Thung lũng Galwan là nơi xảy ra cuộc đụng độ đẫm máu giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ hồi tháng 6-2020 - Ảnh: AFP
Các nguồn tin của Reuters ngày 4-9 nhận định các nỗ lực mới nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực nghèo khó xa xôi ở phía tây nam đất nước là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh có ý định tăng cường an ninh biên giới trong bối cảnh căng thẳng biên giới leo thang với Ấn Độ trong những tháng gần đây.
Trong cuộc họp cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tuần trước, Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã ca ngợi những thành tựu và khen ngợi các quan chức của Tây Tạng. Tuy nhiên, ông Tập cũng nói rằng cần thêm những nỗ lực nữa để làm giàu và tăng cường tinh thần đoàn kết trong khu vực này.
Tân Hoa xã cũng dẫn lời ông Tập cho biết một số dự án cơ sở hạ tầng lớn và các cơ sở công cộng sẽ được hoàn thành, bao gồm tuyến đường sắt Tứ Xuyên - Tây Tạng.
Các nguồn tin cho biết các kế hoạch về hạ tầng bao gồm việc hoàn tất đoạn giữa đầy thách thức của tuyến đường sắt Tứ Xuyên - Tây Tạng, tuyến đường sắt giữa Nepal và Tây Tạng đang được lên kế hoạch, và kế hoạch mới về xây dựng cảng ở khu tự trị Tây Tạng.
Theo Hãng tin Reuters, hiện vẫn chưa rõ tiến độ cũng như ngân sách cụ thể cho các dự án này.
Hai trong các nguồn tin của Reuters cho biết đoạn đường sắt nối liền Thành Đô và Lhasa trong tuyến Tứ Xuyên - Tây Tạng sẽ bắt đầu trong những tuần sắp tới. Đoạn đường sắt trị giá 270 tỉ nhân dân tệ của tuyến đường sắt này nổi tiếng khó xây dựng bởi địa hình gồ ghề và địa chất phức tạp, bao gồm một đoạn gần biên giới với Ấn Độ.
Bắc Kinh cũng muốn đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt Tây Tạng - Nepal, nối liền Kathmandu với Shigatse - thành phố lớn thứ nhì của Tây Tạng. Tuyến đường này là một phần trong các thỏa thuận song phương giữa Nepal và Trung Quốc hồi năm 2018.
Nepal là một vùng đệm giữa Trung Quốc và Ấn Độ. New Delhi coi Nepal là một đồng minh của nước này, nhưng Trung Quốc cũng đang gây ảnh hưởng bằng cách rót viện trợ và đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Nepal.
Cuộc đụng độ tại khu vực phía tây của biên giới Trung - Ấn hồi tháng 6 đã trở thành cuộc đụng độ bạo lực và đẫm máu nhất giữa hai nước trong nhiều thập kỷ qua, kéo theo nhiều hoạt động quân sự của hai nước trong tuần qua, theo Reuters.
TTO - Tròn 100 ngày kể từ xung đột ở khu vực biên giới đầu tiên ngày 5-5, Ấn Độ và Trung Quốc dường như chưa tìm được tiếng nói chung trong việc xử lý khủng hoảng.