Sự kiện tỉnh Bạc Liêu trao quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu công suất 3.200 MW, vốn đầu tư 4 tỉ USD, cho Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE Singapore) hồi đầu năm nay từng được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận xét là góp phần thổi "luồng gió mới" vào tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có phần ảm đạm.
Nhộn nhịp nhà đầu tư ngoại
Tại Diễn đàn Cấp cao năng lượng Việt Nam 2020 diễn ra hồi tháng 7, hàng loạt hợp tác triển khai đầu tư các dự án năng lượng được ký kết. Chẳng hạn, tập đoàn tiên phong trong ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi tại châu Á - Thái Bình Dương CopenhagenInfrastructure Partners (CIP - Đan Mạch) và tỉnh Bình Thuận đã ký biên bản ghi nhớ phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn với tổng công suất lên đến 3,5 GW, vốn đầu tư 10 tỉ USD. Điểm đặc biệt của dự án là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên của Việt Nam được triển khai với sự hợp tác của đối tác nước ngoài. Nhà đầu tư (NĐT) này cam kết sẽ biến dự án nói trên thành một hình mẫu về chuyển giao công nghệ thành công song song với sử dụng tối đa các nguồn lực tại địa phương.
Một dự án khác cũng được quan tâm nhiều là tổ hợp dự án khí - điện tại Khu Kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa). Theo đó, Công ty Millennium của Mỹ đã được Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong cho phép khảo sát, nghiên cứu khả thi tổ hợp dự án gồm dự án trung tâm LNG (trên 10 triệu m3) và nhà máy điện (công suất 4.800 MW) với tổng vốn đầu tư ban đầu 8 tỉ USD và nâng dần lên 15 tỉ USD.
Nhiều NĐT cho rằng Nghị quyết 55-NQ/TW định hướng phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch là cơ hội lớn cho họ khi tìm kiếm cơ hội đầu tư. Công ty Wartsila (Phần Lan) đang có hoạt động tiếp thị mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam với hy vọng tăng doanh số nhờ cung cấp công nghệ cho các dự án điện, nhất là điện tái tạo - mảng kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp (DN) này. "Với sự thúc đẩy của Chính phủ, vài năm trở lại đây, năng lượng tái tạo phát triển vô cùng mạnh mẽ tại Việt Nam. Chúng tôi nhận định đây là thời cơ rất tốt để đầu tư vào lĩnh vực năng lượng" - đại diện công ty nói.
Một nhà cung cấp các giải pháp phát triển hệ thống năng lượng hỗn hợp là Công ty Fortum Power and Heat OY Finland cũng mong chờ Nghị quyết 55-NQ/TW sớm đi vào cuộc sống bởi cơ cấu nguồn điện được đưa ra trong nghị quyết này rất phù hợp với khả năng cung ứng của DN. Chẳng hạn, công nghệ của Công ty Fortum Power and Heat OY Finland cho phép thay thế tới 40% lượng than bằng nguyên liệu khác trong các nhà máy nhiệt điện than để giảm thiểu ô nhiễm hoặc giúp vận hành nhà máy thủy điện hiệu quả, giảm thiểu sửa chữa lớn và ngừng hoạt động của các nhà máy...
Dòng vốn FDI có xu hướng đổ vào ngành điện. Ảnh: HOÀI DƯƠNG
Cân nhắc chọn dự án
Cũng như bất cứ lĩnh vực nào khác, việc sàng lọc và lựa chọn NĐT vào lĩnh vực năng lượng là tối cần thiết bởi ngành này hội tụ rất nhiều yếu tố nhạy cảm và tác động trực tiếp đến kinh tế quốc gia.
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), đánh giá thời gian qua, nhiều dự án nguồn điện lớn của NĐT nước ngoài được triển khai theo hình thức BOT đã đóng góp rất đáng kể cho ngành điện trong việc thu xếp vốn, bảo đảm an ninh năng lượng. Tuy nhiên, thu hút FDI vào lĩnh vực năng lượng sẽ phải đối mặt với cả lợi ích lẫn nguy cơ. Ông Lạng phân tích: "Ngành năng lượng cần đầu tư cực lớn để có thể đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng, nhất là trong lĩnh vực điện, nhu cầu này càng cấp bách hơn nữa bởi nguy cơ thiếu điện đã hiện hữu trước mắt. Trong khi đó, giá điện trong nước chưa hấp dẫn NĐT nên bất cứ DN ngoại nào chấp nhận đầu tư vào ngành điện trong giai đoạn này cũng đều đáng quý. Tuy vậy, chúng ta có thể phải đánh đổi lại nguy cơ NĐT nước ngoài chiếm lĩnh ngành độc quyền tự nhiên, đưa công nghệ chất lượng kém vào hoặc tình trạng sang nhượng, bán dự án cho các NĐT khác để kiếm lời như trong lĩnh vực điện tái tạo thời gian qua".
Cũng theo PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, không phải vì rủi ro tiềm ẩn mà hạn chế tư nhân trong và ngoài nước tham gia thị trường điện để tăng sức cạnh tranh. Để khắc phục rủi ro về mặt công nghệ, việc sàng lọc dự án FDI ngành năng lượng cũng phải bám sát Nghị quyết 50 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tức là kiên quyết loại bỏ các dự án có công nghệ nguồn không bảo đảm cho vận hành điện cũng như đáp ứng tiêu chí bảo vệ môi trường, không cam kết chuyển giao công nghệ… "Ưu tiên cho NĐT châu Âu bởi các NĐT ở khu vực này thường có uy tín và năng lực tốt. Hơn nữa, các hiệp định thương mại và đầu tư của Việt Nam với châu Âu cũng là bàn đạp cho các NĐT này thâm nhập thị trường Việt Nam. Với các đối tác đến từ các quốc gia kém phát triển hơn hoặc từng đầu tư dự án kém hiệu quả, cần xem xét kỹ và không ngần ngại loại bỏ" - ông Lạng nêu quan điểm và nhấn mạnh nên có chính sách thu hút FDI vào lĩnh vực năng lượng sạch bởi đây chính là tương lai của ngành điện.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho rằng cần xử lý tốt mối tương quan giữa giá điện với việc thu hút nguồn lực nước ngoài vào ngành này. "Khi NĐT thấy mức giá bảo đảm thu lại được chi phí bỏ ra và có lợi nhuận thì họ sẽ đầu tư. Thậm chí, NĐT sẵn sàng bỏ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng truyền tải để bảo đảm nguồn lợi nhuận này" - ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh khi nhắc đến câu chuyện một DN muốn đầu tư trạm biến áp và đường dây truyền tải 220 KV/500 KV để giải tỏa công suất cho dự án điện mặt trời của họ cũng như các dự án lân cận khác.
Xem thêm: mth.30461730260900202-gnoul-gnan-hnagn-oav-od-iaogn-nov/et-hnik/nv.moc.dln