Thời gian này, nhiều trường ĐH đã công bố điểm sàn xét tuyển vào trường theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT.
Các phương thức khác cũng được các trường công bố điểm chuẩn. Tuy nhiên, do năm nay có nhiều phương thức xét tuyển, cộng với những biến động khó lường từ đăng ký của thí sinh (TS) khiến các trường cũng bị động trong xét tuyển.
Điểm sàn tăng đều các ngành học
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM được xem là trường đầu tiên công bố ngay điểm sàn xét tuyển vào trường.
Theo đó, ở chương trình đào tạo đại trà, ngành có điểm sàn cao nhất là robot và trí tuệ nhân tạo với mức nhận hồ sơ từ 26,5 điểm. Kế đến là nhóm ngành ô tô, công nghệ thông tin, logistics, kinh doanh quốc tế, sư phạm Anh có mức điểm 24,5.
Các ngành còn lại ở hệ đại trà cũng từ 21,5 đến 23,5 điểm. Các chương trình đào tạo chất lượng cao tiếng Việt có điểm sàn thấp hơn hệ đại trà này 0,5-1 điểm.
Thế nhưng năm nay trường lần đầu tiên tuyển thêm phương thức xét học bạ với chỉ tiêu khoảng 40% (tức 1.000 chỉ tiêu).
Vừa qua, sau khi công bố điểm chuẩn xét học bạ đợt 1, do tỉ lệ ảo nhiều nên chỉ có khoảng 1/2 số TS trúng tuyển xác nhận việc học tại trường nên trường quyết định giảm điểm sàn 0,5-1 điểm, tùy theo ngành nhờ chỉ tiêu xét theo điểm thi THPT tăng lên.
PGS-Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường, cho biết mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển này sẽ tương đối gần với điểm chuẩn trúng tuyển, tức điểm chuẩn chỉ cao hơn hoặc bằng sàn khoảng 0-1 điểm. Do đó, TS sẽ có căn cứ để điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp.
Tương tự, theo công bố của Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM, điểm nhận hồ sơ xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay là 19 điểm cho tất cả ngành và các tổ hợp xét tuyển. Như vậy, mức này tăng hơn 2 điểm so với năm 2019.
Điểm sàn Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng tăng ở hầu hết các ngành, từ 1 đến 2 điểm so với năm 2019 với khoảng điểm từ 15 đến 21 điểm. Theo đó, ngành có điểm sàn cao nhất là logistics và quản lý chuỗi cung ứng với 21 điểm. Kế đến là ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật ô tô… với 19 điểm. Trong khi khoảng điểm năm 2019 chỉ từ 14 đến 17 điểm.
Tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, điểm sàn 25 ngành đào tạo là 18 điểm. Đây là mức điểm tối thiểu TS cần đạt để nộp hồ sơ xét tuyển vào trường.
Phía nhà trường cho biết so với năm 2019, mức điểm nhận hồ sơ năm nay ở đa số các ngành đều tăng 1-2 điểm. Cụ thể, những ngành tăng đến 2 điểm như quản trị kinh doanh, luật quốc tế, quan hệ công chúng, kế toán, ngôn ngữ Anh…
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 30-8 vừa qua. Ảnh: PHẠM ANH
Điểm chuẩn đánh giá năng lực giảm nhẹ
Sau một tuần diễn ra kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, ngày 6-9, các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM đã đồng loạt công bố điểm chuẩn trúng tuyển. Đây là nhóm trường dành nhiều chỉ tiêu nhất năm nay cho phương thức này, trung bình 30%-70%.
Do kỳ thi đợt 1 (đợt chính), tỉ lệ TS bỏ thi tới khoảng 55%, khi có kết quả, phổ điểm thi dù vẫn trong chuẩn nhưng điểm thi có giảm khiến điểm chuẩn của các trường, các ngành học ở phương thức này đều giảm nhẹ so với năm 2019.
Thể hiện rõ nhất là Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM). Nếu năm 2019 ngành có điểm chuẩn cao nhất đến 980 điểm và nhiều ngành có điểm từ 900 thì năm nay ngành duy nhất có điểm ở mức 900 và cũng là mức có điểm cao nhất là khoa học máy tính (hướng trí tuệ nhân tạo). Kế đến là hai ngành có mức điểm 870 là khoa học máy tính và công nghệ thông tin. Mức điểm thấp nhất năm nay là 750 điểm.
Tương tự, tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), điểm chuẩn các ngành từ 600 điểm đến 903 điểm, giảm nhẹ so với năm 2019.
Các ngành, chương trình có điểm cao nhất là khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) có điểm chuẩn 903 điểm; nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin có điểm chuẩn 880 điểm; ngành công nghệ sinh học có điểm chuẩn 754 điểm; ngành hóa học có điểm chuẩn 754 điểm.
Điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành học của Trường ĐH KHXH&NV từ 600 đến 880 điểm (thang điểm 1.200). Trong khi năm 2019, khoảng điểm này dao động từ 630 đến 910 điểm.
Cụ thể, ba ngành có điểm chuẩn cao nhất với 880 điểm, gồm: Ngôn ngữ Anh hệ chuẩn, ngôn ngữ Anh hệ chất lượng cao, truyền thông đa phương tiện. Kế đến là các ngành quan hệ quốc tế hệ chuẩn, quan hệ quốc tế hệ chất lượng cao với 850 điểm.
Theo công bố của Trường ĐH Bách khoa, điểm chuẩn các ngành từ 700 đến 927 điểm. Ngành có điểm cao nhất năm nay là khoa học máy tính với 927 điểm, giảm 20 điểm so với năm 2019.
Năm nay, tổng số TS trúng tuyển vào trường theo phương thức này là 2.158 em. Điểm trung bình các TS trúng tuyển là 852 điểm. Trong đó, gần 27% TS trúng tuyển có điểm thi từ 900 điểm trở lên. Đặc biệt có 72 em (chiếm 3,33%) trúng truyển có điểm từ 1.000 điểm trở lên.
Thí sinh hai đợt thi điều chỉnh nguyện vọng cùng lúc Theo kế hoạch mới nhất của Bộ GD&ĐT, TS của cả hai đợt thi tốt nghiệp THPT sẽ được điều chỉnh nguyện vọng vào cùng một thời điểm. Cụ thể, các TS bắt đầu được điều chỉnh nguyện vọng sau khi các Sở GD&ĐT xét công nhận tốt nghiệp sơ bộ đợt hai. Mỗi TS được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển theo một trong hai phương thức sau: Điều chỉnh trực tuyến: Bảy ngày (từ ngày 19 đến 25-9). TS sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh. Lưu ý, phương thức này chỉ chấp nhận khi số lượng nguyện vọng sau khi điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu dự tuyển. Điều chỉnh bằng phiếu: Chín ngày (từ ngày 19 đến 27-9). TS được điều chỉnh tăng thêm số lượng nguyện vọng so với đăng ký ban đầu và phải nộp bổ sung lệ phí cho số nguyện vọng tăng thêm theo quy định. Thời gian các trường công bố kết quả trúng tuyển đợt một là trước 17 giờ ngày 5-10. |