Thông tin 90% người Việt ăn gạo “bẩn” là sai, vì gạo xuất khẩu và gạo tiêu dùng trong nước đều được trồng chung, không có sự phân biệt.
Gạo xuất khẩu Việt Nam đạt chất lượng, an toàn thực phẩm
Trước thông tin một số tờ báo đăng tải ý kiến của một thương nhân cho rằng, 90% người Việt ăn gạo “bẩn” đang không chỉ gây hoang mang, bức xúc cho dư luận xã hội, làm ảnh hưởng không chỉ riêng ngành lúa gạo, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả ngành nông nghiệp, đặc biệt là những người nông dân trực tiếp sản xuất.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thông tin trên là cực kỳ nguy hại, được đưa ra trong bối cảnh gạo xuất khẩu của Việt Nam đang được đánh giá cao, xuất khẩu gạo đang tăng trưởng tốt, giá lúa gạo tăng cao, người nông dân phấn khởi vì lúa gạo được mùa, được giá…
Ý kiến trên không khác gì hành động phá hoại, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, khi Chính phủ và các bộ, ngành và từng người dân đang gồng mình, nỗ lực sản xuất để vượt qua các cú sốc kinh tế trong đại dịch.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định: Trong thời gian qua, Việt Nam có những tiến bộ vượt bậc trong xuất khẩu gạo cả về số lượng và chất lượng. Việt Nam chỉ có diện tích gieo trồng mỗi năm khoảng 7,3-7,4 triệu hécta nhưng mỗi năm chúng ta có được lượng thóc khoảng 43,5 triệu tấn, đủ cho tiêu dùng trong nước với trên 96 triệu dân, phục vụ dự trữ đảm bảo an ninh lương thực; dự trữ giống; chế biến phục vụ chăn nuôi…; ngoài ra còn dư để mỗi năm xuất khẩu từ 6,5 đến 7 triệu tấn.
Chất lượng và giá gạo của Việt Nam ngày càng được nâng cao, có khả năng cạnh tranh. Ngoài được đầu tư khoa học công nghệ, ngành lúa gạo của Việt Nam đã có được bộ giống rất tốt, cho năng suất, chất lượng gạo cao, ngắn ngày. Điều đáng nói là, trong sản xuất, người dân nhận thức được và thực hiện các gói kỹ thuật về canh tác, thực hiện “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu; tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả).
“Tôi khẳng định là không dễ dàng gì khi chúng ta xuất khẩu được 6,5-7 triệu tấn gạo mỗi năm. Khi nhập khẩu hàng triệu tấn gạo như vậy, các nước đều phải kiểm tra về chất lượng, kiểm tra về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt khắt khe với vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có đảm bảo những vấn đề trên họ mới nhập.
Nếu không đạt các tiêu chí trên, gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ không thể xuất khẩu được, thậm chí kể cả khi đã cập bến đến nơi, cũng sẽ bị các nước trả lại" – ông Nguyễn Như Cường khẳng định.
Không có chuyện gạo ăn trong nước được trồng riêng
Ông Nguyễn Như Cường khẳng định: Các vùng trồng lúa tại Việt Nam đều chung, không có chuyện phân chia vùng trồng lúa để xuất khẩu và vùng trồng lúa để bán ở thị trường trong nước riêng.
"Tôi có thể khẳng định: Gạo ăn trong nước cũng được trồng chung với gạo xuất khẩu, được sản xuất trong điều kiện bình thường, chế biến và bảo quản trong điều kiện bình thường" - ông Nguyễn Như Cường khẳng định.
Thực tế cho thấy, thị trường Châu Á, Châu Phi, Châu Âu, thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... chúng ta đều xuất khẩu được với nhiều phân khúc, khi nhập khẩu các nước yêu cầu rất cao không chỉ về số lượng mà còn rất khắt khe về mặt chất lượng, không chỉ về độ thơm, độ dẻo và quan trọng là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
"Chúng ta không phân vùng sản xuất lúa gạo riêng biệt, mà trồng chung cho cả tiêu dùng nội địa xuất khẩu. Nói 90% người Việt Nam ăn gạo "bẩn” là không đúng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cả ngành gạo Việt Nam.
Chúng ta không phân vùng sản xuất lúa gạo riêng biệt, mà trồng chung cho cả tiêu dùng nội địa xuất khẩu. Gạo Việt Nam còn phải chịu cạnh tranh của gạo Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia, Myanmar, phải đảm bảo các tiêu chí về giá cả, chất lượng, an toàn thực phẩm thì thế giới mới mua” – ông Cường nói.
Xem thêm: odl.476338-coun-gnort-oag-av-uahk-taux-oag-ohc-gneir-gnuv-hnaohk-neyuhc-oc-gnohk/et-hnik/nv.gnodoal