Hơn một tháng nay, hàng nghìn doanh nghiệp tại Đà Nẵng đã phải đóng cửa vì dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại. Hàng vạn lao động tiếp tục phải nghỉ việc. Việc kinh doanh, sản xuất bị đình trệ nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn liên tục bị các ngân hàng đòi nợ “theo quy định”.
Lao đao vì dịch vẫn bị đòi nợ
Ông T.V.D - Giám đốc một công ty điện máy tại Đà Nẵng lắc đầu ngao ngán khi nhắc về tình hình doanh nghiệp hiện tại. Bởi, đợt dịch thứ 2 bùng phát tại Đà Nẵng bao nhiêu ngày đã khiến các cửa hàng ông D. phải đóng cửa. 150 lao động của ông buộc phải làm việc luân phiên, thậm chí có người đã phải tính đến việc xin nghỉ để nhận trợ cấp thất nghiệp.
“Khi đợt dịch 1 kết thúc, chúng tôi còn gắng gượng hoạt động trở lại. Doanh thu chỉ mới phục hồi gần 10% thì đợt dịch 2 bùng phát. Đáng nói, nếu trong đợt 1, Ngân hàng Nhà nước có Thông tư 01 về việc giãn nợ những khoản vay trước ngày 23.1. Thì nay, đến thời điểm này, doanh nghiệp tại vùng dịch như Đà Nẵng chưa nhận được bất kỳ chính sách hỗ trợ nào.
Thậm chí, do thời giãn nợ ở đợt 1 đã hết, những ngày qua, chúng tôi bị ngân hàng gọi đòi nợ liên tục. Họ nói là dù biết doanh nghiệp đang đóng cửa vì cách ly xã hội nhưng họ cũng phải làm theo quy định, quy trình vì Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào về giãn nợ.
Dưới áp lực đó, không ít doanh nghiệp chấp nhận trây ỳ vì thật sự họ không có tiền để xoay trả. Một số doanh nghiệp khác lại lựa chọn cách đi vay nóng bên ngoài với lãi suất cao để trả ngân hàng đúng hạn, tránh bị đưa vào danh sách nợ xấu làm ảnh hưởng đến các khoản vay khác. Tuy nhiên, điều này rất nguy hiểm bởi nếu dịch bệnh kéo dài, dòng tiền tiếp tục đứng thì họ sẽ gặp cảnh nợ chồng nợ, lãi mẹ đẻ lãi con. Việc phá sản là điều chắc chắn” - ông D. chia sẻ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Bắc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Đà Nẵng cho biết, đó là tình hình chung của hầu hết DNNVV ở Đà Nẵng.
“Đa số họ đều phải dừng kinh doanh, đóng cửa, người lao động không có việc làm, doanh nghiệp không có thu nhập để thanh toán lương, nợ gốc, nợ lãi ngân hàng khi các khoản nợ đã đến hạn.
Trong khi đó, kết quả hỗ trợ doanh nghiệp trong đợt đầu chống COVID-19 chưa mang lại kết quả tốt. Nhiều chính sách doanh nghiệp không thể tiếp cận được vì tiêu chí rất khó khăn. Đặc biệt, việc các ngân hàng thương mại giải quyết hỗ trợ bằng việc cơ cấu lại khoản vay, thời hạn trả nợ, trả lãi, giảm lãi vay thì mỗi nơi làm một kiểu và mức lãi suất nhìn chung vẫn cao. Chính sách gia hạn thuế của Chính phủ được tính đến tháng 6.2020, từ tháng 7.2020 doanh nghiệp tiếp tục nộp thuế theo quy định và từ tháng 9.2020 doanh nghiệp bắt đầu thực hiện nộp các khoản thuế được gia hạn trước đó cho đến hết năm 2020. Nhưng, với tình hình này, việc hoàn thành tất cả các khoản trên là không thể khi Đà Nẵng vẫn là tâm dịch” - ông Bình nói.
Doanh nghiệp vùng dịch kêu cứu
Trước tình hình đó, Hiệp hội DNNVV tại Đà Nẵng đã có đơn kiến nghị gửi UBND Đà Nẵng và Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19.
Cụ thể, để hỗ trợ cho các DNNVV, UBND Đà Nẵng cần thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp; có chính sách hỗ trợ cụ thể lãi vay đối với các doanh nghiệp đầu tư mở rộng; thay đổi công nghệ... đồng thời kiến nghị với Trung ương ban hành các chính sách hiệu quả hỗ trợ DNNVV của Đà Nẵng trong điều kiện hiện nay.
Bên cạnh đó, DNNVV tại Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ nên có chính sách riêng và kịp thời hỗ trợ cho cộng đồng DNNVV tại Đà Nẵng với các vấn đề trọng tâm như: Ngân hàng Nhà nước nên xem xét điều tiết để hỗ trợ giảm lãi suất cho doanh nghiệp với tỷ lệ giảm cụ thể và đồng nhất các ngân hàng thương mại, tiếp tục cho giãn nợ gốc và lãi vay thêm một thời gian để doanh nghiệp có sức phục hồi.
Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần xem xét cho doanh nghiệp Đà Nẵng được tiếp tục gia hạn nộp thuế năm 2020 qua năm 2021 để doanh nghiệp tích lũy thêm nguồn vốn vực dậy kinh doanh, nhất là nhóm ngành thương mại và dịch vụ du lịch do không thể trở lại kinh doanh bình thường từ đây đến hết năm 2020; thực hiện giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn để kích thích tiêu dùng sau dịch bệnh, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.
Các cơ quan khác cần xem xét việc miễn, giảm kinh phí công đoàn và tiếp tục lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn; tiếp tục cho dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất, cho gia hạn nộp BHXH như gia hạn đối với nộp thuế;…
“Những nội dung này nhằm giúp doanh nghiệp có thêm vốn để kinh doanh” - ông Bình nói.
Xem thêm: odl.739338-on-iod-gnah-nagn-ib-nav-hcid-iv-auc-gnod-peihgn-hnaod-gnan-ad/et-hnik/nv.gnodoal