Các em bé tham gia cuộc thi bò dành cho trẻ sơ sinh tại Yokohama, ngoại ô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh minh họa: thenewdaily.com.au
Trong bối cảnh thu nhập của nhiều người dân, đặc biệt là những người làm việc tại các nhà hàng bị ảnh hưởng không nhỏ do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, tại quốc gia Trung Phi Rwanda, các bà mẹ đơn thân làm việc ở một nhà hàng Nhật Bản vừa tìm ra nguồn thu nhập mới, đó là trông giữ trẻ em ở Nhật Bản qua hình thức trực tuyến.
Bất chấp chênh lệch múi giờ lên tới 7 tiếng đồng hồ, dịch vụ mang tính giao lưu văn hóa này cho phép các bà mẹ đơn thân Rwanda tương tác cùng những trẻ em tại Nhật Bản, cách họ tới 12.000 km, thông qua ứng dụng họp trực tuyến Zoom. Đôi khi các bà mẹ còn truyền trực tiếp cảnh họ đi mua sắm, nấu ăn, tạo cảm giác thích thú không chỉ cho những em nhỏ mà ngay cả các bậc cha mẹ. Dịch vụ này được thực hiện 2 lần/ngày, mỗi lần kéo dài 1 tiếng, trong đó sử dụng linh hoạt các ngôn ngữ địa phương, tiếng Anh và cả tiếng Nhật.
Anh Toyochika Kamekawa, 36 tuổi, sống tại thị trấn Takahama, tỉnh Fukui, khẳng định dịch vụ này thực sự mang đến những trải nghiệm mới mẻ mà các lớp học bình thường không bao giờ có được. Bằng chứng là cậu con trai 2 tuổi của anh thường xuyên tham gia dịch vụ này đã ê a và gõ trống theo điệu nhạc của những ca khúc mà cậu được nghe từ những bà mẹ Rwanda.
Sáng kiến này được bắt nguồn từ cô Mio Yamada, 38 tuổi, đang sinh sống tại Rwanda. Cô cùng với người bạn là Yushi Nakashima, 30 tuổi, thường thuê các bà mẹ đơn thân tới làm việc tại nhà hàng Nhật Bản của mình ở thủ đô Kigali. Cô Yamada, đến từ thành phố Ikeda, thuộc tỉnh Osaka, từng học ngôn ngữ Bantu ở đại học. Cô cùng chồng và 3 người con của mình đã chuyển tới sống tại Rwanda vào năm 2016 và mở nhà hàng riêng của mình 1 năm sau đó. Trong khi đó, cô Yamada từng đi du lịch qua 8 nước châu Phi bằng xe đạp khi còn là sinh viên.
Do dịch COVID-19, tháng 4 vừa qua, Nakashima và Kamekawa đã cùng trò chuyện trên một quán bar ảo. Tại đây, Kamekawa chia sẻ rằng anh muốn con mình, vốn đang phải ở nhà do nhà trẻ đã đóng cửa, có thể trải nghiệm hình thức giao lưu trực tuyến. Coi đây là một ý tưởng thú vị nên Nakashima đã bàn bạc với người bạn Yamada để hiện thực hóa điều này.
Thời điểm đó, nhà hàng của cô Yamada lại đang gặp khó khăn về tài chính, do Rwanda thực hiện chính sách phong tỏa từ tháng 3 nhằm kiểm soát dịch bệnh. Sau khi cô đăng thông báo tuyển người trông trẻ với mức lương 3.000 yen (28 USD)/tháng, bằng với thu nhập hằng tháng của các bà mẹ đơn thân tại nhà hàng, đã có khoảng 20 nhân viên của cô ứng tuyển dịch vụ này.
Trước khi xảy ra đại dịch, không ai có thể nghĩ đến dịch vụ trông nom trẻ từ xa như vậy, nhất là tại một thị trấn nhỏ ở Nhật Bản. Anh Kamekawa tin rằng thông qua hình thức giao lưu này, cậu con trai của anh khi lớn lên có thể hiểu hơn về sự chênh lệch kinh tế giữa hai nước.
Dù đại dịch COVID-19 để lại những tác động nặng nề đối với đời sống kinh tế - xã hội, song 'cái khó, ló cái khôn', đại dịch cũng đã mang lại nhiều trải nghiệm mà con người chưa bao giờ có thể nghĩ tới, như việc trông trẻ em trực tuyến này.
Xem thêm: mth.80841404170900202-mk-00021-hcac-gnaohk-o-ert-gnort-uv-hcid/nv.ertiout