Chị Lâm Thanh Tâm (TP.HCM) vừa đăng tải băn khoăn của mình vào một nhóm chuyên về dinh dưỡng trên mạng xã hội Facebook rằng: Tôi vốn không thích rau xanh, tôi có thể ăn trái cây để thay thế chất xơ, vitamin có trong rau không?
Thắc mắc của chị Tâm nhanh chóng nhận được nhiều bình luận từ người dùng mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, trái cây cũng có thể giúp cân bằng dinh dưỡng, trong khi đó một số ý kiến lại phản đối bởi dinh dưỡng trong trái cây và rau xanh là khác nhau.
Trước vấn đề này, Viện dinh dưỡng quốc gia nhìn nhận: hiện nay trong bữa ăn gia đình, trái cây đã trở thành một thực phẩm không thể thiếu. Một số người tiêu dùng cho suy nghĩ hàng ngày có thể bớt lượng rau ăn vào một chút hoặc không ăn rau nhưng nhất định phải ăn trái cây, và coi đó như thức ăn thay thế rau xanh.
Tuy nhiên, với khoa học dinh dưỡng dùng trái cây để thay thế hoàn toàn rau thì lại không phù hợp.
Lý giải cụ thể, theo Viện dinh dưỡng quốc gia, rau là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ giúp đào thải chất độc, cholesterol ra khỏi cơ thể và chống táo bón. Một số rau gia vị còn có tác dụng chữa bệnh nhờ có các tinh dầu và kháng sinh thực vật như hành ta, hành tây, tỏi, củ cải, cà rốt, cà chua, bí ngô, ớt…. Hàm lượng các sinh tố và chất xơ trong rau lại cao hơn so với trái cây.
Ngoài ra các chất xơ trong rau có cấu trúc mịn màng, hàm lượng cao hơn trong trái cây giúp cho cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng có ở trong 3 nhóm thức ăn cơ bản (nhóm đạm, đường, béo).
Nếu chỉ ăn đơn thuần các protein động vật, thì hiệu suất hấp thụ protein trên đường tiêu hóa chỉ là 70%, còn nếu ăn thêm rau thì hiệu suất hấp thụ protein sẽ đạt 90%.
Như vậy có thể thấy, rau có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sức khoẻ và tuổi thọ vì hàm lượng chất xơ nhiều hơn trong hoa quả.
Chính vì vậy không thể dùng trái cây để thay thế rau xanh trong mỗi bữa ăn hàng ngày của gia đình. Nên sử dụng đủ rau và quả chín quanh năm với lượng trung bình là 400g/người/ngày.
Dưa leo bị đắng có phải tồn dư hóa chất quá nhiều?
(PLO)- Vị đắng trong dưa leo không phải là do tồn dư hóa chất hay không mà là cơ chế bảo vệ của dưa để tránh côn trùng xâm hại.