TPHCM kiến nghị quản lý doanh nghiệp chặt chẽ hơn
Lê Anh
(TBKTSG Online) - Theo thông tin từ Văn phòng UBND TPHCM ngày 3-9, chính quyền TP kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành ban hành các cơ chế, chính sách để quản lý hiệu quả hơn doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập. Đặc biệt, cần quy định rõ chế tài để có cơ sở thực hiện.
Doanh nghiệp sau khi thành lập có thể sẽ bị quản lý chặt hơn bằng các quy định mới - Ảnh: Anh Quân |
TPHCM kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Trong đó quy định rõ các loại kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp, việc lập và phê duyệt kế hoạch kiểm tra, nội dung, thẩm quyền, văn bản kết luận, xử lý.
Đồng thời cần quy định rõ chế tài đối với trường hợp doanh nghiệp cố tình né tránh hoặc không hợp tác, không tiếp đoàn kiểm tra, không cung cấp hoặc cung cấp không kịp thời các hồ sơ, tài liệu liên quan công tác kiểm tra.
TPHCM cũng kiến nghị Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp số 59/2020 và Luật Đầu tư số 61/2020 trong đó quy định việc doanh nghiệp thay đổi chủ sở hữu, cổ đông, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp không phải là chuyển nhượng dự án quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Đầu tư và quy định của pháp luật có liên quan.
Trong xử lý vi phạm hành chính, TPHCM kiến nghị Chính phủ cần bổ sung việc đình chỉ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động ngành, nghề vi phạm, đình chỉ kinh doanh đối với địa chỉ vi phạm có thời hạn.
TPHCM cũng muốn Bộ Kế hoạch Đầu tư quy định rõ việc xử lý doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tại địa điểm không phù hợp quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Bảo vệ môi trường… thì thuộc trường hợp đình chỉ, bắt buộc di dời hay thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Ngoài ra, TPHCM cũng kiến nghị nâng cấp hệ thống thông tin hậu kiểm doanh nghiệp hiện có trong cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp của tất cả các cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, ban hành quy chế để các cơ quan có quyền truy nhập, khai thác thông tin, cảnh báo rủi ro.
Mời xem thêm:
Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần đặt nặng công tác hậu kiểm
Cải cách điều kiện kinh doanh bằng chuyển hướng sang hậu kiểm
Xem thêm: lmth.-noh-ehc-tahc-peihgn-hnaod-yl-nauq-ihgn-neik-mchpt/018703/nv.semitnogiaseht.www