vĐồng tin tức tài chính 365

Hàng không Mỹ đối mặt với chuyện sa thải nhân sự hàng loạt

2020-09-03 07:48

Hàng không Mỹ đối mặt với chuyện sa thải nhân sự hàng loạt

Lê Linh

(TBKTSG Online) - Ngành hàng không Mỹ cần phải giảm chi phí nhân sự lên đến 50% để tăng cơ hội sống sót trong cuộc khủng hoảng Covid-19 và cho dù vậy, một số hãng hàng không có thể không vượt qua được khủng hoảng này. Ông Oscar Munoz, Chủ tịch hãng hàng không United Airlines (Mỹ), đưa ra lời cảnh báo trên trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền dành cho hãng tin CNN.

Lên kế hoạch sa thải hàng loạt

Ông Munoz: “Những gì chúng tôi đang đối mặt thật tàn khốc... Ngành hàng không Mỹ đã trải qua những thời kỳ đen tối và phục hồi trong nhiều lần. Nhưng mức độ tác động của cuộc khủng hoảng lần này lớn hơn bất kỳ cuộc khủng nào mà chúng tôi từng chứng kiến”.

Munoz, người rời ghế giám đốc điều hành United Airlines hồi tháng 5 năm nay, ước tính cú sụp đổ nhu cầu đi lại hàng không trong thời kỳ dịch bệnh sẽ buộc các hãng hàng không Mỹ cắt giảm chi phí nhân sự từ 30% đến 50%. Điều này có nghĩa là hàng chục ngàn nhân sự trong ngành này của Mỹ sẽ bị sa thải vĩnh viễn hoặc tạm thời.

Ngành hàng không Mỹ vẫn đang trong vòng xoáy khủng hoảng. Ảnh: Travel Daily Media

Phí đổi vé máy bay ở Mỹ, có thể lên đến 200 đô la mỗi người, giúp các hãng hàng không Mỹ kiếm hàng tỉ đô la mỗi năm. Song tình hình kinh doanh khó khăn buộc các hãng hàng không Mỹ phải tiến hành các biện pháp quyết liệt để thu hút hành khách trở lại. Hôm 30-8, United Airlines thông báo hủy bỏ phí đổi vé cho hầu hết hạng ghế cho các chuyến bay nội địa. Hôm sau đó, hãng hàng không Delta Air Lines và American Airlines, đối thủ của United Airlines cũng tung ra chính sách tương tự.

Các hãng không lớn nhất Mỹ cũng đã lên các kế hoạch sa thải nhân sự hàng loạt. Tuần trước, American Airlines cho biết sẽ sa thải hoặc cho nghỉ việc tạm thời đối với 19.000 nhân sự kể từ ngày 1-10 nếu Quốc hội Mỹ không cung cấp thêm hỗ trợ. Nếu tính cả những nhân sự tự nguyện nghỉ việc tạm thời, nhân sự của American Airlines sẽ giảm khoảng 30%. American Airlines sẽ giảm công suất bay 55% vào tháng 10 do dịch Covid-19 tiếp tục làm suy yếu nhu cầu đi lại hàng không.

Hôm 27-8, United Airlines thông báo trong tháng 10 và tháng 11 tới, hãng sẽ cho nghỉ việc tạm thời đối với 2.850 phi công, tương đương 21% nhân sự phi công của hãng này.

Tháng trước đó, United Airlines cảnh báo 36.000 nhân sự, tức gần 50% tổng nhân sự của hãng hàng không này tại Mỹ, có thể bị sa thải tạm thời vào mùa thu này, thời điểm chương trình hỗ trợ trả lương người lao động của chính phủ Mỹ kết thúc.

“Hy vọng rằng tình hình kinh doanh sẽ phục hồi và chúng tôi sẽ gọi mọi người đi làm việc trở lại”, ông Munoz nói.
Delta Air Lines cho biết 17.000 nhân sự trong tổng 91.000 nhân sự của hãng này đã chấp nhận về hưu sớm, trong khi đó, 41.000 nhân sự khác đồng ý nghỉ phép không lương trong ngắn hạn.

Trước đại dịch Covid-19, ngành hàng không Mỹ đang tăng trưởng bùng nổ, khiến các hãng gia tăng chi phí nhân sự. Trong năm 2019, 9 hãng hàng không có cổ phiếu niêm yết ở Mỹ tốn khoảng 50,9 tỉ đô la Mỹ chi phí lương và phúc lợi, tăng gần 6% so với năm trước đó. Tính đến tháng 2, trước khi đại dịch Covid-19 ập đến, các hãng hàng không chở khách ở Mỹ sử dụng gần 500.000 nhân sự.

Ông Munoz ca ngợi hàng ngàn nhân sự của United Airlines đồng ý tạm thời nghỉ việc để các đồng nghiệp của họ, những người có hoàn cảnh khó khăn hơn, tiếp tục làm việc.

Kêu gọi chính phủ hỗ trợ thêm 25 tỉ đô la

Đạo luật CARES, được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 3, cung cấp gói cứu trợ kinh tế trị giá  2.200 tỉ đô la Mỹ gồm gói giải cứu 50 tỉ đô la Mỹ được thiết kế để giúp các hãng hàng không Mỹ sống sót vượt qua thời kỳ dịch bệnh, yêu cầu họ không được sa thải nhân sự tạm thời cho đến ngày 1-10. Nhưng hàng chục ngàn nhân sự trong ngành hàng Mỹ đã nhận bồi thường để về hưu sớm hoặc bị tạm thời sa thải mà không được trả lương.

Ngành hàng không Mỹ đang đề xuất chính phủ hỗ trợ thêm 25 tỉ đô la Mỹ nữa để trả lương cho nhân sự đến tháng 3-2021. Hồi đầu tháng này, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch cứu trợ ngành hàng không thêm 25 tỉ đô la.

Cảnh vắng lặng tại khu vực làm thủ tục check-in của hãng United Airlines tại sân bay quốc tế San Francisco, bang California, Mỹ hồi đầu tháng 8 vừa qua. Ảnh: Getty

Ông Munoz cho biết nếu ngành hàng không Mỹ cắt giảm 50% chi phí nhân sự, điều này không nhất thiết dẫn đến 50% nhân sự bị sa thải vì một số nhân sự có mức lương cao hơn sẽ được giữ lại. Ông cũng lưu ý rằng các hãng hàng không cũng có thể áp dụng chương trình chia sẻ công việc, có nghĩa là nhiều nhân sự đảm nhận một công việc và chia sẻ lương. Nếu nhân sự ngành hàng không đồng ý giảm giờ làm và giảm lương, số lượng người bị sa thải sẽ ít hơn.

Nhu cầu đi lại hàng không ở Mỹ dần hồi phục từ các mức suy giảm sâu hồi tháng 4. Tuy nhiên, số lượt khách đi qua các cổng kiểm tra an ninh của Cục An ninh giao thông Mỹ (TSA) ở các sân bay Mỹ chỉ đạt 808.000 vào ngày 30-8, giảm 57% so với cùng ngày này năm ngoái. Con số đó kém xa đà phục hồi hình chữ V đang xuất hiện ở thị trường nhà ở, doanh thu bán lẻ và các khu vực khác của nền kinh tế Mỹ.

“Chúng tôi nói với các nhân viên rằng chúng ta sẽ trở thành một hãng hàng không nhỏ hơn và hy vọng sẽ hồi phục trở về vị thế trước đây. Nhưng chúng tôi nghĩ chặng đường đó còn rất xa”, Munoz nói.
Nhiều hãng hàng không ở nước ngoài đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản bao gồm hãng  Avianca (Colombia), hãng Virgin Australia (Úc), hàng không quốc gia Thái Lan, Thai Airways.

Khi được hỏi liệu tất cả các hãng hàng không Mỹ có thể vượt qua thời kỳ khó khăn hiện nay hay không, ông Munoz cho rằng câu trả lời tùy thuộc vào cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ kéo dài bao lâu. Ông nói: “Bạn đã chứng kiến một số hãng trên thực tế đã dừng hoạt động. Tôi cho rằng bạn sẽ chứng kiếm thêm nhiều hãng dừng hoạt động nữa nếu cuộc khủng hoảng này kéo dài”.

Ông Munoz cho biết hầu hết các hãng bay lớn ở Mỹ đều có đủ nguồn lực tài chính để chống chọi cuộc khủng hoảng Covid-19 thêm ít nhất một năm nữa.

Ngành hàng không Mỹ đã chứng kiến hàng loạt vụ phá sản và sáp nhập trong hai thập kỷ trước đại dịch Covid-19. Ngoài trừ hãng hàng không Southwest Airlines, mọi hãng hàng không lớn ở Mỹ đều đã từng trải qua phá sản rồi phục hồi. Sau vụ tấn công khủng bố 11-9, chín hãng hàng không lớn của Mỹ đã sáp nhập thành bốn hãng lớn, chủ yếu thông qua tái cấu trúc trong tiến trình phá sản.

Nhu cầu bay của các doanh nghiệp mất hút

Bốn hãng hàng không lớn nhất Mỹ lỗ hơn 10 tỉ đô la
Trong quí 2 vừa qua, American Airlines lỗ ròng 2,1 tỉ đô la Mỹ, trong khi con số này của United Airlines là 1,63 tỉ đô la.
Delta Air Lines là hãng hứng đòn đòn nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng Covid-19, với mức lỗ ròng 5,7 tỉ đô la trong quí vừa qua. Hãng hàng không Southwest Airlines lỗ nhẹ hơn, 915 triệu đô la.

Vào cuối tháng 7, Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) dự báo nhu cầu đi lại hàng không toàn cấu sẽ chưa phục hồi về mức trước đại dịch cho đến năm 2024.

Một trong những thách thức lớn nhất của các hãng hàng không là nhu cầu các chuyến bay công tác gần như mất hút khi các cuộc họp hành, hội nghị, đàm phán của các doanh nghiệp được chuyển lên không gian ảo. Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng đã không còn thưởng các chuyến du lịch cho những nhân viên xuất sắc.

Theo Ngân hàng Bank of America, dù lượng khách đặt vé máy bay đi du lịch ở Mỹ đã cải thiện về mức 50% so với  cách đây một năm, lượng khách doanh nghiệp đặt vé cho nhân viên và các lãnh đạo đi công tác vẫn đang suy giảm gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà phân tích ở Bank of America cho biết nhu chuyến bay công tác của doanh nghiệp vẫn yếu và lượng khách doanh nghiệp đặt vé không có sự cải thiện nào kể từ tháng 6.

Ông Munoz nhận định nhu cầu của các chuyến bay công tác, mảng kiếm lợi nhuận chính của ngành hàng không, sẽ chưa phục hồi cho đến khi vaccine Covid-19 được tiếp cận rộng rãi.

Theo CNN

Xem thêm: lmth.taol-gnah-us-nahn-iaht-as-neyuhc-iov-tam-iod-ym-gnohk-gnah/487703/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Hàng không Mỹ đối mặt với chuyện sa thải nhân sự hàng loạt”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools