Ngày 30-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Diệp Bảo Tuấn - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết đơn vị có hai chiếc máy để chụp MRI cho bệnh nhân. Một chiếc máy ở cơ sở 1 (quận Bình Thạnh) rất cũ, đã bị hư và hiện đang chờ thủ tục thanh lý.
Còn ở cơ sở 2 (TP Thủ Đức) có một máy chụp MRI mới hơn, tốt hơn, công suất cao hơn nhưng vừa bị hỏng sau gần 3 năm đưa vào sử dụng.
Ít nhất hai tháng sau mới có máy chụp MRI
Theo bác sĩ Tuấn, máy chụp MRI ở cơ sở Thủ Đức vẫn do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM (thuộc UBND TP.HCM) quản lý, nên khi máy bị hỏng bệnh viện đã gửi văn bản báo cáo với Ban quản lý dự án, Sở Y tế TP.HCM về tình trạng này.
Sở Y tế TP.HCM cũng đã đồng ý cho bệnh viện lấy Quỹ Vì sự nghiệp phát triển của bệnh viện sửa máy MRI. Tuy vậy, muốn sửa chữa bệnh viện sẽ phải tiến hành đấu thầu và như vậy ít nhất trong hai tháng nữa (nếu đấu thầu thành công), Bệnh viện Ung bướu mới có thể sửa chữa máy MRI.
Với cả hai máy MRI cùng hỏng, hiện Bệnh viện Ung bướu không còn chiếc máy nào để chụp MRI cho bệnh nhân.
"Để bệnh nhân được chụp MRI sớm hơn, cách đây vài tháng bệnh viện đã bàn ký hợp đồng với Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức để chuyển bệnh nhân qua chụp MRI.
Theo hợp đồng này, bệnh nhân nộp tiền chụp tại Bệnh viện Ung bướu, hằng tháng bệnh viện sẽ thống kê số bệnh nhân chụp MRI trả tiền cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức. Bệnh nhân vẫn được hưởng bảo hiểm y tế như khi được chụp MRI tại Bệnh viện Ung bướu, có điều bệnh nhân phải di chuyển xa hơn" - bác sĩ Tuấn lý giải.
Dự kiến đầu tuần tới, bệnh nhân có chỉ định chụp MRI sẽ phải tự di chuyển từ Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 sang Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức chụp MRI. Bệnh viện cũng đang cố gắng tìm nhà tài trợ để có thể giúp bệnh nhân di chuyển miễn phí.
Theo bác sĩ Bảo Tuấn, mỗi ngày Bệnh viện Ung bướu có từ 15-20 bệnh nhân có chỉ định cần chụp MRI. Để tháo gỡ khó khăn này, bệnh viện đã đề xuất với Sở Y tế TP.HCM sử dụng quỹ của bệnh viện đầu tư thêm một chiếc máy MRI thay thế chiếc máy MRI đã hỏng tại cơ sở 1 và tiến hành đấu thầu sửa chữa chiếc máy còn lại. Đề xuất này cũng đã được Sở Y tế đồng ý.
Chờ lâu, bệnh nhân nói sẽ tìm nơi khác để chụp MRI
Mới đây, anh P.T.K. (28 tuổi, ngụ ở Quảng Nam) đã phản ánh với báo Tuổi Trẻ việc được Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM hẹn gần một tháng sau mới chụp MRI. Trước đó anh được chẩn đoán đau dây thần kinh số 5.
Anh K. cho rằng việc hẹn gần một tháng sau mới chụp MRI là bất cập, tốn công sức và có thể ảnh hưởng quá trình điều trị bệnh của anh. "Tôi sẽ không quay lại bệnh viện này để chụp MRI nữa vì thời gian chờ đợi lâu, đi lại tốn kém. Tôi sẽ tìm một cơ sở khám chữa bệnh khác gần nơi sinh sống để chụp, điều trị" - anh K. chia sẻ sau một ngày thuê trọ ở TP.HCM nằm chờ đợi.
Tại sao bệnh nhân phải chờ chụp MRI lâu như thế? Theo ông Nguyễn Hoàng Bắc - giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, hiện bệnh viện chỉ có hai máy chụp MRI. Hai máy này hoạt động suốt từ sáng sớm đến 21h tối nhưng mỗi ngày cũng chỉ chụp MRI cho gần 90 bệnh nhân.
Trong khi số người đến khám và điều trị tại bệnh viện đông, dẫn đến tình trạng quá tải. Bệnh viện này cũng vừa mua thêm một máy MRI mới, dự kiến trong tháng sau sẽ đưa vào sử dụng, và cũng dự kiến sau đó tiếp tục đấu thầu mua thêm máy MRI.
Chụp MRI xuyên trưa, thậm chí đến khuya
Tại Bệnh viện Nhân dân 115 hiện có hai máy MRI, một máy chụp cho bệnh nhân bảo hiểm y tế và một máy chụp cho bệnh nhân khám theo yêu cầu và bệnh nhân nội trú.
"Mỗi ngày bệnh viện chụp cho 70-80 bệnh nhân. Các ngày đầu tuần bệnh nhân đông, bệnh viện cho máy chụp xuyên trưa, thậm chí đến tối khuya để giải quyết hết lượng bệnh nhân cần chụp trong ngày" - lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân 115 nói.
Bệnh viện Nhân dân Gia định có một máy MRI. Máy này hoạt động từ 7h sáng cho đến khi chụp hết bệnh nhân, mỗi ngày khoảng 50-60 bệnh nhân.
TTO - Chấn thương của đội trưởng Nguyễn Quang Hải trong trận thắng U22 Singapore 1-0 ở lượt thứ 4 bảng B SEA Games 2019 đang khiến nhiều người lo.