Ngày 30-9, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết tối 29-9, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi N.M.A. (18 tháng tuổi, trú huyện Phú Bình, Thái Nguyên) nhập viện trong tình trạng bàn tay bị đứt lìa.
Theo lời kể gia đình, trong lúc chơi đùa, bé A. cho bàn tay phải vào máy cắt đá tại xưởng làm đá của gia đình và bị cắt lìa cổ tay phải. Sau khi được sơ cấp cứu, bé A. nhanh chóng được đưa lên Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Ngay sau khi tiếp nhận, các khoa chức năng chuyên môn của bệnh viện đã tiến hành hội chẩn và thực hiện phẫu thuật nối ghép bàn tay cho bệnh nhi.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng, trưởng khoa phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên - người trực tiếp thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhi, đây là trường hợp hiếm gặp, đòi hỏi kinh nghiệm trong phẫu thuật vi phẫu cao.
"Bệnh nhi mới chỉ gần 18 tháng tuổi, trong khi bàn tay đã đứt lìa với toàn bộ gân, khối xương cổ tay và bó mạch thần kinh quay, trụ và thần kinh giữa và đứt toàn bộ gân gấp vùng ống cổ tay. Vì vậy, mọi công đoạn phẫu thuật đều khó, trong đó khó nhất là phẫu thuật phục hồi mạch máu và thần kinh.
Sau hơn 5 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã cứu sống bàn tay cho bệnh nhi. Sau mổ một ngày, bệnh nhi đã tỉnh, có thể uống sữa và giao tiếp được với người thân.
Bảo quản chi thể đứt rời đúng cách
Theo các bác sĩ, trong trường hợp tai nạn khiến chi bị đứt lìa, cần bảo quản chi bị đứt rời bằng cách:
Cầm nắm nhẹ, rửa sạch bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Không được rửa bằng xà phòng hoặc hóa chất.
Bọc kín bằng gạc hoặc vải sạch (chú ý không bọc quá dày) quanh phần đứt lìa rồi cho vào túi ni lông mỏng, buộc kín miệng túi để nước không thể thấm vào.
Đặt túi vào thùng đá lạnh, thau chứa đá lạnh, hoặc đơn giản nhất là cho vào trong một túi nhựa khác có chứa đá lạnh. Mục đích của quấn băng vải quanh phần chi đứt lìa để chi không tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh.
Nếu bộ phận cơ thể chưa đứt lìa hoàn toàn mà vẫn còn dính lại trên da, không nên cắt rời, kể cả trường hợp gần như đứt hoàn toàn. Thay vào đó, bạn nên dùng gạc băng lại, đặt túi đá bên cạnh để giữ nhiệt, tránh đặt đá trực tiếp lên vết thương.
Chuyển nhanh bệnh nhân đến cơ sở y tế có đủ khả năng thực hiện kỹ thuật vi phẫu trồng chi thể đứt lìa, tránh đi lòng vòng lãng phí thời gian vàng để có thể cứu sống chi thể.
Ngã từ giàn giáo cao hơn 8m xuống đất, người đàn ông 57 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng cánh tay bị đứt rời. Một ca mổ cấp cứu kéo dài gần 7 tiếng, truyền 10 lít máu để 'cứu sống' cánh tay ông.