vĐồng tin tức tài chính 365

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là rất tốt, nhưng chưa đủ!

2020-09-07 10:28

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết, việc giảm thuế chỉ có ý nghĩa khi doanh nghiệp có lãi. Còn khi các doanh nghiệp đã không có lãi, thậm chí là lỗ thì có giảm 100% thuế cũng không có ý nghĩa gì. Chính vì vậy, chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là rất tốt nhưng chưa đủ. Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn, làm “đầu tàu” kéo nền kinh tế đi lên thì việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ cũng rất quan trọng.

Dịch bệnh Covid-19 đang tác động tiêu cực và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các doanh nghiệp, các ngành nghề, đặc biệt là ngành hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống… Nhiều doanh nghiệp đã phải giải thể, tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô khiến thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng nhanh.

Trước cú sốc do dịch bệnh gây ra, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có các chính sách kinh tế đủ mạnh, vượt hơn mức bình thường thì các doanh nghiệp sẽ rất khó đứng vững, kéo theo đó là nền kinh tế khó có khả năng phục hồi.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là rất tốt, nhưng chưa đủ! - Ảnh 1.

Mới đây, tại cuộc họp thảo luận các giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định xã hội của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đề xuất chính sách tài khoá cần phải có những điều chỉnh mạnh mẽ hơn nữa để kích thích sản xuất và tiêu dùng.

Theo ông Dũng, các biện pháp phải hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động duy trì sản xuất, kinh doanh và khuyến khích quay trở lại hoạt động, tránh việc cắt giảm hơn nữa số lao động đang làm việc. Đồng thời, Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp lớn đang gặp khó khăn về sự thiếu hụt dòng tiền do chi phí cố định và chi phí duy trì hoạt động lớn trong khi doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng.

Việc gia hạn các chính sách đã và đang thực hiện được đề xuất kéo dài đến hết tháng 12 năm 2020. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch tiếp tục phức tạp, có thể nghiên cứu kéo dài một số chính sách sang năm 2021.

Các doanh nghiệp nhỏ, có tiềm lực tài chính yếu, nếu không được giúp đỡ sẽ không thể tồn tại qua trận dịch này

Bàn luận và đánh giá về các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của Chính phủ, TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng chia sẻ:

“Sau khi Việt Nam mở cửa lại nền kinh tế vào tháng 5, 6, 7, các doanh nghiệp đã rất hào hứng phục hồi sản xuất kinh doanh ở trạng thái "bình thường mới". Tuy nhiên, lại một đợt sóng COVID-19 lần thứ hai ập đến, khiến nhiều doanh nghiệp Việt phải lao đao.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là rất tốt, nhưng chưa đủ! - Ảnh 2.

Mặc dù Chính phủ đã có các gõi hỗ trợ lần một, cụ thể là 4 gói chính sách tài khóa được thông qua để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bao gồm: Gói 300.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ nhỏ và vừa; gói 180.000 tỷ đồng hỗ trợ thuế; gói 62.000 tỷ đồng cứu trợ cho người mất việc và gói 16.000 tỷ đồng cho vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động. Tuy nhiên, hiệu quả của các gói hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua chỉ ở mức vừa phải, bởi hệ thống ngân hàng vẫn có các điều kiện cho vay theo chuẩn, họ xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp có khả năng trả nợ. Do đó mà gói hỗ trợ 300.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, gói hỗ trợ 180.000 tỷ đồng miễn, giảm, hoãn thuế cho các doanh nghiệp dù là tốt nhưng cũng lại chỉ dành cho các doanh nghiệp vẫn có lãi, các doanh nghiệp lỗ thì có giãn hay giảm thuế thì cũng không có ý nghĩa gì.

Còn gói an sinh 62.000 tỷ đồng giúp lao động mất việc, cho đến nay mới chỉ giải ngân được khoảng 30%, trong khi rất nhiều người dân than phiền rằng việc làm đơn để tiếp cận gói hỗ trợ này rất khó khăn và vướng mắc nhiều thủ tục. Trong khi đó, đề xuất cho gói hỗ trợ lần 2 khoảng 19.000 tỷ đồng là quá nhỏ.

Vì vậy, Chính phủ cần phải có những tính toán cụ thể, khảo sát theo từng nhóm đối tượng để đưa ra gói hỗ trợ phù hợp, ít nhất phải mức 300.000 - 400.000 tỷ đồng.

Theo tôi, việc giảm thuế chỉ có ý nghĩa khi doanh nghiệp có lãi. Còn khi các doanh nghiệp đã không có lãi, thậm chí là lỗ thì có giảm 100% thuế cũng không có ý nghĩa gì. Chính vì vậy, chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là rất tốt nhưng chưa đủ. Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn, làm “đầu tàu” kéo nền kinh tế đi lên thì việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ cũng rất quan trọng.

Các doanh nghiệp lớn "sóng to thì thuyền to", họ có nhiều điều kiện để sống sót trong khó khăn. Trong khi các doanh nghiệp nhỏ có tiềm lực tài chính rất yếu, nếu không có ai giúp, họ sẽ không thể tồn tại qua dịch bệnh”, ông Hiếu nói.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là rất tốt, nhưng chưa đủ! - Ảnh 3.

Cùng quan điểm về chủ đề này, ông James Dong, Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam cho biết: “Tôi cho rằng một trong những thách thức lớn nhất đối với nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) ở Việt Nam chính là nguồn vốn. Rất khó để tiếp cận vốn, đặc biệt với những nhà bán hàng nhỏ lẻ.”

Ông James Dong cũng đưa ra một ví dụ điển hình về nhóm những nhà bán hàng ở Hà Nội. Những người này phụ thuộc nhiều vào mô hình chuỗi cung ứng nhập khẩu, vì vậy, nhìn chung sản lượng tồn kho của họ nhỏ hơn so với những nhà bán hàng ở miền Nam. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 ập đến, các nguồn hàng nhập khẩu gặp nhiều vấn đề thì dòng tiền của họ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thấu hiểu những khó khăn đó, Lazada đã đưa ra các gói hỗ trợ Kích cầu kinh tế để hỗ trợ cho hơn 45.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời, tích cực hợp tác với các đối tác ngân hàng để đưa ra giải pháp hỗ trợ cho các SMEs trong thời điểm khó khăn này. “Từ những kinh nghiệm của Tập đoàn Alibaba khi hỗ trợ cung cấp những khoản vay nhỏ cho các nhà bán hàng, chúng ta có thể dựa vào lịch sử và uy tín của người bán trên nền tảng để đề xuất hạn mức tín dụng cho các khoản vay của họ”, ông James nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là rất tốt, nhưng chưa đủ! - Ảnh 4.

Ông James chia sẻ thêm, “Sự phát triển của các SMEs nội địa là huyết mạch trong nền kinh tế của mỗi quốc gia và đóng vai trò quan trọng đối với sinh kế của người dân". Chính vì vậy, với những hỗ trợ thiết thực về nguồn vốn và chi phí vận hành, Lazada hy vọng sẽ góp phần chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp Việt để họ có thể kinh doanh thành công trên nền tảng số. Ngoài ra, việc bảo vệ cộng đồng, duy trì việc làm, và hỗ trợ củng cố nền kinh tế Việt Nam cũng là những ưu tiên hàng đầu mà Lazada đang thực hiện trong thời điểm hiện nay.

Điều quan trọng hơn hết lúc này là phải giải ngân ngay các gói hỗ trợ lần một

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ, điều quan trọng hơn hết lúc này là phải giải ngân ngay các gói hỗ trợ lần một, vì việc thực hiện giải ngân các gói hỗ trợ này chậm trễ. Nếu Chính phủ đã ban hành các gói hỗ trợ rất cụ thể thì tất cả những gói này phải được thực hiện trước đã, phải giải ngân tốt, hoàn tất các gói này trước.

Đầu tiên, Chính phủ cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp - đây chính là lực lượng nòng cốt, là những thành phần cốt cán trong nền kinh tế để hồi phục kinh tế sau đại dịch. Đặc biệt, nên ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi trên thực tế, nhóm doanh nghiệp này chiếm 97% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế. Mặt khác, dù được cho là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, nhưng nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ lại ít khi được ưu tiên về cơ chế, sức đề kháng của doanh nghiệp yếu, dễ bị tổn thương.

Do đó phải hỗ trợ các doanh nghiệp này và những người lao động thuộc doanh nghiệp đó. Điều này cũng tạo ra sự đồng nhất trong quan điểm của Chính phủ khi luôn khuyến khích người dân khởi sự, tạo lập doanh nghiệp mới, ông Hiếu phân tích.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là rất tốt, nhưng chưa đủ! - Ảnh 5.

Thứ hai, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp hiện đang lỗ, đặc biệt là các doanh nghiệp đang mất thanh khoản, tức là những doanh nghiệp đang mất khả năng chi trả lương cho người lao động, hay không có khả năng trả nợ vay ngân hàng, trả tiền cho nhà cung cấp, đối tác và tất cả các loại lệ phí, chi phí mà họ cần phải thanh toán…

Bởi lẽ, nếu không được hỗ trợ, các doanh nghiệp này sẽ không thanh toán được, dẫn đến việc doanh nghiệp sẽ bị kiện đưa ra toà và phá sản rất nhanh. Do đó, vấn đề rất quan trọng của Chính phủ là phải hỗ trợ để họ có dòng vốn duy trì sự sống.

Để làm được điều này, theo tôi, Nhà nước cần phải cải cách, cải tổ lại các quỹ bảo lãnh tín dụng. Trước đây, Việt Nam đã có Nghị định 34 của Chính phủ về quỹ bao lãnh tín dụng, ban hành năm 2018. Tuy nhiên, quỹ này quá nhỏ bé, vốn điều lệ trong khoảng 100 tỷ đồng và không được bảo lãnh quá 3 lần vốn điều lệ.

Mặt khác, quỹ bảo lãnh tín dụng còn phải hoạt động dưới nguyên tắc bảo toàn vốn. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, các ngân hàng rất ngại cho vay đối với các doanh nghiệp yếu kém do lo sợ các doanh nghiệp này không có khả năng trả nợ.

Chính vì vậy, Chính phủ cần phải tái cơ cấu lại các quỹ bảo lãnh tín dụng, hoặc thành lập thêm quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, lấy ngân sách từ quốc gia với vốn điều lệ lớn cho doanh nghiệp vay. Có như vậy mới có thể bơm tiền cho các doanh nghiệp để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là rất tốt, nhưng chưa đủ! - Ảnh 6.

Xem thêm: mth.9851258160900202-ud-auhc-gnuhn-tot-tar-al-peihgn-hnaod-pahn-uht-euht-maig-hcas-hnihc-ueih-irt-neyugn-st/nv.ahos

Comments:0 | Tags:No Tag

“TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là rất tốt, nhưng chưa đủ!”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools