Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng từng được kỳ vọng là chiếc phao cứu sinh cho hàng triệu lao động, người dân cũng như doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19. Tuy nhiên, đến nay gói hỗ trợ này mới chỉ có hơn 12.500 tỷ đồng đến tay người cần hỗ trợ. Trong khi đó, một gói hỗ trợ mới đang được các cơ quan chức năng đề xuất.
Lao động tự do "từ bỏ" trợ cấp
Tháng 4, Chính phủ đã có gói chính sách an sinh - xã hội 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Đây là một chủ trương hết sức kịp thời, nhân văn, trong bối cảnh hơn 30 triệu lao động chịu tác động của dịch và tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, quá trình triển khai, lại đang tồn tại nhiều bất cập, khiến nhiều người dân không mặn mà với việc nhận hộ trợ, còn nhiều doanh nghiệp rất khó tiếp cận được gói hỗ trợ này.
Gói hỗ trợ thứ 2 phải khắc phục được các hạn chế của gói thứ nhất để phát huy tối đa hiệu quả. (Ảnh minh họa: Báo Người lao động)
Từ tháng 3, thu nhập của bà Láu (Thái Bình) giảm sút vì hạn chế đi lại, rồi phế liệu không nhiều để thu mua. Bà nhận được thông báo làm thủ tục nhận hỗ trợ nhưng bà không đi vì ngại mất thời gian và số tiền cũng không nhiều.
Khi dịch xảy ra, anh Cường (Nam Định) trở về quê. Hết phong tỏa, vào tháng 5, anh lên Hà Nội tiếp tục chạy xe. Dù biết có gói hỗ trợ 1 triệu đồng nhưng nhưng anh không muốn về quê để làm hồ sơ nhận trợ cấp vì mất thời gian và đi lại tốn kém.
Quy định người lao động tự do, lao động từ nơi khác đến phải có phiếu xác nhận thu nhập, việc làm theo thời gian của các đối tượng này đang làm khó người trong diện hỗ trợ và khó cho cả chính quyền.
Khó nhận hỗ trợ vì nhiều điều kiện quá chặt chẽ
Những trường hợp trên là câu chuyện của lao động tự do, còn với lao động có hợp đồng bị tạm hoãn, nghỉ việc làm không hưởng lương, không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp sẽ sao?
Thực tế, họ vẫn mong muốn có một khoản hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nhưng nhiều người vẫn chưa đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ, dù đang rất chật vật, lao đao vì không còn thu nhập.
Khó nhận hỗ trợ vì nhiều điều kiện quá chặt chẽ. Ảnh minh họa: Dân trí
Cuối tháng 8, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề xuất gói hỗ trợ lần 2 dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Đối với xuất gói hỗ trợ mới này, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị tập trung chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, có chính sách hỗ trợ cơ sở sản xuất và người lao động vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tạo, duy trì và mở rộng việc làm.
Khi "làn sóng" COVID-19 thứ hai ập đến, nền kinh tế Việt Nam vốn đang bị tác động nghiêm trọng vì COVID-19 chưa kịp hồi phục đã tiếp tục gánh chịu những tổn thất lớn. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ đợt 1, bao gồm cả gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, được cho là "chưa đủ ngấm".
Hiệu quả trên thực tế chỉ ở mức độ vừa phải, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, chưa đạt mục tiêu và kỳ vọng Quốc hội, Chính phủ đặt ra. Bởi vậy, vấn đề ở gói hỗ trợ lần 2 này là cần đủ lớn và đủ mạnh, đúng trọng tâm, trọng điểm, cần nhanh và quyết liệt.
Xung quanh các vấn đề trên, chương trình Sự kiện và Bình luận tuần này với sự tham gia của Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực và ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội đã có những phân tích, bình luận chi tiết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!