Tại phiên giải trình ở Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 7/9, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thuỷ điện và nhiệt điện than, hai nguồn điện đóng góp lớn bình quân đạt lần lượt 5% và 10% trong cơ cấu nguồn năng lượng. Nhưng thủy điện đã khai thác gần hết, nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng và phần lớn địa phương không ủng hộ loại năng lượng này.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nói thêm, trước đây địa phương nào cũng đề nghị làm dự án điện than nhưng nay lại không ủng hộ. "Rất nhiều địa phương chuyển sang đề nghị phát triển điện gió, điện mặt trời hay điện khí... nhưng rất mang tính phong trào", ông Hiển nói.
"Điện than không phải tội đồ mà chúng ta loại bỏ nó", ông Tuấn Anh nói và cho biết, tính toán ban đầu trong quá trình lập quy hoạch điện VIII thì tỷ trọng điện than sẽ giảm xuống còn 36-37% trong cơ cấu nguồn điện.
Ông Hiển cũng đồng tình, điều kiện hiện nay và vài thập kỷ tới thì "vai trò điện than vẫn cần thiết, chưa thể giảm hoặc thay thế được".
Ông Tuấn Anh bổ sung, nguồn điện này vẫn đóng góp lớn trong cơ cấu nguồn điện khi lập quy hoạch điện VIII, nhưng sẽ không có chuyện bổ sung ồ ạt các dự án điện mới. Thay vào đó trên cơ sở dự án điện than đã thẩm định, phê duyệt trong tổng sơ đồ cũ sẽ được cơ quan quản lý, lập quy hoạch đối chiếu, cân đối trong tổng cơ cấu nguồn điện cho phù hợp tới đây.
Trong khi đó, với việc phát triển ồ ạt điện mặt trời, điện gió vừa qua, ông Đỗ Văn Sinh - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế nhận xét, các mức giá cố định dành cho điện mặt trời, điện gió đưa ra ở năm 2017 cao hơn mặt bằng chung ở một số quốc gia, cũng như vi phạm Luật Giá, Luật Điện lực, quy định "Bộ Công Thương phê duyệt khung giá bán điện và các bên thoả thuận trong khung giá".
Ngoài ra, việc Bộ Công Thương thiếu chủ động lập quy hoạch điện mặt trời, điện gió cả nước để định hướng khiến "các nhà đầu tư rất khổ, họ phải tự lo rồi làm sao chạy để được duyệt vào quy hoạch điện quốc gia". Thực tế này khiến công suất điện mặt trời tăng gấp 7-8 lần so với quy hoạch, lưới điện truyền tải không đáp ứng, lãng phí nguồn lực.
Thừa nhận việc lập quy hoạch điện trước đây khá "cứng" khiến bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư từ nguồn lực tư nhân, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, bốn năm trước Chính phủ chỉ đạo cần có cơ chế ưu đãi phát triển năng lượng tái tạo để bù đắp một phần thiếu hụt các nguồn điện chậm tiến độ, nhất là điện than.
Các quyết định 11 hay gần đây là quyết định 13 về cơ chế giá cho điện mặt trời đã giúp thu hút nguồn lực đầu tư doanh nghiệp tư nhân vào phát triển năng lượng tái tạo. Hiện nguồn điện mặt trời, điện gió chiếm gần 10% tổng công suất nguồn điện cả nước, tương đương 5.600 MW.
"Không phải chúng ta không cân nhắc giữa giá cố định và đấu giá trong phát triển năng lượng tái tạo, nhưng mặt bằng phát triển ở các quốc gia là khác nhau", ông Trần Tuấn Anh giải thích sau đó.
Bộ trưởng Công Thương lấy ví dụ tại Campuchia nhà đầu tư được giao đất sạch, cơ chế tín dụng... để đấu giá, trong khi tại Việt Nam nhà đầu tư phải lo đền bù, giải phóng mặt bằng. Vì thế giai đoạn đầu huy động đảm bảo nguồn điện thì việc đưa ra giá FIT ưu đãi để khuyến khích nhà đầu tư là cần thiết. Nhưng khi công nghệ thay đổi, rẻ hơn, mới hơn thì việc chuyển từ giá FIT sang đấu thầu giá cạnh tranh sẽ phù hợp hơn với nguyên tắc thị trường, phát triển năng lượng.
Tuy nhiên, theo ông Phùng Quốc Hiển, các quy định "cứng" về quy mô, thời gian thực hiện dự án... tại quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh còn dẫn tới hệ quả là nhiều dự án điện trọng điểm chậm tiến độ.
Ông dẫn chứng, riêng nguồn điện đầu tư tính theo công suất toàn quốc giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 81,4% kế hoạch, tỷ lệ này tăng lên 93,7% 5 năm sau đó nhưng cơ cấu nguồn truyền thống lại giảm. Chẳng hạn, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh giai đoạn 2016-2030 có 116 dự án nguồn điện cần đầu tư và đưa vào vận hành. Tuy nhiên, thực tế hàng loạt dự án điện lớn không được thực hiện, chậm tiến độ khiến hệ thống thiếu nguồn điện dự phòng.
Tổng công suất nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt gần 60%. Trong khi đó, cơ cấu nguồn nhiệt điện than chỉ đạt gần 58%, có 10 dự án lớn dự kiến vận hành trong 2016-2020 thì đều lỡ hẹn, với tổng công suất lên tới 7.000 MW.
Về lập quy hoạch điện VIII và tỷ trọng cơ cấu các nguồn điện, ông Hoàng Quang Hàm - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng, quy hoạch điện tới đây cần tính tỷ trọng các nguồn điện theo cơ cấu giá. Chẳng hạn, khi đấu giá điện gió được giá thấp nhất thì sẽ dự báo rằng giá đó như thế nào để tính toán tỷ trọng vào cơ cấu nguồn điện chung. Ngược lại, nếu giá đấu thầu quá cao thì sẽ tính toán tỷ trọng cơ cấu nguồn ít hơn so với các nguồn điện khác...
"Quy hoạch điện VIII không chỉ tính đủ điện mà phải tính cơ cấu tỷ trọng từng loại điện trên cơ sở yếu tố giá. Đủ điện nhưng giá phải thấp nhất", ông Hàm lưu ý.
Anh Minh