Fed bơm thêm tiền, mặt bằng lãi suất ở Việt Nam sẽ còn giảm
Đông Hà
(TBKTSG) - Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mới đây cho biết, sẽ thay đổi quan điểm về điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới theo hướng đặt nặng hơn vai trò nâng đỡ thị trường lao động và giảm bớt những lo ngại về tỷ lệ lạm phát trong tương lai. Điều này có nghĩa là Fed sẽ còn bơm tiền ra nhiều hơn.
Chính sách tiền tệ còn được Fed nới lỏng trong thời gian dài
Mục tiêu ưu tiên của Fed là muốn hướng đến một thị trường lao động toàn dụng ở mức cao. Toàn dụng lao động là trạng thái của nền kinh tế mà ở đó tất cả mọi người thuộc lực lượng lao động đều có việc làm. Khi đó, nền kinh tế chỉ tồn tại thất nghiệp tự nhiên, là những người không chấp nhận làm việc ở mức lương chung của thị trường.
Để đạt được mục tiêu trên, Fed cho biết sẽ áp dụng mục tiêu lạm phát trung bình thay vì một con số mang tính cố định. Theo đó, mức lạm phát thấp như hiện nay sẽ được bù đắp bằng cách cho phép tăng cao hơn trong một thời kỳ nhất định, miễn sao mức trung bình trong dài hạn sẽ quanh mức 2%. Điều đó đồng nghĩa với khả năng cơ quan này sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong một thời gian dài nữa.
Fed có thể sẽ tiếp tục bơm thêm tiền vào nền kinh tế thông qua việc mua trái phiếu của chính phủ và cả trái phiếu của các doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm cao.
Bảng cân đối tài sản của Fed hiện đang vào khoảng gần 7.000 tỉ đô la Mỹ, nhưng được dự báo sẽ tăng lên tới 14.000 tỉ đô la nếu kinh tế Mỹ phục hồi theo hình “L”(1). Do vậy, giá trị của đô la Mỹ cũng như lãi suất cho vay đồng tiền này trên thị trường Mỹ sẽ còn ở mức thấp trong một thời gian dài, có thể duy trì trạng thái như hiện tại đến năm 2022.
Việt Nam đang được xem là một trong những thị trường hấp dẫn đối với dòng vốn bằng ngoại tệ. Nhận định trên được đưa ra khi mà trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã bất ngờ mua được gần 3,5 tỉ đô la trong tháng 8 vừa qua. |
Nguồn vốn đô la giá rẻ từ Mỹ sẽ chảy đi toàn cầu
Nguồn vốn đô la Mỹ giá rẻ sẽ hướng đến các thị trường mới nổi (emerging market), những nơi vốn có mức lợi suất sinh lời (yields) cao hơn so với tại thị trường Mỹ.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ từ cuối tháng 3-2020, các nhà đầu tư, công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư đã lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo, nên đã đóng trạng thái (tất toán các khoản đầu tư) trên phạm vi toàn cầu để thanh toán cho các khoản vay, ủy thác đầu tư từ các nhà đầu tư cũng như người dân Mỹ. Đô la Mỹ khan hiếm đã đẩy lãi suất đi vay bằng đô la Mỹ (libors) đột ngột tăng cao và buộc các nhà đầu tư phải bán tháo tài sản như chứng khoán, trái phiếu tại nhiều quốc gia.
Điển hình là tại Indonesia, chỉ trong khoảng một tuần, ngân hàng trung ương nước này đã phải bán ra gần 10 tỉ đô la Mỹ để can thiệp vào thị trường ngoại hối sau khi các nhà đầu tư nước ngoài tại đây bán tháo trái phiếu chính phủ.
Xu hướng trên cũng diễn ra tại hầu hết các thị trường châu Á khác như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và cả tại Việt Nam. Đồng nội tệ của một vài quốc gia có thời điểm đã mất tới 15% giá trị so với cuối năm 2019 do các nhà đầu tư bán đồng nội tệ để chuyển sang nắm giữ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay cho thấy gần như đang có sự đảo ngược hoàn toàn về trạng thái rủi ro. Các ngân hàng trung ương trên thế giới, đi đầu là Fed, đã can thiệp mạnh mẽ bằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, bất chấp những lo ngại về nguy cơ lạm phát có thể quay lại trong tương lai. Chính vì vậy, DXY, chỉ số đo lường sức mạnh của đô la Mỹ, đã mất giá tới 5,3% giá trị chỉ trong vòng hai tháng trở lại đây khi khối lượng tiền khổng lồ dự kiến được Fed tiếp tục bơm ra thị trường tài chính Mỹ. Và như một quy luật tất yếu, dòng tiền này sẽ tự nhiên chảy đến những nơi có tỷ suất sinh lời cao hơn tại Mỹ, điển hình là châu Á.
Việt Nam sẽ tiếp tục mua được ngoại tệ
Việt Nam đang được xem là một trong những thị trường hấp dẫn đối với dòng vốn bằng ngoại tệ. Nhận định trên được đưa ra khi mà trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bất ngờ mua được gần 3,5 tỉ đô la trong tháng tám vừa qua. Mặc dù phần lớn trong con số này đến từ hoạt động thương mại, nhưng cũng có một tỷ lệ không nhỏ đến từ hoạt động đầu tư.
Giải ngân nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong tám tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 11,4 tỉ đô la, chỉ giảm khoảng 5,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Các doanh nghiệp FDI, các quỹ đầu tư dường như tiếp tục coi Việt Nam là địa điểm trọng tâm trong thời gian tới. Hai tập đoàn của Mỹ (AES và Millenium) đã và đang triển khai các thủ tục để xây dựng các siêu dự án về điện khí tại Bình Thuận và Nha Trang. Apple thông qua công ty Luxshare ICT đã triển khai hoạt động sản xuất Airpod tại Bắc Giang và đang có động thái để quyết định việc có lắp ráp iPhone tại đây hay không. Trong khi đó, một quỹ đầu tư của Đài Loan mới đây cho biết sẽ giải ngân khoảng 160 triệu đô la vào thị trường chứng khoán của Việt Nam trong thời gian tới.
Chỉ số VN-Index kết thúc phiên giao dịch ngày 28-8 đã trở lại mức trước khi dịch Covid-19 diễn ra (cuối tháng 2-2020). Việc lãi suất vay bằng đô la Mỹ duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài khiến Việt Nam được hưởng lợi đáng kể. Theo đó, NHNN có thể sẽ mua được thêm ngoại tệ trong thời gian tới, đồng nghĩa với việc sẽ bơm thêm tiền đồng ra nền kinh tế. Do đó, mặt bằng lãi suất trong nước sẽ đối mặt với một làn sóng giảm trong thời gian tới. NHNN có thể hoàn toàn hạ thêm các loại lãi suất điều hành từ đó gây áp lực để hạ lãi suất cho vay ra nền kinh tế.
(1) https://am.jpmorgan.com/us/en/asset-management/institutional/insights/market-insights/market-updates/bulletins/the-feds-balance-sheet-to-infinity-and-beyond/
Xem thêm: lmth.maig-noc-es-man-teiv-o-taus-ial-gnab-tam-neit-meht-mob-def/837703/nv.semitnogiaseht.www