Nỗ lực đấu tranh phòng chống tội phạm về ĐVHD
Theo Cục Kiểm lâm, những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ ÐVHD nguy cấp, quý hiếm đạt nhiều kết quả tích cực, số vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực này đã giảm qua các năm. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi, nhiều vụ lợi dụng môi trường mạng để hoạt động với tính chất nghiêm trọng.
Thống kê cho thấy, trong hai năm 2018 - 2019, lực lượng kiểm lâm toàn quốc đã xử lý hơn 560 vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật rừng; trong đó lập hồ sơ xử lý hình sự hơn 40 vụ, tịch thu 945 cá thể và 15.760kg động vật rừng, xử phạt vi phạm hành chính hơn 4,2 tỷ đồng. Số liệu của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cho thấy, giai đoạn 2015 - 2019 cơ quan chức năng đã tịch thu hơn 36 tấn ngà voi, gần 700kg sừng tê giác và hơn 37 tấn tê tê.
Những vụ án điển hình được triệt phá từ năm 2019 đến nay cho thấy sự nỗ lực, quyết liệt của lực lượng chức năng trong công tác phòng chống tội phạm về ĐVHD. Tháng 11-2019, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tuyên phạt Phạm Bá Kim (SN 1984, trú TP.Móng Cái) 13 năm tù về hành vi nuôi nhốt, tàng trữ trái phép 145 cá thể tê tê, 10 đồng bọn của Kim cũng đối diện với mức án 5 - 8 năm tù.
Cụ thể, nhóm Kim đã nuôi nhốt, tàng trữ trái phép 145 cá thể tê tê; trong số này có 124 cá thể sống; ngoài ra, cơ quan chức năng còn tịch thu 7kg vảy tê tê và 71,4kg da voi. Đây được coi là các mức án cao nhất dành cho tội phạm liên quan đến ĐVHD từ trước đến nay, cho thấy sự nghiêm khắc của pháp luật Việt Nam đối với loại tội phạm này.
Cũng trong tháng 11-2019, TAND TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã tuyên phạt Nguyễn Cao Tùng (ngụ TP.Móng Cái) về hành vi nuôi nhốt trái phép 3 cá thể vượn, 9 cá thể rái cá, 3 cá thể cò. Ngày 13-5-2020, TAND tỉnh Cà Mau tuyên phạt Trần Quý - Giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng - 13 năm tù và phạt bổ sung 100 triệu đồng cho vai trò người tổ chức hoạt động vận chuyển trái phép ĐVHD nguy cấp, quý hiếm; 3 bị cáo khác: Nguyễn Hải Nam lãnh 12 năm tù giam, phạt bổ sung 50 triệu đồng, Lê Việt Lĩnh 10 năm tù giam, Ngô Vũ Lâm 2 năm tù giam về hành vi "giả mạo trong công tác".
Trước đó, tháng 1-2018, Đồn Biên phòng Đất Mũi phát hiện 114 cá thể tê tê và hơn 300kg vảy tê tê vận chuyển trái phép bằng tàu trên vùng biển Cà Mau. Qua xác minh, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các ban ngành liên quan thanh kiểm tra hoạt động nuôi nhốt ĐVHD của Công ty TNHH Hải Đăng. Kết quả, nhóm này chỉ đội lốt công ty thực hiện dự án đầu tư du lịch kết hợp nuôi ĐVHD trên cụm đảo Hòn Khoai (Cà Mau), nhưng thực tế là nuôi ĐVHD để xuất bán. Ngoài ra, tên Quý còn là mắt xích quan trọng, chuyên hỗ trợ các đối tượng buôn bán, vận chuyển ĐVHD trái phép từ nước ngoài về.
Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), liên quan đến hoạt động quảng cáo, mua bán ĐVHD trên internet cũng bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nghiêm. Tháng 5-2020, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an TP. Đà Nẵng phát hiện, tịch thu 12 cá thể chim săn mồi tại nhà 1 đối tượng sau khi tên này rao bán các cá thể chim trên Facebook, xử phạt 11,250 triệu đồng cho hành vi nuôi nhốt, quảng cáo trái phép ĐVHD.
Bước tiến trong hoạt động bảo vệ ĐVHD
Năm 1994, Việt Nam gia nhập CITES - công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (nhằm ngăn chặn việc khai thác quá mức các loài này), tuy nhiên tình trạng buôn lậu, săn bắt trái phép động vật nguy cấp, ĐVHD trong nước vẫn diễn biến phức tạp. Trước vấn nạn này, Việt Nam đã đưa ra quy định bảo vệ ĐVHD chặt chẽ hơn.
Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 đã nâng mức phạt tiền, phạt tù đối với người vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm: nâng mức cao nhất của hình phạt tiền lên 2 tỷ đồng (mức phạt cũ 500 triệu), nâng mức cao nhất của hình phạt tù lên 15 năm (mức cũ 7 năm).
Theo BLHS 2015, tất cả hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép ĐVHD nguy cấp, quý hiếm và vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của chúng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở các mức khác nhau trên cơ sở số lượng hoặc giá trị của ĐVHD. Bộ luật Hình sự 2015 còn bảo vệ các loài không thuộc danh mục trên nhưng tang vật vi phạm có giá trị lớn. Những thay đổi quan trọng về chính sách hình sự liên quan đến xử lý tội phạm về ĐVHD trong BLHS năm 2015 có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong nỗ lực bảo vệ ĐVHD.
Theo báo cáo của ENV, năm 2015 có 45,8% vụ án hình sự về ĐVHD được đưa ra xét xử với án phạt tù giam và con số này đã tăng lên 67,9% vào tháng 6-2020. Mức án phạt tù giam trung bình đối với hành vi phạm tội liên quan đến ĐVHD trong năm 2015 là 0,98 năm, nhưng đến nay đã lên tới 4,49 năm (tăng 358%), trong đó có nhiều đối tượng đối diện với bản án nghiêm khắc 10 - 13 năm tù, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề bảo vệ ĐVHD của Chính phủ và các cơ quan chức năng.
Ngày 23-7-2020, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 29/CT-TTg về một số biện pháp cấp bách quản lý ĐVHD, nêu rõ: tình trạng săn bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp ĐVHD còn diễn biến phức tạp ở một số địa bàn, địa phương, dẫn tới gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài ĐVHD trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái, sức khỏe con người và uy tín của đất nước trên trường quốc tế; cùng với đó còn phát sinh rủi ro truyền nhiễm dịch bệnh sang người, gia súc, gia cầm.
Do đó, để bảo đảm thực thi nghiêm pháp luật về quản lý ĐVHD, Thủ tướng chỉ thị các bộ, ngành, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai giải pháp bảo vệ ĐVHD tự nhiên; tăng cường công tác kiểm soát các hành vi khai thác, săn bắt, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, tiêu thụ và sử dụng ĐVHD; tổ chức triệt phá dứt điểm các đường dây buôn bán ĐVHD trái pháp luật...
Bảo vệ sự đa dạng sinh học, bảo vệ ĐVHD không phải là nhiệm vụ của riêng ai. Trong 20 năm qua, nước ta đã đối diện với sự tuyệt chủng của ít nhất 10 loài vật trong thiên nhiên hoang dã. Số lượng này sẽ còn tăng lên, thiên nhiên Việt Nam tiếp tục "chảy máu" nếu sự thờ ơ vẫn còn. Chỉ đơn giản, nói "không" với tiêu thụ ĐVHD chính là lối hành xử tử tế, văn minh với thiên nhiên.
Quản lý chặt chẽ chợ nông sản Thạnh Hóa
Trước đây khu chợ nông sản ở tỉnh Long An này (còn được gọi chợ chim Thạnh Hóa) nổi tiếng với hoạt động buôn bán đủ loại: chuột đồng, rắn, vịt, đại bàng, chim thịt, chim cảnh... Trước phản ánh của báo, đài về tình trạng buôn bán các loài ĐVHD trái phép, gây phản cảm của khu chợ trên Quốc lộ 62, lực lượng chức năng tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về ĐVHD.
Lực lượng kiểm lâm tổ chức tuần tra tại khu chợ này mỗi ngày 2 lần, bất kỳ loài động vật nào không được phép buôn bán hay không có giấy tờ nguồn gốc rõ ràng đều sẽ bị xử lý. Mỗi hộ kinh doanh đều có sổ quản lý nguồn gốc, số lượng xuất - nhập. Tuy nhiên, một số loài thú chưa có giấy chứng minh nguồn gốc (chim cu, gà nước, chim trĩ...) được thu mua từ hoạt động săn bắt động vật ngoài tự nhiên. Một chủ sạp tiết lộ: "Nhiều động vật hiếm, đắt đỏ, từ 600 ngàn/kg vẫn được các ông lớn đặt giao về tận nhà”.
Qua đó cho thấy người Việt cần từ bỏ thói quen ăn thịt rừng và các loại thịt không rõ nguồn gốc. Suy nghĩ ăn đồ quý hiếm, thịt rừng sẽ bổ dưỡng hơn thịt được gây nuôi, kiểm duyệt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng quả là lối suy nghĩ thiếu khoa học, thậm chí rước họa vào thân với đủ loại mầm bệnh từ ĐVHD.
Ngoài ra, cần vận động người dân buôn bán động vật ven Quốc lộ 62 (huyện Thạnh Hóa) vào chợ nông sản Thạnh Hóa, tránh tình trạng phản cảm đang diễn ra, khó kiểm soát đối với hoạt động buôn bán ĐVHD. Buôn bán động vật được phép gây nuôi, có nguồn gốc theo quy định chính là quyền lợi của các tiểu thương, đừng tự nhận lấy "trái đắng" khi cố tình buôn bán thêm động vật quý hiếm, nguy cấp, không rõ nguồn gốc.
Xem thêm: lmth.81199_gnuc-iouc-gnos-us-gnuhn-yal-uuc-iouc-yk/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc