Bộ Công an đang chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đây là dự luật được tách một phần từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Đáng chú ý trong bản dự thảo mới nhất - lần thứ 4 được đưa ra lấy ý kiến đã có một số điều chỉnh so với các bản trước đó.
Cụ thể, cơ quan soạn thảo đề xuất quy định theo hướng bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô; xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.
Như vậy, dự thảo mới nhất của Bộ Công an về cơ bản đã quay trở lại giữ nguyên quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng
Trước đó, dự thảo hồi tháng 7 quy định khám sức khỏe định kỳ đối với "người lái xe" thay vì "người lái xe ô tô" như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Trong đó, một số chuyên gia, người dân cho rằng việc quy định chung khám sức khỏe định kỳ đối với "người lái xe" sẽ dẫn đến cách hiểu là khám sức khỏe định kỳ đối với cả người lái xe máy. Điều này là không khả thi và dẫn đến tốn kém, phiền hà cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Quyền - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - cho hay hiện nay chỉ khám sức khỏe định kỳ với người lái xe kinh doanh vận tải.
Đối với người lái xe ô tô cá nhân (xe gia đình) không kinh doanh vận tải chỉ khám sức khỏe khi học giấy phép lái xe (bằng lái) và khi đến thời hạn đổi bằng lái xe.
Tuy nhiên, theo ông Quyền, việc khám sức khỏe định kỳ này nên thực hiện với người lái xe ô tô.
Nếu quy định khám định kỳ ngắn hơn chu kỳ đổi bằng thì gây nhiều phiền hà và chi phí xã hội vì đối tượng điều chỉnh rất rộng. Hiện cả nước có khoảng 3,5 triệu ô tô cá nhân sẽ tương ứng với 5 - 6 triệu người có bằng lái xe hạng B không kinh doanh vận tải.
"Nếu quy định khám định kỳ trong thời gian ngắn hơn cần đánh giá hết sức kỹ lưỡng, có ý kiến của Bộ Y tế là cơ quan chuyên môn. Trường hợp thực hiện với thời hạn ngắn như vậy, cần quy định ngưỡng tuổi", ông Quyền nêu quan điểm.
Với nội dung xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe, ông Quyền cho biết hiệp hội đã hai lần kiến nghị Bộ Y tế sớm có cơ sở dữ liệu về sức khỏe lái xe kinh doanh vận tải thông qua việc khám sức khỏe.
Cơ sở dữ liệu này rất cần thiết để khi doanh nghiệp tiếp nhận hồ sơ tuyển lái xe có cơ sở để tra cứu tính xác thực giấy khám sức khỏe của tài xế.
Tương tự cơ sở đào tạo lái xe cũng cần dữ liệu tra cứu, khi đổi giấy phép lái xe, cơ quan quản lý cũng cần xác thực. Việc này giúp ngăn chặn tình trạng mua bán giấy khám sức khỏe trôi nổi.
Đồng thời, lưu được hồ sơ của tài xế từng sử dụng ma túy, tiền sử sức khỏe để doanh nghiệp xem xét khi tuyển dụng.
Đó là phản hồi của nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online về quy định người điều khiển xe cơ giới phải khám sức khỏe định kỳ, bao gồm cả người lái mô tô, xe máy tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.