Khi Mỹ in tiền, thế giới phải lo
Triêu Dương
(TBKTSG) - Cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa qua đã thu hút sự chú ý của giới tài chính toàn cầu, khi ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới này đã quyết định thay đổi chiến lược chính sách, mở đường cho kỷ nguyên lãi suất thấp kéo dài với tiền rẻ tiếp tục tràn ngập. Điều này liệu có gây ra những mối đe dọa thổi bùng ngọn lửa “lạm phát” trong tương lai?
Ảnh: Getty Images |
Thay đổi mục tiêu lạm phát
Sự thay đổi quan trọng nhất là về lạm phát mục tiêu, theo đó các quan chức đồng quan điểm cho rằng nếu lạm phát ở dưới ngưỡng 2% trong những đợt kinh tế suy yếu, họ sẽ để lạm phát tăng hơn 2% khi nền kinh tế khỏe mạnh, miễn sao khi tính bình quân, lạm phát của cả giai đoạn sẽ là 2%.
Từ năm 2012 đến nay, cơ quan này đã điều hành chính sách tiền tệ dựa trên lạm phát mục tiêu 2%, theo đó chỉ cần lạm phát tại một thời điểm dự báo vượt mục tiêu 2%, họ sẽ xem xét nâng lãi suất trước để kiềm chế, tránh cho nền kinh tế rơi vào bất ổn.
Giờ đây Fed cho biết không nâng lãi suất chỉ vì dự báo lạm phát sẽ tăng, thay vào đó, họ sẽ chờ cho đến khi có bằng chứng cho thấy lạm phát của một giai đoạn đã ở mục tiêu 2%, tức chấp nhận lạm phát có thể vượt mốc 2% tại một thời điểm nào đó.
Điều này đồng nghĩa với việc Fed có thể sẽ tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0% trong một thời gian dài nữa, trong bối cảnh lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang ở mức thấp nhất trong năm năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến cầu tiêu dùng của nước này suy yếu nặng nề. Với chu kỳ lạm phát và kỳ vọng lạm phát ngày càng giảm, Fed cũng lo ngại đang bị mắc kẹt vào mức lãi suất thấp, do đó dư địa cho các công cụ chính sách tiền tệ để kéo nền kinh tế thoát khỏi suy thoái cũng trở nên hạn hẹp.
Không chỉ vì lượng tiền dư thừa trong nền kinh tế, mà còn do lượng vốn đầu tư nước ngoài sẽ góp phần đẩy giá các tài sản lên cao. Khi đó, những áp lực lạm phát sẽ hình thành và ngày càng trở nên nguy hiểm. |
Tuy nhiên, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi tại sao với tốc độ in tiền “vô tội vạ” của Mỹ trong suốt nhiều năm qua mà lạm phát của nước này vẫn duy trì được ở mức thấp như thế? Thống kê cho thấy, trong 20 năm qua, lượng cung tiền M2 của Mỹ đã tăng gần 4 lần, đặc biệt kể từ sau cuộc khủng hoảng cách đây 10 năm, lượng cung tiền M2 đã tăng xấp xỉ hơn gấp đôi, hiện hơn 18.300 tỉ đô la. Trong khi đó, lạm phát của nước này trong hơn 10 năm qua vẫn duy trì ổn định dưới 4% và thường xuyên nằm dưới mục tiêu 2% kể từ năm 2012 đến nay.
Với kế hoạch bơm tiền khủng cho giai đoạn tới, cộng thêm môi trường lãi suất thấp sẽ tiếp tục kéo dài sau thay đổi chiến lược chính sách mới đây, liệu lạm phát của nước này có sớm tăng trở lại? Đáng lưu ý là bảng cân đối kế toán của Fed sau giai đoạn giảm dần từ năm 2018 đến nay, do ngân hàng trung ương này rút dần các gói kích thích đã triển khai trong cuộc khủng hoảng lần trước, thì từ quí 1 đầu năm nay đã tăng vọt đột ngột trở lại, lên gấp gần 2 lần, sau động thái bung tiền ra hỗ trợ cho thị trường trái phiếu trong những tháng gần đây.
Mỹ không lo, thế giới mới phải lo
Có nhiều nguyên nhân lý giải cho việc lạm phát của Mỹ vẫn duy trì ổn định ở mức thấp trong suốt thời gian dài, bất chấp lượng cung tiền của nước này gia tăng kỷ lục.
Đầu tiên, những tiến bộ của khoa học công nghệ đã giúp năng suất lao động gia tăng, nhiều tập đoàn Mỹ trong quá khứ đã tận dụng xu hướng toàn cầu hóa và các hiệp định thương mại tự do, để chuyển dịch các cơ sở sản xuất đến các quốc gia đang phát triển có chi phí lao động thấp. Điều này đã giúp cho giá các sản phẩm, hàng hóa sản xuất ngay trong lòng nước Mỹ lẫn các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ duy trì mức ổn định, thậm chí còn có xu hướng giảm xuống ở nhiều mặt hàng mà nguồn cung ngày càng lấn át sức cầu.
Trong hai năm trở lại đây, Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu sử dụng các hàng rào thuế quan và kích hoạt các cuộc chiến thương mại nhắm vào các đối tác lớn, tuy nhiên, ngoại trừ cuộc chiến với Trung Quốc, hầu hết các đối tác khác đã chịu nhượng bộ và tái ký các hiệp định thương mại với Mỹ để tránh bị đánh thuế khi xuất hàng vào Mỹ. Đối với Trung Quốc, trước nguy cơ chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ kéo dài, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã lục đục rút vốn và chuyển dịch dần các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, tìm đến các quốc gia khác vẫn đang được hưởng ưu đãi về thuế quan. Do đó trong tương lai người Mỹ có thể tiếp tục đón nhận các sản phẩm, hàng hóa với mức giá tối ưu.
Nguyên nhân thứ hai là một lượng lớn tiền được bơm ra thêm đã chảy vào các tài sản như chứng khoán, hàng hóa, các sản phẩm phái sinh, khiến các quả bong bóng tài sản này ngày càng căng phồng. Chỉ số Dow Jones của Mỹ đã tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua, trong khi quy mô của thị trường phái sinh đã lên mức kỷ lục. Thử tưởng tượng nếu bổ sung thêm chứng khoán hay các tài sản tài chính vào danh mục rổ hàng hóa để tính chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ, lạm phát nước này ắt hẳn đã tăng vọt lên cao hơn rất nhiều trong thời gian qua.
Yếu tố thứ ba, và có lẽ là quan trọng nhất, đó là với vị thế đồng tiền thanh toán và dự trữ toàn cầu, lượng tiền rẻ mà Mỹ bơm ra đã chảy đi khắp mọi ngóc ngách trên toàn cầu, thông qua hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Chính phủ, doanh nghiệp và cả người dân Mỹ, cùng với xu hướng thâm hụt thương mại của Mỹ ngày càng mở rộng.
Hệ quả là trong khi điều này làm giảm bớt áp lực cho nền kinh tế Mỹ, thì lại đe dọa lạm phát tại nhiều nền kinh tế khác. Cụ thể, khi các quốc gia đạt thặng dư thương mại lớn với Mỹ, cộng thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài rót vào mạnh, ngân hàng trung ương của những nước này có xu hướng in thêm tiền để mua lượng ngoại tệ thặng dư vào, nhằm vừa gia tăng dự trữ ngoại hối vừa kiềm chế tỷ giá để giữ vững lợi thế cạnh tranh xuất khẩu, theo đó lượng cung đồng nội tệ của quốc gia đó đã tăng lên.
Ngoài ra, khi Mỹ bơm tiền sẽ gây áp lực giảm giá lên đô la Mỹ, khiến không ít quốc gia cũng phải tìm cách phá giá tiền tệ, nới lỏng chính sách để không bị thua thiệt, mà hệ quả là cũng sẽ gây áp lực lên lạm phát. Riêng với dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào trong nước, phần lớn cũng sẽ nằm tại các ngân hàng dưới khoản mục tiền gửi ngân hàng. Các ngân hàng với khoản tiền gửi khổng lồ trên sẽ có điều kiện để cho vay và tái cho vay, từ đó thúc đẩy tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ khiến nền kinh tế có thể tăng trưởng nóng quá mức kiểm soát.
Lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế ngày càng nhiều hơn sẽ khiến giá cả các loại hàng hóa leo thang, trong khi các thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán cũng liên tục tăng giá mạnh mẽ, không chỉ vì lượng tiền dư thừa trong nền kinh tế, mà còn do lượng vốn đầu tư nước ngoài sẽ góp phần đẩy giá các tài sản lên cao. Khi đó, những áp lực lạm phát sẽ hình thành và ngày càng trở nên nguy hiểm nếu không sớm được kiểm soát, khi đó nạn nhân gánh chịu trực tiếp chính là công dân của những nước sở tại, trong khi lạm phát tại Mỹ vẫn “êm đềm” dễ chịu một cách đáng ngạc nhiên.
Xem thêm: lmth.ol-iahp-ioig-eht-neit-ni-ym-ihk/737703/nv.semitnogiaseht.www