vĐồng tin tức tài chính 365

Sẽ chế tài các dự án điện chậm tiến độ

2020-09-07 20:17

Sẽ chế tài các dự án điện chậm tiến độ

Lan Nhi

(TBKTSG Online)- Sự dở dang, không đạt mục tiêu, tiến độ của Quy hoạch điện VII dẫn đến tình trạng thiếu hoặc thừa nguồn điện không theo kế hoạch. Điều đó đặt ra thách thức khi Bộ Công Thương kiến nghị, tại Quy hoạch điện VIII dự kiến phê duyệt cuối năm nay, buộc phải có chế tài đối với các dự án trong quy hoạch nếu thực hiện không đúng tiến độ.

Tài chính cho ngành điện phát triển cũng là nỗi đau đầu khi tình hình tài chính các tập đoàn kinh tế nhà nước không tốt như trước. Ảnh minh họa: TTXVN

Bốn năm, dự án nguồn điện thiếu hụt 40%

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 7-9 đã yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện phiên giải trình về “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến 2030, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội”. Theo kế hoạch, Quy hoạch điện VIII dự kiến sẽ được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 và phê duyệt cuối năm nay.

Song, trước khi bắt tay vào thực hiện quy hoạch mới, cần có những cuộc tổng kết để đánh giá toàn diện ngành điện ở một thời kỳ có nhiều chuyển đổi ra kinh tế thị trường nhất từ trước đến nay. Quy hoạch điện VII (2011-2020) đã được điều chỉnh, bổ sung năm 2015 cho phù hợp hơn với tình hình nhưng vẫn có quá nhiều biến động, diễn biến không diễn ra như quy hoạch dự kiến hoặc điều chỉnh.

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới. Tổng công suất các nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt gần 60%.

“Có thể khẳng định chúng ta không đạt các mục tiêu theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Về nguồn điện đầu tư tính theo công suất toàn quốc giai đoạn 2011 - 2015 chỉ đạt 81,4% kế hoạch, giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 93,7%. Cơ cấu các nguồn điện truyền thống như nhiệt điện chỉ đạt 57,6%. Có 10 dự án lớn dự kiến đi vào vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020 bị chậm tiến độ sau năm 2020 với tổng công suất là 7.000 MW gồm: Sông Hậu 1, Thái Bình 2, Long Phú 1, Na Dương 2, Cẩm Phả 3, Ô Môn 3, Công Thanh…Điều đó dẫn tới tốc độ tăng trưởng bình quân của nguồn điện đã giảm: giai đoạn 2011 - 2015 là 13%, nhưng giai đoạn 2016 - 2019 chỉ còn đạt 8%. Sụt giảm đáng kể nhất là thủy điện và nhiệt điện.

Mặt khác, kế hoạch phát triển nguồn điện còn bộc lộ sự mất cân đối giữa các vùng miền. Ở miền Bắc và miền Trung xảy ra tình trạng thừa cung. Còn ở miền Nam nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu.

Nguồn điện từ năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhưng hệ thống truyền tải điện để giải tỏa công suất phát triển chưa đồng bộ. Một số dự án điện tái tạo (chủ yếu là điện mặt trời) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, với tổng công suất khoảng 690 MW đã phải hạn chế một phần công suất phát. Đến cuối năm 2020, khi các công trình lưới điện truyền tải đang thi công tại khu vực này được đưa vào vận hành thì tình trạng này mới được giải quyết.

Nhập khẩu năng lượng đầy rủi ro

Bộ Công Thương thừa nhận việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn nhập khẩu. Việt Nam đã phải nhập khẩu than và tới đây sẽ phải nhập khẩu khí hóa lỏng LNG cho sản xuất điện. Ước tính cần nhập khoảng 60 triệu tấn than và 12 triệu tấn LNG vào năm 2030.

Việc nhập khẩu năng lượng sơ cấp với khối lượng lớn nếu không có chiến lược phù hợp có thể tiềm ẩn rủi ro cho an ninh năng lượng.

Mặt khác, việc huy động vốn cho các dự án điện gặp nhiều khó khăn. Trung bình mỗi năm nhu cầu vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện khoảng 8-10 tỉ đô la Mỹ. Các tập đoàn nhà nước đều gặp khó khăn về tài chính nên việc huy động vốn cho các dự án của họ cũng gặp khó khăn. Các dự án nguồn điện do tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn do yêu cầu cao từ các bên cho vay (bảo lãnh Chính phủ, chuyển đổi ngoại tệ …)

Cơ chế giá điện thiếu đột phá, cần tính dài hạn

Ngành điện đang tiến dần đến cơ chế thị trường với việc có được thị trường phát điện cạnh tranh chính thức từ 2012 và nay đang tiến dần đến thị trường bán lẻ cạnh tranh. Song cơ chế chính sách đối với ngành điện còn thiếu đồng bộ, chậm được đổi mới; nguồn lực đầu tư còn hạn chế và dàn trải. Chất lượng xây dựng, thực hiện quy hoạch thiếu tính dự báo đi đôi với giám sát kém làm ngành điện phát triển chậm.

Bộ Công Thương cho rằng: Các văn bản pháp luật liên quan đến cung ứng điện còn nhiều bất cập, mâu thuẫn, còn nhiều vướng mắc như xác định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án nhóm A có tổng mức đầu tư dưới 5.000 tỉ đồng sử dụng vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước xây dựng trên địa bàn nhiều địa phương phải xin ý kiến của từng đó địa phương nơi mà dự án được triển khai (ví dụ như địa phương có hệ thống đường truyền tải điện đi qua - PV).

Ảnh minh họa một dự án điện tái tạo tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: TTXVN

Thực tế hiện nay chưa có cơ chế đấu thầu để thu xếp vốn đầu tư cho ngành điện; Chưa có chế tài ràng buộc trách nhiệm của các chủ đầu tư khi thực hiện chậm trễ các dự án điện.

Sự phối hợp của các địa phương trong công tác triển khai các dự án điện chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt, một số địa phương không nghiêm túc thực hiện quy hoạch được duyệt khiến quy hoạch bị phá vỡ.

Công tác quản lý nhà nước trong quá trình chuẩn bị và thực hiện đầu tư còn bất cập; quy định của pháp luật còn chồng chéo, không rõ ràng; thiếu cơ chế đặc thù cho phát triển ngành điện, nhất là các dự án cấp bách, quan trọng.

Kế hoạch, tiến độ thực hiện, xác định nguồn lực một số dự án điện chưa rõ ràng. Nhiều vướng mắc trong đàm phán các dự án BOT khiến thời gian phát triển dự án kéo dài.

Cơ quan chủ quản ngành điện lực cũng nhận định rằng cơ chế giá điện thiếu đột phá, chậm thay đổi, chưa có giá điện hai thành phần, giá mua điện theo miền, theo khu vực để đưa ra tín hiệu định hướng đầu tư và phát triển phụ tải.

Thách thức về tài chính cho phát triển ngành điện

Tài chính cho ngành điện phát triển cũng là nỗi đau đầu khi tình hình tài chính các tập đoàn kinh tế nhà nước không tốt như trước, bảo lãnh Chính phủ cho ngành điện co hẹp.

Hiện nay, các Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động trong ngành điện có tín nhiệm tài chính cao phải thực hiện đánh giá xếp hạng tín nhiệm để giảm chi phí huy động vốn cho các dự án điện. Tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu trong và ngoài nước để đầu tư các công trình điện. Tiếp tục thực hiện nhanh cổ phần hoá các doanh nghiệp ngành điện nhà nước không cần giữ 100% vốn. Và tiếp tục xem xét chấp thuận bảo lãnh Chính phủ hợp lý cho các dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức BOT.

“Bộ Công Thương kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành một Nghị quyết cho phép ngành điện thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành để hỗ trợ các chủ đầu tư dự án điện đẩy nhanh tiến độ các dự án”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị.

Cụ thể, bổ sung thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỉ đồng đến dưới 5.000 tỉ đồng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách do các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư thuộc về thuộc về Thủ tướng Chính phủ. Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình điện nhóm A đã có trong quy hoạch phát triển điện lực được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kiến nghị cho phép chủ đầu tư không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà được lập ngay Báo cáo nghiên cứu khả thi để quyết định đầu tư dự án.

Cho phép áp dụng cơ chế Nhà nước cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ về vốn vay theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công đối với đầu tư phát triển dự án công nghiệp điện.

Đối với các dự án điện phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì cho phép chủ đầu tư cam kết đảm bảo về bảo vệ môi trường (không phải thực hiện lập, trình phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường). Việc lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ được thực hiện trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi....

Công suất nguồn điện năm 2030 dự kiến khoảng 138.000 MW, trong đó nhiệt điện than chiếm 27%, nhiệt điện dầu và khí chiếm 19%, thủy điện chiếm 18%, điện gió và mặt trời chiếm 28%, nhập khẩu 5%, còn lại là các nguồn khác.

 

Xem thêm: lmth.od-neit-mahc-neid-na-ud-cac-iat-ehc-es/429703/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Sẽ chế tài các dự án điện chậm tiến độ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools