Giá điện cần sự công khai, minh bạch
Lan Nhi
(TBKTSG Online) - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định rằng giá mua điện chưa hấp dẫn, giá bán lẻ điện mỗi lần điều chỉnh lại vấp phải những rào cản khó khăn đến từ nhiều phía. Tuy nhiên, lại có hiện tượng nhiều doanh nghiệp, địa phương, nhà đầu tư đề nghị rót vốn vào dự án, dù vượt cả quy hoạch.
Có hiện tượng đầu tư ồ ạt vào các dự án năng lượng tái tạo song giá mua điện và giá bán điện lại mất cân đối gây khó cho ngành điện. Ảnh minh họa: TTXVN |
“Nếu giá điện không hợp lý cả khâu mua và khâu bán sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh năng lượng”, ông Hiển nói tại phiên giải trình về "Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội” diễn ra tại Hà Nội hôm 7-9.
Về vấn đề mất cân đối giữa giá thành đầu tư điện với giá bán điện có thể gây ra những hệ lụy, ông Hiển còn dẫn câu tục ngữ “Trạng chết Chúa cũng băng hà” để nói về những khó khăn khi thiếu điện, người cung cấp khổ mà người thụ hưởng càng khổ hơn. Ông lấy ví dụ câu chuyện đối với giá nước: khi giá thành nước là 11.000 đồng/m3 nhưng người mua chỉ trả 6.000 đồng/m3. Nhưng nhiều nơi thiếu nước phải mua đắt gấp hơn 10 lần cho mỗi khối nước khi cung - cầu mất cân đối. Theo ông, mấu chốt của các vấn đề về Quy hoạch điện VII bị phá vỡ, chậm chạp, thị trường bán lẻ, đầu tư điện còn nhiếu bất cập là giá mua điện chưa hấp dẫn, lợi tức đem lại thấp, khó có thể thu hút đầu tư.
“Vấn đề ở đây là giá điện thế nào?”, ông Hiển hỏi và dẫn chứng. Như năng lượng tái tạo trước năm 2019 mua giá 9,35 xu Mỹ (cent)/kWh, sau 2019 là 7,09 xu thì chỉ trong 2 năm có tới 5.400 MV năng lượng tái tạo được đấu tư, thậm chí đề nghị đầu tư vượt cả quy hoạch. Song, giá bán điện, bao gồm cả bán buôn, bán lẻ lại có khoảng cách, chưa thực sự phản ánh mối quan hệ cung cầu, chưa theo quy luật giá trị, chưa thực sự phù hợp theo vùng miền, thiếu cơ chế hai giá... nên cung - cầu điện luôn bất cập.
Thậm chí, lợi dụng tình trạng giá điện như vậy, đã có nhiều ý kiến đưa ra về việc một số lĩnh vực sản xuất do các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam để tận dụng giá điện thấp, công nhân, chi phí môi trường rẻ.”Nhiều loại thiết bị, công nghệ lạc hậu tiêu tốn năng lượng được dịch chuyển vào Việt Nam những năm qua cũng vì lý do đó không? Đây là một câu hỏi cần trả lời”, ông Hiển yêu cầu Bộ Công Thương.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cần nhất là sự công khai, minh bạch và hợp lý của giá điện. Tâm lý người dân đều muốn mua điện rẻ, càng rẻ càng tốt. Nếu giá điện chưa rẻ thì cũng phải công khai , minh bạch quá trình hình thành giá và thực hiện cơ chế thị trường có cạnh tranh để hạ giá thành đầu tư, bán điện.
“Cũng có thể nói rằng, nếu giá điện tính không hợp lý cả khâu mua và khâu bán thì cũng là nguy cơ trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, sự cạn kiệt năng lực tài chính của ngành năng lượng cũng là sự cạn kiệt của nguồn năng lượng”, ông Hiển nhận định.
Bởi ông cho rằng: Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc đầu tư vừa qua chậm, không thực hiện được quy hoạch còn có một nguyên nhân thiếu nguồn lực tài chính, vì khả năng tài chính của các nhà đầu tư, các tập đoàn là có hạn; khả năng tín dụng của các ngân hàng có giới hạn, vay nước ngoài của một số dự án đã bị từ chối vì cơ chế hạn chế bảo lãnh của Chính phủ.
Kết luận phiên giải trình ngày 7-9, ông Hiển yêu cầu về cơ chế giá điện, ngành điện tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện giá bán buôn và bán lẻ điện đảm bảo các nguyên tắc của cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ và tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư ngành năng lượng, khắc phục cho được cách tính giá điện chưa hợp lý như hiện nay.
Xem thêm: lmth.hcab-hnim-iahk-gnoc-us-nac-neid-aig/729703/nv.semitnogiaseht.www