Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng xảy ra tại Công ty Cổ phần Phát triển điện lực Sài Gòn, Công ty Cổ phần M&C; Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank).
Cụ thể, các bị can bị đề nghị truy tố về tội “ Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” nguyên là lãnh đạo của GPBank gồm: Tạ Bá Long (SN 1955, nguyên Chủ tịch HĐQT GPBank); Đoàn Văn An (SN 1958, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT); Phạm Quyết Thắng (SN 1973, nguyên TGĐ); Đỗ Trung Thành (SN 1970, nguyên Phó TGĐ); Nguyễn Văn Thành (SN 1977, nguyên Phó Trưởng phòng Tái thẩm định và Phê duyệt tín dụng); Nguyễn Thuỳ Dương (SN 1980, chuyên viên).
Các bị can nguyên là lãnh đạo của PGBank chi nhánh TP. HCM bị đề nghị truy tố tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” gồm: Lương Hồng Thái (SN 1981, nguyên PGĐ); Nguyễn Toàn Thắng (SN 1974, nguyên PGĐ); Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1977, nguyên Trưởng phòng Hỗ trợ tín dụng); Lê Ngọc Thắng (SN 1985, chuyên viên).
Các bị can bị đề nghị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gồm: Phùng Ngọc Khánh (SN 1963, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sài Gòn One Tower, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần M&C); Nguyễn Trọng Hiếu (SN 1977, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Điện lực Sài Gòn); Kim Văn Bộ (SN 1973, nguyên Phó GĐ Công ty Cổ phần Phát triển Điện lực Sài Gòn).
Tạ Bá Long (bìa phải) tại phiên tòa năm 2017
Theo kết luận điều tra, Công ty Sài Gòn One được thành lập để thực hiện Dự án Cao ốc Sài Gòn M&C. Nhằm sử dụng các căn hộ tại Dự án để huy động, vay vốn trái phép các tổ chức, cá nhân, Phùng Ngọc Khánh không thông qua HĐQT Công ty Sài Gòn One đã ký hợp đồng phân chia sản phẩm sàn căn hộ hình thành từ Dự án và chuyển giao quyền chuyển nhượng/ bán sản phẩm sàn căn hộ của Công ty Sài Gòn One cho Công ty M&C.
Theo đó, Công ty M&C sẽ phải thanh toán cho Công ty Sài Gòn One giá trị của tài sản theo giá vốn công trình Dự án tại thời điểm khi công trình Dự án hoàn tất và đưa vào khai thác, kinh doanh.
Khoảng tháng 8/2011, Phùng Ngọc Khánh biết Nguyễn Trọng Hiếu, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn có nhiều mối quan hệ với các tổ chức tín dụng nên đã gặp và nhờ Hiếu sử dụng các căn hộ tại Dự án Cao ốc Sài Gòn M&C để thế chấp vay vốn ngân hàng 300 tỷ đồng, và hứa chi cho Khánh 15%- 20% giá trị khoản vay.
Nguyễn Trọng Hiếu đến gặp lãnh đạo GPBank là Tạ Bá Long, Đoàn Văn An đặt vấn đề thế chấp dự án để vay 300 tỷ. Nhóm lãnh đạo GPBank đồng ý với điều kiện phải “lại quả” cho nhóm lãnh đạo GPBank 10%, tức 30 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra hồ sơ, lãnh đạo GPBank nhận thấy, Dự án cao ốc Sài Gòn M&C đã thế chấp và vay vốn tại nhiều ngân hàng khác. Vì vậy, Hiếu và Khánh đã gặp lại lãnh đạo của GPBank đề nghị phương án, Công ty M&C sẽ làm thủ tục bán 6 căn hộ của Dự án cao ốc Sài Gòn M&C cho Công ty Điện lực Sài Gòn, sau đó Công ty Điện lực Sài Gòn sẽ làm hồ sơ vay vốn GPBank để thanh toán mua các căn hộ của Công ty M&C.
ngày 16/9/2011, Phùng Ngọc Khánh với vai trò là thành viên HĐQT, cổ đông lớn nhất của Công ty Khải Minh, ký biên bản thống nhất sử dụng 40.000 cổ phần (tự định giá 80 tỷ đồng) trong tổng số 215.000 cổ phần của Khánh tại Công ty Khải Minh (tự định giá là 430 tỷ đồng) đầu tư tại Công ty M&C bổ sung làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty Điện lực Sài Gòn tại GPBank.
Ngày 23/9/2011, tại trụ sở GPBank Chi nhánh TP. HCM, Lương Hồng Thái, Phó GĐ chi nhánh và Kim Văn Bộ, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn nhận uỷ quyền đại diện ký Hợp đồng tín dụng về việc GPBank cho Công ty Điện lực Sài Gòn vay 305 tỷ đồng.
Khánh làm hồ sơ “khống” bán lại 6 tòa căn hộ tại dự án cho Công ty Phát triển Điện lực Sài Gòn. Sau đó, Công ty Phát triển Điện lực Sài Gòn lại dùng 6 tòa căn hộ tại dự án Cao ốc Sài Gòn M&C để vay thành công 305 tỷ đồng từ GPBank.
Sau khi có tiền, Khánh chỉ đạo nhân viên chuyển 101 tỷ vào tài khoản của Công ty Phát triển Điện lực Sài Gòn cho Hiếu như thỏa thuận. Còn một phần tiền Khánh rút ra chi tiêu cá nhân. Hiếu lại chỉ đạo nhân viên rút 30 tỷ tiền “hoa hồng” biếu các lãnh đạo GPBank.
Theo cơ quan điều tra, sau khi GPBank giải ngân cho Công ty Điện lực Sài Gòn vay 305 tỷ đồng, GPBank đã không kiểm tra định kỳ sau cho vay theo quy định, không kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Điện lực Sài Gòn, dẫn đến không thu hồi được khoản tiền cho vay.
Tính đến ngày 25/8/2020, GPBank xác định số tiền thiệt hại là gần 962 tỷ đồng, trong đó số nợ gốc là 305 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2017, Tạ Bá Long bị TAND Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù trong vụ án cùng 6 đồng phạm cho vay sai quy định 3.900 tỷ đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng.