Lấy máu dơi để nghiên cứu virus SARS-CoV-2 ở Pháp - Ảnh: REUTERS
1. Đại dịch khởi đầu thế nào?
TS sinh học Isabelle Bolon ở Đại học Genève (Thụy Sĩ) đánh giá: "Đến nay không có tiến bộ nào lớn về nguồn gốc virus SARS-CoV-2".
Trước đây, các chuyên gia tin rằng SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ dơi tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) vì tìm thấy nhiều virus corona có trình tự gen gần với SARS-CoV-2.
Song các virus này không đủ tương cận với SARS-CoV-2 để truyền trực tiếp từ dơi sang người.
Vậy có thể SARS-CoV-2 truyền qua sinh vật thứ ba. Tê tê bị nghi ngờ nhưng vai trò của chúng chưa rõ.
2. Virus lây nhiễm ra sao?
Các nhà khoa học tin rằng SARS-CoV-2 chủ yếu lây truyền qua các giọt bắn li ti và qua môi trường khí dung (aerosol).
Hồi tháng 7-2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thừa nhận SARS-CoV-2 có thể lây truyền qua khí dung dù ban đầu đã phản bác khả năng này.
Tuy nhiên, tỉ lệ tương ứng của lây nhiễm giữa giọt bắn và khí dung vẫn chưa rõ. TS virus học Valéria Cagno ở Đại học Genève nhận xét vẫn còn tranh luận về tỉ lệ này.
3. Miễn dịch kéo dài bao lâu?
Tháng 4-2020, giới khoa học thừa nhận chưa hiểu gì về khả năng miễn dịch của cơ thể với virus SARS-CoV-2. Bây giờ vấn đề đã rõ hơn.
Một số lượng lớn những người hồi phục đã được xét nghiệm huyết thanh để tìm dấu hiệu miễn dịch trong máu.
TS Valeria Cagno nhận xét: "Kháng thể xuất hiện và tế bào lympho T được kích hoạt nơi người nhiễm SARS-CoV-2 là dấu hiệu cho thấy họ đang phát triển tốt khả năng miễn dịch". Tuy nhiên vẫn chưa rõ thời gian miễn dịch bao lâu.
Ngoài ra còn nhiều điều chưa rõ như một số người được miễn dịch nhưng số khác thì không, số lượng kháng thể cũng khác nhau tùy người và tùy mức độ nhiễm.
Dược sĩ giới thiệu thuốc hydroxychloroquine tại bệnh viện Liège (Bỉ) - Ảnh: REUTERS
4. Tỉ lệ tử vong bao nhiêu?
Tỉ lệ tử vong cao trong quý đầu năm 2020 cho thấy mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19. Song hiện nay, các nhà khoa học ghi nhận đỉnh điểm của tỉ lệ tử vong vượt mức chưa xảy ra, ít ra tại Thụy Sĩ.
Tình hình lại khác ở các nước khác. Thụy Điển ghi nhận số tử vong kỷ lục trong nửa đầu năm 2020, lần đầu tiên kể từ nạn đói lớn năm 1869.
5. Thuốc nào điều trị hiệu quả?
Do không có liệu pháp cụ thể, trước đây các bác sĩ chỉ điều trị triệu chứng của COVID-19 bằng các loại thuốc hiện có như Kaletra, Remdesivir, Hydroxychloroquine.
Hiện thời Kaletra và Hydroxychloroquine đã chứng tỏ không hiệu quả.
Thuốc kháng virus Remdesivir, thuốc chống viêm Dexamethasone và kháng sinh Azithromycin vẫn đang được thử nghiệm.
Chưa xác định trẻ em có dễ lây nhiễm hay không - Ảnh: BELGA
6. Vì sao ca này nghiêm trọng, cá khác lại vô hại?
Các nhà khoa học cho rằng do hậu quả của "bão cytokine" (phản ứng thái quá của hệ miễn dịch) khiến một số ca trở nên nghiêm trọng hơn. Đến nay đây vẫn là ẩn số.
COVID-19 gây ra triệu chứng rất khác nhau. Người này chỉ bị cảm nhẹ, người khác nghiêm trọng dẫn đến tử vong.
TS y khoa Pierre-Yves Bochud ở Bệnh viện Đại học bang Vaud (Thụy Sĩ) giải thích: "Các nghiên cứu dịch tễ học từ Trung Quốc cho thấy các yếu tố như tuổi cao và béo phì làm tăng nguy cơ nặng hơn. Nhưng các tiêu chí này không giải thích được mọi thứ vì nhiều người liên quan lại không mắc bệnh nghiêm trọng".
Ngoài ra, các nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy gen đặc trưng quyết định phản ứng của từng cá nhân với SARS-CoV-2.
Một số yếu tố khác đang được xem xét như nhiều người đã tiếp xúc với các virus corona thể nhẹ khác trước khi nhiễm SARS-CoV-2 có khả năng tự vệ tốt hơn.
7. SARS-CoV-2 đột biến thế nào?
Hiện nay, các nhà khoa học nhận ra SARS-CoV-2 đột biến là chuyện bình thường.
Một số đột biến đặc biệt như chủng đột biến D614G dường như không ảnh hưởng đến độc lực và khả năng lây nhiễm của virus.
TS di truyền học François Balloux ở Đại học London (Anh) khẳng định: "Chủng virus lưu hành hiện nay không độc hơn lúc đầu đại dịch".
SARS-CoV-2 còn đột biến chậm như hầu hết các virus corona khác.
8. Vai trò lây nhiễm của trẻ em
Giới khoa học nhận thấy trẻ em ít bị nhiễm hơn người lớn nhưng chưa rõ vì sao.
Hiện nay, chuyên gia nhi khoa Alessandro Diana ở Đại học Genève ghi nhận: "Nghiên cứu về các chuỗi lây nhiễm cho thấy trẻ em chủ yếu bị lây nhiễm từ người lớn".
Trẻ em bị nhiễm ít phát triển các dạng nghiêm trọng và thường không bộc lộ triệu chứng.
Một nghiên cứu của Mỹ công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics ngày 30-7 ghi nhận đã tìm thấy trong mũi trẻ em dưới 5 tuổi tải lượng virus cao từ 10-100 lần. Dù vậy chưa xác định số trẻ em này có dễ lây nhiễm hơn không.
Trang trại nuôi chồn ở Na Uy trước đại dịch COVID-19 - Ảnh: AFP
9. Vật nuôi có lây không?
Trước đây giới khoa học ghi nhận hiếm có trường hợp động vật nhiễm bệnh được ghi nhận.
Còn hiện nay, họ nhận thấy virus có lây nhiễm ở vật nuôi với mức độ vừa phải.
Một nghiên cứu (chưa qua bình duyệt đồng nghiệp) ghi nhận ở miền bắc nước Ý, 3,4% chó và 3,9% mèo có kháng thể virus corona nhưng không có yếu tố lây nhiễm từ động vật sang người.
Vấn đề này đến nay vẫn chưa rõ, đặc biệt là chồn. Tại châu Âu và Mỹ, hàng triệu con chồn bị nhiễm. Một số nhân viên trang trại cũng bị nhiễm.
10. Chưa biết dịch kết thúc thế nào
Tháng 4-2020, báo Le Temps (Thụy Sĩ) dự báo trong khi chờ đợi vắc xin hoặc phương pháp điều trị hiệu quả, SARS-CoV-2 có thể biến mất vì không còn người lây nhiễm.
Đến nay có 5 dự án vắc xin đang thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn cuối và dự kiến sẽ được đưa ra thị trường vào đầu năm 2021. Dù vậy, khả năng miễn dịch của vắc xin kéo dài bao lâu vẫn chưa rõ.
TS Alessandro Diana nhấn mạnh: "Loại vắc xin tốt nhất hiện nay đã được chứng minh có thể ngăn chặn virus đó là biện pháp giãn cách".
TTO - Theo WorldOMeters, tính đến sáng ngày 6-9, toàn thế giới có tổng cộng 27.040.175 ca COVID-19, 882.949 trường hợp tử vong và 19.137.300 bệnh nhân đã khỏi bệnh.
Xem thêm: mth.64884144160900202-pad-iaig-iol-oc-auhc-yan-ned-2-voc-sras-ev-na-ib-01/nv.ertiout