đi xe biền biệt, cày ngày cày đêm để kiếm tiền đem về nuôi vợ con, nhưng đưa bao nhiêu cũng ít bởi cô vợ số đề, trai gái… Anh ấy khuyên can miết nhưng vẫn chứng nào tật ấy, rồi cô ta khăn gói ra đi không một lời từ biệt.
Bia vào lời ra. Mỗi người một câu chuyện được các bác tài tranh nhau kể như cho đỡ buồn xa nhà. Tất cả vất vả và những đêm trắng đánh vật với các khúc cua tử thần của đời tài xế giờ như gió đêm lạnh cuốn bay đi.
Trưa hôm sau, xe tôi được lệnh đo nhiên liệu trong thùng còn bao nhiêu, xong bàn giao cho một lái xe trung chuyển đến lái qua bên kia biên giới trả hàng. Đời tôi chạy xe nhiều năm, chưa bao giờ thấy có kiểu bàn giao nguyên cả chiếc xe và hàng hóa có giá trị cả vài chục tỉ đồng cho một người xa lạ mà không có bất cứ một biên bản giao kèo gì. Tôi và lái xe Hoàng xách hành lý ra ngoài thuê phòng trọ.
Hai anh em nằm chung một chiếc giường đôi, trước khi chìm vào giấc ngủ sâu, Hoàng kể cho tôi nghe chuyện gia đình. Vợ anh bỏ đi vì vướng nợ nần, về nỗi lo cho tương lai hai cô con gái bé bỏng. Anh nói mình vẫn may, nhiều lái xe giờ đang tù tội do tàng trữ, sử dụng ma túy, người đang chờ đi tù vì bị bắt khi đánh bài, người bệnh nan y nằm chờ chết…
Rồi Hoàng kể tôi nghe chuyện hai chú cháu gần nhà anh chạy xe đường dài. Lốp xẹp, hai chú cháu cùng xuống mở thay lốp xe. Một chiếc xe khách vượt ẩu đã tông chết cả hai chú cháu khi đang thay lốp!
Phận đời tài xế đường dài nhiều nhọc nhằn và lắm bất ngờ khó lường!
Sau khi biết tôi mới đi chuyến đầu, anh nói: "Chạy xe công (container) lạnh cực lắm. Tui chạy chuyến này rồi về nghỉ chứ không chạy nữa đâu. Công ty có rất nhiều xe công lạnh mới muốn giao nhưng tui không nhận. Lâu lâu tui mới đi một chuyến mà nằm bãi riết, ăn hết tiền.
Không chuyên chạy, không biết cách điều chỉnh nhiệt độ, hỏng hàng là ăn cả xe (đền cả xe), chết luôn! Tui đã nằm bãi mấy hôm rồi chứ bộ. Nghe nói mưa lớn, nước sông dâng cao, phía bên kia Trung Quốc đã tháo cầu treo, phải nằm đợi nữa, chắc chết quá!".
-------------------------------
Đến trưa ngày thứ tư, xe được trả về bãi. Rất may không bị mất mát gì như những xe khác từng bị mất đồ nghề, tráo bình ăcquy, máy đề, hút hết dầu...
Kỳ tới: Theo chuyến hàng biên giới xuôi về Nam
Tài xế container hay bị gọi "hung thần trên đường". Một phần nào đó cũng đúng, nhưng có đi cùng mới hiểu đời cầm lái những vòng quay bánh xe hàng hạng nặng trên vạn nẻo đường này còn có rất nhiều nỗi niềm khó nói.