vĐồng tin tức tài chính 365

Ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela hấp hối

2020-09-05 22:13

Ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela hấp hối

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Sản lượng dầu mỏ của Venezuela, nước nắm giữ trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, đang sụt giảm nhanh chóng về mức tương đương 1/10 so với cách đây hai thập kỷ. Giới phân tích nhận định sản lượng dầu của nước này có thể rơi về sát mức zero do nhiều thập kỷ tham nhũng và quản lý yếu kém và giờ đây là sức ép của các đòn trừng phạt từ Mỹ.

Một trạm xăng dầu bị bỏ hoang ở thủ đô Caracas, Venezuela vì nguồn cung thiếu hụt. Ảnh: WSJ

Thiếu xăng và nhiên liệu nấu ăn

Từ lưu vực dầu mỏ hồ Maracaibo ở phía tây cho đến vành đai dầu mỏ Orinoco ở phía đông của Venezuela, các giếng dầu hoang phế và gỉ sét dưới ánh nắng mặt trời.

“20% trữ lượng dầu mỏ của thế giới nằm ở Venezuela nhưng chẳng ích gì nếu chúng tôi không thể kiếm tiền được từ chúng. Chúng tôi đang tiến vào kỷ nguyên hậu dầu mỏ”, Carlos Mendoza, một đại sứ của Venezuela dưới thời Tổng thống Hugo Chávez, nói.

Trong khi hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu đang chịu sức ép lớn từ các mối lo ngại về biến đổi khí hậu cho đến sự trỗi dậy của điện gió và điện mặt trời, những gì xảy ra đối với ngành dầu mỏ của Venezuela vượt xa các sức ép đó. Đó là cuộc khủng hoảng mang tính sống còn đối với một nước từ lâu phụ thuộc gần như tất cả nguồn thu ngoại tệ vào xuất khẩu dầu.

Nhà kinh tế Luis Vicente León ở Caracas, Venezuela, nhận định trong năm nay, thu nhập từ dầu mỏ của Venezuela có thể giảm về dưới các mức thu nhập từ các nguồn khác như khai thác vàng, kiều hối của người dân Venezuela ở nước ngoài.

Công ty tư vấn kinh doanh Ecoanalitica ở Caracas dự báo nền kinh tế Venezuela có thể suy giảm hơn 30% trong năm nay do cơn suy sụp của ngành dầu mỏ cộng với tác động của đại dịch Covid-19.

Đối với người dân Venezuela, cơn đau kinh tế phía trước có thể còn nghiêm trọng hơn. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, 5 triệu người dân Venezuela đã rời bỏ đất nước trong 5 năm qua. Hiện tại, khoảng 96% người dân ở đất nước Nam Mỹ này đang sống dưới mức nghèo khổ, theo một nghiên cứu của ba trường đại học.

Ở đảo Margarita, đông bắc Venezuela, không còn nơi nào bán xăng, khiến chiếc xe của bà Juana Herrera, 55 tuổi, trở nên vô dụng. Các nhà máy lọc dầu ở Venezuela xuống cấp đến nỗi chúng hầu như không còn sản xuất khí propane. Điều này nghĩa là gia đình Juana Herrera không còn có thể sử dụng các bếp gas.

Julio Cubas, Giám đốc tổ chức Quan sát Dịch vụ công ở Venezuela, cho hay 80% hộ gia đình của nước này thiếu nhiên liệu nấu ăn.

Bà Herrera nói: “Cứ như thể cộng đồng trên đảo này đang chết dần chết mòn”.

Những câu chuyện tương tự cũng xảy ra trên khắp đất nước Venezuela khi các nhà máy dầu gần như tê liệt một phần là do thiếu nguồn cung thiết bị và hóa chất nhập khẩu.

Giàn khoan cuối cùng dừng hoạt động

Hôm 2-9, nghị sĩ Diosdado Cabello, một đồng minh của Tổng thống Venezuela, Nicolás Maduro, và là nhân vật chính trị được xem là có quyền lực lớn thứ hai ở Venezuela, nói trên truyền hình: “Venezuela không nhận được nguồn thu nhập chính thức nào từ ngành dầu mỏ kể từ tháng 10 năm ngoái”.

Ông khen ngợi sự kiên cường của chính phủ trong thời gian qua.

Tập đoàn năng lượng Chevron Corp. là nhà sản xuất dầu khí cuối cùng của Mỹ vẫn còn hoạt động hoạt ở Venezuela sau khi tất cả các công ty dầu khí nước ngoài khác đã rời bỏ nước này do ông Hugo Chávez, vị tổng thống tiền nhiệm của Venezuela, yêu cầu họ ký lại hợp đồng để nhường quyền kiểm soát ở các liên doanh dầu mỏ cho Tập đoàn dầu khí nhà nước Venezuela (PDVSA) cách đây 12 năm.

Nhưng sau 94 năm hợp tác khai thác dầu khí ở Venezuela trong 94 năm, Chevron giờ đây buộc phải rút khỏi nước này. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, đang gia tăng sức ép với Tổng thống Nicolás Maduro, quyết định không miễn trừ Chervon khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ, ngăn cấm các công ty Mỹ làm ăn với chính phủ Venezuela.

Đòn trừng phạt của Mỹ cũng áp dụng với bốn công ty dịch vụ dầu khí quốc tế khác gồm Schlumberger, Halliburton, Baker Hughes và Weatherford International. Các công ty này đang đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Venezuela khai thác dầu thô.

Một giàn khoan dầu sụp đổ ở hồ Maracaibo, phía tây Venezuela. Ảnh: WSJ

Vào đầu năm nay, vẫn còn 25 giàn khoan thăm dò các trữ lượng dầu mới ở Venezuela, theo Baker Hughes. Đến tháng 8, Nabors Industries, nhà thầu của Chevron, rút giàn khoan cuối cùng khỏi nước này.

Cách đây 18 tháng, Venezuela sản xuất gần 500.000 thùng dầu mỗi ngày. Giờ đây, con số này chỉ còn 300.000 thùng và có thể giảm về chỉ còn 200.000 thùng/ngày vào cuối năm nay, theo dự báo của một số nhà phân tích.
Điều này có nghĩa là doanh thu dầu mỏ hàng năm của Venezuela chỉ còn vỏn vẹn 4 tỉ đô la Mỹ, tương đương khoản tiền mà nước này kiếm được trong mỗi hai tuần vào năm 2012 nhờ cơn tăng giá bùng nổ trên thị trường dầu.

Câu chuyện dầu mỏ của Venezuela bắt đầu vào năm 1922 khi giếng dầu đầu tiên của nước này đi vào hoạt động. Chẳng bao lâu sau đó, Venezuela trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai thế giới. Đến năm 1960, Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela, Pablo Pérez Alfonzo, là người chủ trì thành lập Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Nguồn thu từ dầu mỏ giúp Venezuela trở thành nước giàu nhất khu vực Mỹ Latin nếu xét trên thu nhập đầu người vào cuối thập niên 1970.

Tuy vậy, Venezuela vẫn có những khu vực nghèo khó. Sự phụ thuộc vào dầu mỏ cũng khiến Venezuela dễ bị tổn thương trước những cú giảm sốc của giá dầu.

Tham nhũng và sai lầm chính sách

Sau khi lên cầm quyền vào năm 1999, ông Hugo Chavez đã nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội bằng những chính sách dân túy. Ông cũng chấm tính độc lập của PDVSA, vốn đang hoạt động hiệu quả vào lúc đó. Ông sa thải ban lãnh đạo cấp cao của PDVSA sau khi ngành dầu khí tổ chức đình công nhằm lật đổ ông.

Ông sử dụng nguồn thu của PDVSA để xây dựng nhà ở và phân phát thực phẩm cho người nghèo, thay vì củng cố ngành công nghiệp dầu khí.

Năm 2006, ông xé bỏ các hợp đồng với các công ty quốc tế, buộc họ phải nhường quyền kiểm soát tài chính và hoạt động ở các dự án dầu khí cho PDVSA. Hành động khiến các ‘ông lớn’ dầu khí nước ngoài lần lượt rời bỏ Venezuela, dẫn đến đầu tư suy giảm, kéo sản lượng dầu khí giảm theo.

Vào năm 2013, khi ông Hugo Chavez qua đời vì bệnh ung thư, sản lượng dầu khí của Venezuela chỉ còn phân nửa so với lúc ông lên nắm quyền.

Ngoài ra, hàng tỉ đô la doanh thu dầu mỏ khác bị chuyển vào các quỹ chi tiêu do ông Chavez kiểm soát. Việc chi tiêu tùy tiện ở các quỹ này đã tạo điều kiện cho nhiều quan chức tham nhũng và mua sắm các lâu đài ở Tây Ban Nha hoặc các căn hộ sang trọng ở TP. Miami (Mỹ).

Một báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit, công bố hôm 13-8, cảnh báo sản lượng dầu của Venezuela có thể sớm về zero hoặc tiệm cận con số này. Báo cáo nhận định sản lượng dầu của nước này đang giảm nhanh do nhiều thập kỷ thiếu đầu tư, cú sụp đổ của giá dầu trong đại dịch Covid-19 và các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Jim Burkhard, Phó chủ tịch kiêm giám đốc phụ trách bộ phận phân tíchcác thị trường dầu ở IHS Markit, nói: “Chưa bao giờ có một nước sản xuất dầu khí lớn nào chứng kiến sản lượng suy giảm về mức thấp trong thời gian dài như vậy. Trong trường hợp của Venezuela, sẽ bất ngờ nếu cơn suy sụp của ngành dầu mỏ không diễn ra nhanh hơn”.

Diego Salazar, một quan chức trong ngành dầu khí Venezuela, em họ của Rafael Ramirez, Chủ tịch PDVSA trong giai đoạn 2004-2014, đã bị tống giam vào năm 2017 vì tham nhũng. Salazar bị các công tố viên cao Venezuela cáo buộc nhận hàng triệu đô la tiền hối lộ của các công ty dầu khí nước ngoài để cấp giấy phép hoạt động cho họ tại Venezuela.

Các lãnh đạo cấp thấp khác trong ngành dầu mỏ Venezuela cũng tranh thủ kiếm chác. Theo nội dung của một cáo trạng, ban lãnh đạo của một liên doanh dầu khí ở Venezuela, đã đút túi hàng trăm triệu đô la bằng cách thường xuyên nâng khống giá mua thiết bị ở các mỏ dầu lên hơn 100 lần.

Sức ép từ các đòn trừng phạt của Mỹ

Các đòn trừng phạt của Washington trong hai năm qua, càng khiến ngành dầu mỏ Venezuela suy sụp nhanh hơn. Hàng triệu thùng dầu thô của Venezuela, được sản xuất trong những tháng qua, đang bị kẹt ở các kho lưu trữ đã sử dụng hết công suất hoặc ở tàu chở dầu trên biển vì ít khách hàng sẵn sàng mua dầu của Venezuela do sợ bị Mỹ trừng phạt.

Các nhà máy lọc dầu ở Venezuela từng sản xuất 600.000 thùng xăng mỗi ngày, dư sức đáp ứng nhu cầu trong nước và vẫn còn dư một nửa để xuất khẩu. Hiện nay, chúng chỉ sản xuất chỉ 30.000-40.000 thùng xăng/ngày. Các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến các nhà máy lọc dầu của Venezuela không thể nhập được các linh kiện và hóa chất cần thiết.

Tổng thống Maduro chỉ trích Mỹ gây bất ổn cho PDVSA. Ông nói trong một bài phát biểu trên truyền hình gần đây: “Ông Donald Trump đã phát động cuộc chiến nhằm vào PDVSA”.

Với nguồn thu dầu mỏ dần teo tóp, ông Maduro đã làm điều mà những người tiền nhiệm không dám. Hồi tháng 6, chính phủ Venezuela bắt đầu bán xăng theo giá thị trường. Theo hệ thống tính giá mới, người dân chỉ được mua tối đa 31,7 gallon (120 lít) xăng mỗi với giá được trợ cấp chỉ 0,1 đô la/gallon. Nếu mua với số lượng không hạn chế, giá xăng sẽ được tính 1,9 đô la cho mỗi gallon (3,78 lít).

Trước đây, người dân Venezuela gần như được cung cấp xăng miễn phí. Mỗi khi đổ xăng, họ chỉ cần ‘tip’ cho các nhân viên cây xăng một ít đồ ăn nhanh hoặc vài trăm bolivare (chưa đến 0,1 đô la).

Hồi đầu năm nay, chính phủ Venezuela ghi nhận một số sai lầm trong quản lý ngành dầu mỏ và công bố kế hoạch cải tổ, cam kết đưa ra các điều khoản chia sẽ lợi nhuận và quyền kiểm soát tốt hơn cho các công ty nước ngoài. Nhưng giữa lúc các lệnh trừng phạt của Mỹ đang ngăn cấm các công ty dầu khí nước ngoài làm ăn ở Venezuela, những thay đổi chính sách này có rất ít tác dụng.

Theo Wall Street Journal


 

Xem thêm: lmth.ioh-pah-aleuzenev-om-uad-peihgn-gnoc-hnagn/878703/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela hấp hối”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools