Theo đánh giá của GS Carl Thayer, chuyên gia từ Học viện Quốc phòng Úc, trước khi đại dịch COVID-19 bùng lên, Việt Nam đã có được uy tín quốc tế cao và được nhiều nước kính trọng vì sự đóng góp cho hoà bình và an ninh ở khu vực và toàn cầu.
Bằng chứng cho điều đó là Việt Nam được chọn với số phiếu cao kỷ lục để đại diện cho khu vực châu Á trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ). Việt Nam luôn nhất quán ủng hộ các nghị quyết của LHQ về không phổ biến vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Và đó là lý do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị Việt Nam tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội.
Sẵn sàng chia sẻ nguồn lực ít ỏi
Ngay trước khi trở thành Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam công bố chủ đề của năm là Gắn kết và Chủ động thích ứng. 5 mục tiêu chính được đề ra cho chương trình hành động của năm: tăng cường sự đoàn kết và thống nhất trong ASEAN; tăng cường hội nhập và kết nối kinh tế của khối; thúc đẩy bản sắc và nhận thức về ASEAN; tăng cường vai trò lãnh đạo của ASEAN cho hòa bình, ổn định và phát triển bền vững; và tăng cường hiệu quả thể chế của ASEAN. Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ của mình bằng việc tổ chức nhiều cuộc họp ASEAN như kế hoạch, trong đó có Hội nghị các Bộ trưởng quốc phòng ASEAN.
“Trong khi tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế để chống đại dịch, Việt Nam cũng rất thành công trong cuộc chiến chống virus corona ở trong nước. Điều này khiến Việt Nam được tôn trọng rộng rãi và giúp Việt Nam nâng cao uy tín quốc tế của mình”, GS Carl Thayer
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng lên và lan ra từ Trung Quốc, tạo nên một cuộc khủng hoảng y tế không chỉ ở khu vực mà trên toàn cầu, khiến mọi chuẩn bị của Việt Nam cho năm Chủ tịch ASEAN đều phải thay đổi.
Trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn khi đối phó với tình hình dịch bệnh trong nước vì nguồn lực hạn chế, Việt Nam đã cố gắng thể hiện sự đoàn kết, chia sẻ và tinh thần trách nhiệm của mình để hỗ trợ các nước bạn bè và đối tác chống dịch.
Ngày 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi lời cảm ơn “những người bạn ở Việt Nam” trên Twitter, sau khi chuyến bay chở 450.000 bộ quần áo bảo hộ đã hạ cánh xuống Dallas, Texas, trong bối cảnh nước Mỹ đang đối phó với số ca mắc COVID-19 tăng nhanh và có nhiều thông tin về tình trạng các nước tranh cướp nhau mua khẩu trang, đồ bảo hộ, những mặt hàng y tế khác.
Bên cạnh nỗ lực đưa công dân Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn từ khắp thế giới về nước, các lô khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang y tế, bộ đồ bảo hộ phòng dịch và sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 do Việt Nam sản xuất được tặng cho các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, những nước bị dịch COVID-19 tấn công nghiêm trọng như Lào, Myanmar, Campuchia, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Anh, Úc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Cuba, Nga…
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nói rằng trong bối cảnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, không quốc gia nào có thể một mình chiến thắng dịch bệnh, tất cả cần đoàn kết và tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để chung sức vượt qua cuộc khủng hoảng này. Trên tinh thần đó, Việt Nam mong muốn chia sẻ một phần nguồn lực trong khả năng của mình, góp phần cùng người dân và lực lượng tuyến đầu của các nước ứng phó với đại dịch.
Hai thành công quan trọng
Đối với hoạt động của ASEAN, Việt Nam buộc phải từ bỏ các cuộc họp trực tiếp và nhanh chóng chuyển sang hình thức gián tiếp.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 bị hoãn lại để nhường chỗ cho Hội nghị cấp cao đặc biệt của ASEAN về ứng phó với đại dịch COVID-19. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra sau đó bằng hình thức hội nghị truyền hình. Với tư cách Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cũng tham gia cùng các tổ chức đa quốc gia khác như LHQ, G7 để bàn về COVID-19. Lần đầu tiên Việt Nam cùng New Zealand và Hàn Quốc tham gia diễn đàn “Bộ tứ mở rộng” để thảo luận về cách ứng phó và phục hồi sau đại dịch.
GS Thayer nhấn mạnh, trong khi tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế để chống đại dịch, Việt Nam cũng rất thành công trong cuộc chiến chống virus corona ở trong nước. Điều này khiến Việt Nam được tôn trọng rộng rãi và giúp Việt Nam nâng cao uy tín quốc tế của mình. “Đợt bùng phát gần đây ở Đà Nẵng không làm giảm uy tín của Việt Nam vì đại dịch xảy ra trên toàn cầu và nhiều nước khác cũng trải qua điều tương tự, kể cả ở Trung Quốc”, GS Thayer nói.
Theo nhà nghiên cứu này, cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc trong một số vấn đề như thuế, thương mại và an ninh Hong Kong, đã lan sang biển Đông. Những diễn biến này đặt ra những thách thức lớn đối với chính sách đối ngoại độc lập của Việt Nam cũng như sự gắn kết và thống nhất của ASEAN. GS Thayer nói rằng Mỹ đang gây sức ép để buộc các nước trong khu vực tham gia vào một liên minh chống Trung Quốc, trong khi Trung Quốc gây sức ép để các thành viên ASEAN nối lại tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) với điều khoản loại trừ “các nước ngoài khu vực”, bao gồm Mỹ.
GS Thayer đánh giá, Việt Nam đã có được hai thành công quan trọng trong nỗ lực ứng phó với cuộc “giằng co” giữa Bắc Kinh và Washington. Thứ nhất, Việt Nam đạt được sự đồng thuận trong quan điểm về biển Đông tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra vào ngày 26/6. Tuyên bố Chủ tịch khẳng định: “Chúng tôi tái khẳng định UNCLOS 1982 là cơ sở cho việc xác định các quyền trên biển, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích hợp pháp trên các vùng biển, và UNCLOS 1982 đề ra khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương”.
Thứ hai, Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN cũng đã đạt được đồng thuận giữa các Bộ trưởng ngoại giao để đưa ra Tuyên bố về tầm quan trọng của duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á nhân kỷ niệm 53 năm thành lập khối hôm 8/8. GS Thayer cho rằng Tuyên bố tái khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trước áp lực của Mỹ và Trung Quốc phải chọn phe; kêu gọi sự tham gia mang tính xây dựng của các đối tác thông qua những cơ chế do ASEAN dẫn dắt.
Theo GS Thayer, trong khi Việt Nam gia tăng được vị thế quốc tế của mình và nhận được ủng hộ đối với chính sách đề cao UNCLOS 1982, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn, nếu không nói là có tính chi phối ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong hoàn cảnh đó, Việt Nam đang nỗ lực phối hợp với các thành viên ASEAN và các đối tác để bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình.
Xem thêm: nhc.26005426120900202-gnu-hciht-gnod-uhc-cul-gnan-hcaht-uht-91-divoc/nv.fefac