Theo tờ South China Morning Post hôm 6-9, Bắc Kinh đã ban hành các quy định mới nhằm cấm truyền bá trái phép tôn giáo trong trường học, trong đó có yêu cầu giáo viên nước ngoài mới đến Trung Quốc làm việc phải hoàn thành 20 giờ nghiên cứu về hệ thống chính trị của nước này.
Giáo viên nước ngoài phải học chính trị Trung Quốc
Các quy định được áp dụng trên phạm vi rộng. Bất cứ điều gì được coi là đe dọa chủ quyền của Trung Quốc, vi phạm bộ luật hình sự hoặc cản trở việc thực hiện chính sách giáo dục đều có thể khiến giáo viên (người nước ngoài) bị hủy hoặc bị từ chối thị thực.
Các cơ sở giáo dục phải đảm bảo rằng giáo viên nước ngoài có giấy phép cư trú và làm việc hợp lệ, có tối thiểu hai năm kinh nghiệm giảng dạy, có bằng cử nhân và trình độ giảng dạy ngôn ngữ.
Đặc biệt, giáo viên người nước ngoài mới tới làm việc sẽ phải hoàn thành 20 giờ học tập chính trị Trung Quốc, với các nội dung về các chính sách phát triển, luật pháp, đạo đức nghề nghiệp và giáo dục của nước này.
Một nhà thờ Công giáo ở Trung Quốc. Ảnh: EXPEDIA
Các nhà chức trách cũng đã đề xuất một hệ thống tín chỉ xã hội quốc gia để chấm điểm giáo viên nước ngoài về những gì họ nói và làm ở trong cũng như ngoài lớp học.
Sở an ninh công cộng ở tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) thậm chí còn treo thưởng 100.000 nhân dân tệ (14.600 USD) cho bất kỳ ai chỉ điểm bất kỳ người nào “tham gia các hoạt động tôn giáo mà không được cho phép”. "Các hoạt động tôn giáo" này bao gồm giảng dạy, truyền bá và hình thành các mạng lưới truyền bá tôn giáo trái phép.
Trước năm 2014 Trung Quốc chưa đặt nặng việc kiểm soát giáo viên nước ngoài. Kể từ sau năm 2014 Trung Quốc đã bắt đầu siết chặt hơn các quy định về vấn đề này.
Đến năm 2019, nhà chức trách đã bắt đầu tiến hành kiểm tra giấy phép lao động của giáo viên nước ngoài. Theo số liệu của chính phủ, có khoảng 400.000 giáo viên nước ngoài ở Trung Quốc vào năm 2017, trong đó chỉ một phần ba có giấy phép lao động hợp lệ.
Việc kiểm soát nhằm đảm bảo khuôn khổ quốc gia
Năm 2015, Trung Quốc ban hành luật an ninh quốc gia nhằm bảo vệ chế độ chính trị, chủ quyền, sự thống nhất đất nước, sự toàn vẹn lãnh thổ, phúc lợi của người dân và “sự phát triển bền vững và lành mạnh” của nền kinh tế và xã hội.
Đồng thời, chính quyền trung ương cũng phát động một cuộc chiến ý thức hệ ra lệnh cho các trường học hạn chế sử dụng sách giáo khoa nước ngoài để ngăn chặn sự xâm nhập của các tư tưởng và giá trị phương Tây trong giảng dạy. Kể từ đó, chiến dịch ý thức hệ đã được đẩy mạnh nhằm loại bỏ các ảnh hưởng tôn giáo nước ngoài trong các khuôn viên trường như một phần trong chính sách quốc gia về tôn giáo.
Theo quy định, các giáo lý tôn giáo phải mang tính yêu nước và chỉ các giáo sĩ được nhà nước chấp thuận mới có thể làm mục sư.
Năm 2018, các quy định về tôn giáo sửa đổi chính thức có hiệu lực đã nghiêm cấm người nước ngoài tham gia các hoạt động tôn giáo mà không được phép.
Ngoài ra, các trường học cũng đưa ra các thông báo cảnh báo giáo viên nước ngoài không lôi kéo học sinh tham gia các hoạt động dựa trên đức tin.
Ông G - một mục sư Cơ đốc giáo ở Mỹ đã đến Trung Quốc để "hỗ trợ" sự phát triển của các nhà thờ Cơ đốc giáo. Tuy nhiên, công việc truyền giáo đã được gác lại sau khi ông chuyển sang giảng dạy toàn thời gian.
Ông nói rằng khoảng ba năm trước, camera và micro đã được lắp đặt trong lớp học của ông. Ngoài ra, cảnh sát cũng bắt đầu đến trường để dò hỏi xem ông có làm bất cứ điều gì “ngoài luồng hoặc thiếu tế nhị" trong khuôn viên trường hay không.
“Tôi cũng bị theo dõi trong hai năm ở khu phố của mình. Kể từ khi họ đặt camera vào các lớp học của tôi, tôi biết rằng chúng tôi đã bước vào một giai đoạn kiểm soát mới và phải cẩn thận hơn trong mọi hành động của mình” - ông nói.