Đây là một chuyện đau lòng. Nhiều người cho rằng giữa người dân và nhà chùa thực hiện giao dịch gửi tro cốt bằng lòng tin nên rất khó phân định trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngược lại. Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của nhà báo Nguyễn Đức Hiển về vụ việc này.
Trong vụ việc làm lộn xộn tro cốt ở chùa Kỳ Quang 2, có ba loại trách nhiệm pháp lý có thể phát sinh: Hành chính, hình sự và dân sự.
Về trách nhiệm hành chính: Như vi phạm về an ninh trật tự, hoạt động mê tín, vi phạm về môi trường, y tế, dịch bệnh... đều có thể loại trừ. Vì tới giờ chưa có biên bản nào được lập, chưa có cáo buộc nào được đưa ra với chùa Kỳ Quang 2 cũng như với cá nhân những người tu hành trong chùa liên quan đến vụ này.
Thượng toạ Thích Thiện Chiếu, Trụ trì chùa Kỳ Quang 2, đã tổ chức cuộc họp để thông tin tới thân nhân của những người có tro cốt gửi trong chùa. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Về trách nhiệm hình sự: Có thể được loại trừ vì cho đến nay chưa có căn cứ nào để chứng minh có hành vi cố ý tháo nhãn tên, hình ảnh nhằm huỷ hoại các hũ tro cốt, trong khi "Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt" (Điều 319 BLHS 2015) được áp dụng cho hành vi thực hiện do lỗi cố ý.
Về trách nhiệm dân sự: Điều 554 Bộ Luật dân sự 2015 và Điều 559 BLDS 2005 cũng như các quy định của pháp luật trước đây (vì tro cốt được gửi qua nhiều thời kỳ, được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự tại thời điểm gửi giữ) thì hợp đồng gửi giữ không nhất thiết lập thành văn bản, nó phát sinh ngay khi bên gửi đồng ý gửi và bên kia nhận giữ; bất kể có thù lao hay không thù lao.
Hợp đồng gửi giữ là hợp đồng song vụ, tức cả hai bên đều có nghĩa vụ. Tuy nhiên ở đây chưa thấy chùa Kỳ Quang 2 thắc mắc gì về nghĩa vụ của bên gửi, nên ở đây chỉ nói đến nghĩa vụ của nhà chùa.
Cái khó ở đây là cách tính thiệt hại vì các bên ko có thoả thuận, như vậy thiệt hại được tính theo tổn thất thực tế và tổn thất tinh thần, cái này có thể chứng minh.
Theo quy định của pháp luật về gửi giữ, thì:
- Bên nhận giữ tài sản phải bảo quản, trông coi tài sản; Bên giữ tài sản có nghĩa, vụ bảo quản tài sản như đã thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ.
- Bên giữ tài sản chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu việc thay đổi là cần thiểt nhằm bảo quản tốt hơn tài nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi; thông báo kịp thời bằng văn bản cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời, thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí.
- Bên giữ tài sản có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản nhận giữ, trừ trường hợp bẩt khả kháng mà bên giữ đã làm hết khả năng của mình.
Nếu có cãi nhau thì chỉ cãi hũ tro cốt có là tài sản hay không và định giá nó như thế nào. Tuy nhiên hũ tro cốt, theo quan điểm hiện hành, dù chưa được coi là tài sản nhưng được coi là "tranh chấp khác về quyền sở hữu" như một vụ án ở quận 2 vừa mới đây (người con tự ý lấy hũ tro cốt, bài vị của ông bà nội mang đi và người cha kiện đòi).
Ở đây hũ tro cốt được coi là vật gửi giữ. Vật thì theo luật, có vật cùng loại và vật đặc định (không có vật thay thế). Tro cốt của một người không thể được thay thế bằng hũ tro cốt khác nên nó là vật đặc định.
Ở đây khách thể bị xâm hại là quyền sở hữu vật đặc định.