Công an TP.HCM vừa triệt phá đường dây bán gần 4.000 xe gian thành xe mới ra thị trường. Theo đó, Công an TP.HCM bắt giữ Bùi Văn Tân (40 tuổi, ngụ H.Hóc Môn); Nguyễn Hữu Oai, Nguyễn Hữu Như, Nguyễn Trung Thông (cùng ngụ TP.HCM) để điều tra làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa dối khách hàng và chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Từ năm 2021, Tân móc nối với những người khác để thu mua các xe máy không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ ở các tiệm cầm đồ, mạng xã hội. Để hợp thức hóa, Tân thu mua các phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe mô tô, rồi đưa số xe này đến cửa hàng sửa xe Phát Đạt (tại H.Bình Chánh) thuê mài, đục lại số khung, số máy mới trùng khớp với số khung, số máy trên phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe mô tô đã mua trước đó.
Tân chỉ đạo nhân viên kỹ thuật tân trang xe trên thành xe mới, rồi cam kết bảo đảm đăng ký xe cho khách hàng. Công an xác định Tân đã bán ra gần 4.000 xe máy cho khách ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Chỉ trong năm 2023, hai cửa hàng của Tân đã tiêu thụ 1.500 chiếc, thu lợi khoảng 15 tỉ đồng.
Hay mới đây, ngày 17.12, Công an Q.4 phát hiện gần 200 xe gian, có dấu hiệu đục phá số máy, số khung và là tang vật trong nhiều vụ án khác.
Không biết là xe gian thì giao dịch vô hiệu
Nếu khách hàng mua trúng các xe gian trong đường dây này, luật sư Hoàng Tư Lượng (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, trường hợp cơ quan công an xác minh và khẳng định người mua trúng các xe gian có liên quan đến đường dây nêu trên hoặc là kết quả của việc thực hiện hành vi phạm tội, thì cơ quan điều tra sẽ tạm giữ toàn bộ xe đó để phục vụ quá trình xác minh, điều tra, giải quyết vụ án và mang đi giám định.
Theo đó, căn cứ điều 47 bộ luật Hình sự 2015 về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, có thể gần 4.000 xe gian này sẽ bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước, bị tịch thu tiêu hủy hoặc trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
Đối với trách nhiệm và quyền lợi của những người đã mua trúng những chiếc xe gian, luật sư Lượng phân tích, về dân sự, người mua những chiếc xe nêu trên mà không biết chiếc xe đó là do trộm cắp, tân trang cho mới, thuê người mài, đục lại số khung, số máy trùng khớp với phiếu kiểm tra xuất xưởng mà có, nên giao dịch giữa người mua và người bán là giao dịch vô hiệu.
Theo điều 131 về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu của bộ luật Dân sự 2015, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.
Do đó, luật sư Lượng nhấn mạnh, các khách hàng đã lỡ mua phải xe gian cần nhanh chóng liên hệ, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để cung cấp thông tin, các tài liệu, hợp đồng mua bán xe, chứng từ thanh toán tiền mua xe, thông tin của bên bán xe, chứng từ lệ phí trước bạ xe, giấy chứng nhận đăng ký xe để yêu cầu xem xét, giải quyết theo hướng yêu cầu người bán xe trả lại số tiền mà khách hàng đã chi trả để mua xe và yêu cầu bồi thường thiệt hại thực tế phát sinh.
Còn về hình sự, luật sư Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, trường hợp những người bỏ tiền mua xe vì tin tưởng những xe này hợp pháp thì họ là bị hại trong vụ án. Tuy nhiên, nếu cơ quan công an làm rõ mặt chủ quan của những người mua và người bán xe đã có hứa hẹn và thỏa thuận trước thì người mua sẽ là đồng phạm về tội trộm cắp tài sản.
Luật sư Trang đặt trường hợp nếu những người mua biết đây là xe không hợp pháp nhưng vẫn mua thì có thể bị xử lý về hành vi "chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" quy định tại điều 323 bộ luật Hình sự, đồng thời những người này cũng không được bồi thường.