Mấy ngày qua, dư luận bức xúc với phát biểu của ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) khi cho rằng: 90% người Việt ăn gạo “bẩn”. Bức xúc không phải vì muốn né tránh sự thật, mà vì lo: Liệu đây có phải là cách mở đầu cho tiền lệ “mượn tiếng chuẩn mực sản phẩm” để PR cho sản phẩm mình bằng cách “dìm hàng” các doanh nghiệp khác?
Không thể dùng “bẩn” với sản phẩm mang tính quốc gia
“Có lẽ không chỉ riêng ông Bình mà nhiều người chưa áp dụng đúng khái niệm “bẩn” trong lĩnh vực thực phẩm” - thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên, chuyên gia nghiên cứu độc lập nông nghiệp ở Đồng Tháp, chia sẻ. Theo ông Tuyên, bẩn hay gạo bẩn là cách nói mang tính chất “nôm na”, dân dã, vì thế không thể đề cập đến sản phẩm mang tính quốc gia như lúa gạo. Đồng quan điểm này, ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng bày tỏ bức xúc: “Đến nay ngành chức năng chưa có quy định nào về khái niệm bẩn đối với mặt hàng gạo nên phát biểu này chưa phù hợp với thực tế”.
Theo ông Tuyên, trong lĩnh vực thực phẩm, khái niệm được hiểu tương đương với nghĩa “bẩn” được dùng trong trường hợp lẫn chất độc hại thể rắn, thể khí, thể lỏng và nhiễm vi sinh. “Câu chuyện sản pate Minh chay được nhiều phương tiện truyền thông đưa tin thời gian gần đây là thí dụ điển hình cho nội dụng bẩn mà ông Bình đã dùng” - ông Tuyên nhấn mạnh - “Bởi các phân tích kỹ thuật cho thấy sản phẩm này bị nhiễm Clostridium là vi khuẩn yếm khí có khả năng tạo nội bào tử (endospores)”.
Theo ông Tuyên, cái đáng lo ở đây là nội bào tử có khả năng chịu nhiệt trên 200°C khi đun nấu (cao hơn nhiệt độ mà các bà nội trợ dùng để chiên, dao động ở mức 180°C). Nghĩa là không bị thay đổi khi chế biến bữa ăn. Trong khi đó, một số mẩu gạo Việt Nam cho thấy chỉ bị nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu căn cứ vào thông lệ quốc tế thì điều này cũng không hẳn gọi là gạo bẩn theo ý niệm của ông Bình.
Ông Tuyên đưa ra thí dụ, do sử dụng lượng nước ngầm rất lớn để tưới lúa nên một lượng gạo ở Ấn Độ bị nhiễm asen. Tuy nhiên quốc gia này cũng như bạn hàng quốc tế của họ cũng không hề gọi đó là gạo bẩn. Bởi điều này còn phụ thuộc vào ngưỡng cho phép của cơ quan chuyên môn. Thực tế cho thấy, phần lớn lượng gạo nhiễm Asen ở Ấn đều nằm trong ngưỡng cho phép. Vì thế, theo các chuyên gia, sẽ rất lấy làm lo lắng với lối phát biểu nôm na đối với mặt hàng quốc gia của ông Bình. Bởi nó không chỉ thiếu chuẩn mực mà còn gieo mầm, tạo cớ để tự chuốc lấy cơ hội cho người ngoài mượn cớ gây bất lợi một cách không đáng có như kiểu “tự lấy đá ghè chân mình”. Hơn thế nữa, liệu đây có phải là cách mở đầu cho tiền lệ xấu: Mượn tiếng chuẩn mực đạo đức để PR cho sản phẩm mình có bằng cách dìm hàng các đồng nghiệp trong nước?
Chất lượng gạo Việt luôn được cải thiện, nâng cao
Thạc sĩ Tuyên chia sẻ: Gạo của Việt Nam về chất lượng đã không ngừng được cải thiện, nâng cao. “Thông qua các mô hình Hợp tác xã kiểu mới, hay Hội quán... diện tích trồng lúa có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo thời gian cách ly an toàn ở Đồng Tháp nói riêng, ĐBSCL nói chung ngày một tăng, nhất là diện tích trồng lúa theo chuẩn an toàn Việt Nam và quốc tế... Điều này được thể hiện khách quan qua lượng gạo Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường quốc tế hàng năm, nhất là các thị trường đòi hỏi chất lượng an toàn cao như Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ... ngày một tăng” - ông Nghĩa nhấn mạnh. Vì thế theo ông Nghĩa, phát biểu cho rằng 90% người Việt ăn gạo bẩn, không chỉ đi ngược lại nỗ lực của Chính phủ mà còn chối bỏ công sức của bao thế hệ nông dân, nhà khoa học... đã gắn bó với đồng ruộng, với cây lúa hạt gạo Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Tuyên, đáng lo hơn khi đây không phải là lần đầu xuất hiện phát ngôn kiểu này trên các phương tiện truyền thông, mà nguyên nhân chủ yếu là do có sự buông lỏng trong quản lý. Thực tế cho thấy, thời gian qua đã có sự lạm dụng các khái niệm sạch, bẩn cũng như hữu cơ, sinh thái... Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đã gắn các mác này lên sản phẩm theo kiểu “vẽ bùa tự đeo”... nhưng không được hoặc chưa được cơ quan chức năng bày tỏ ý kiến. Chính điều này đã dẫn đến nạn “vàng thau lẫn lộn”. Vì vậy, để chủ động lập lại trật tự trong phát ngôn liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông sản, nhất là nông sản mang tính quốc gia như lúa gạo, rất cần cơ quan chức năng định danh các khái niệm xứng tầm với sản phẩm mang tính quốc gia của một trong những cường quốc lúa gạo quốc tế.
Xem thêm: odl.749338-cahk-iougn-gnah-mid-nod-al-yah-taht-us-nab-oag/gnourt-iht/nv.gnodoal