Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết nền kinh tế của Việt Nam được đánh giá vẫn đạt mức tăng trưởng dương, 'sức khỏe kinh tế tốt' trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: VIỆT DŨNG
Đó là những chỉ đạo của Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 8 vừa được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin tại cuộc họp báo chiều tối 4-9.
Mở đầu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết tại phiên họp thường kỳ tháng 8 Chính phủ thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, triển khai kế hoạch năm 2021.
Với sự tham gia quyết liệt của người dân, doanh nghiệp hưởng ứng mạnh mẽ trong phòng, chống COVID-19 đạt hiệu quả, không để lây nhiễm cộng đồng và tiếp tục thực hiện mục tiêu kép.
Trong bối cảnh thế giới và nhiều quốc gia liên tục tăng trưởng âm, rơi vào suy thoái trầm trọng, song nhiều nền kinh tế vẫn đánh giá kinh tế Việt Nam tăng trưởng, sức khỏe kinh tế tốt, có thể vượt qua tác động của dịch COVID-19.
“Nhận định một số định chế tài chính thì nếu phấn đấu tốt Việt Nam có thể tăng trưởng dương từ 2-3%” - Bộ trưởng cho biết.
Mặc dù vậy, sản xuất vẫn tiếp tục khó khăn, đặc biệt là gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất; nhiều khách sạn, nhà hàng, du lịch gặp khó khăn… Nên tới đây tiếp tục đẩy mạnh kinh tế - xã hội, gắn phòng chống dịch COVID-19, nên trước hết sẽ giải quyết cho chuyên gia vào làm việc.
“Chính phủ tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt mọi lĩnh vực, có biện pháp kích thích thúc đẩy tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh thương mại dịch vụ.
Đặc biệt, củng cố trạng thái bình thường mới, sẵn sàng phòng chống dịch, cảnh giác tuyệt đối không chủ quan, coi thường dịch bệnh và có giải pháp quyết liệt, kịp thời. Tiếp tục chỉ đạo gói kích thích phát triển kinh tế - xã hội” - ông Dũng nhấn mạnh nếu phát hiện bệnh thì khoanh vùng với bán kính nhỏ nhất.
Đối với việc mở các đường bay, ông Nguyễn Ngọc Đông, thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, cho hay bộ đã báo cáo Thủ tướng mở lại các đường bay có khả năng an toàn cao theo đề nghị của các quốc gia này. Hai mốc là ngày 15-9 đề xuất bay kết nối với Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và 22-9 bắt đầu bay trở lại tới Đài Loan, Lào, Campuchia và 16 quốc gia đang xem xét kết nối. Đối tượng được bay là nhà ngoại giao, công vụ của hai quốc gia, công dân Việt Nam có nhu cầu về, người nước ngoài là chuyên gia trình độ cao đang thực hiện dự án đầu tư.
Phần hỏi đáp tập trung vào các câu hỏi liên quan đến việc nhu cầu giảm lãi suất huy động, giảm lãi cho vay; vụ việc bắt giữ chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, vụ việc giả danh cảnh sát và tình trạng mua bán quân phục, thẻ ngành giả; việc mở rộng cơ chế chuyến bay thương mại vào ngày 15-9; xem xét không thu thuế thu nhập cá nhân 10%; việc đầu tư nhà máy điện mặt trời; xử lý cán bộ vụ Tema…
Bà Nguyễn Thị Hồng, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết điều hành lãi suất là công cụ chính sách tiền tệ, ngân hàng có hướng điều hành đảm bảo mục tiêu chính sách và hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người vay.
Dịch COVID-19 xảy ra ảnh hưởng lớn tới dòng tiền và nguồn thu, nên ngân hàng triển khai nhiều giải pháp, như điều chỉnh giảm mức lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất cho vay, giảm trần lãi suất huy động hỗ trợ khó khăn…
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn để trả nợ do nguồn thu sụt giảm, nên ngân hàng ban hành thông tư 01 để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có khó khăn trả nợ có thể chuyển tiếp vốn vay… Vì vậy, các doanh nghiệp đều được tiếp cận để cơ cấu lại nợ, thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay, khoản vay mới cũng có lãi suất thấp hơn, cụ thể lãi suất tiền gửi tháng 7-2020 giảm 0,6%/năm.
Đối với tình hình nhiều dự án BOT có nguồn thu sụt giảm, ông Nguyễn Ngọc Đông, thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, cho biết nguyên nhân là giảm mức giá vé xe vận tải, lưu lượng tuyến giảm… Các nguyên nhân tác động là do dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế không theo dự báo ban đầu… Vì vậy bộ đã có văn bản trình Chính phủ báo cáo có hướng hỗ trợ.
Xem thêm: mth.7144938140900202-nah-tahn-couq-gnurt-iam-gnouht-yab-neyuhc-ial-om-neik-ud-9-51/nv.ertiout