Nafiqad bác bỏ thông tin 90% người dân Việt Nam đang ăn 'gạo bẩn'
T.H
(TBKTSG Online) - Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), thông tin 90% người dân đang ăn 'gạo bẩn' không dựa trên con số thống kê, kiểm tra nào.
Ảnh: Trung Chánh |
Cụ thể, ông Thiệp cho biết về góc độ vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ có sản phẩm có an toàn hay không an toàn với người sử dụng.
Để khẳng định gạo có an toàn cho người Việt Nam và xuất khẩu hay không, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giám sát trên diện rộng để đánh giá mức độ an toàn của gạo. Giám sát diện rộng tức là phải có đủ số mẫu và lấy ở ngẫu nhiên thị trường trên cả ba miền để đảm bảo lúa được trồng ở tất cả các vùng sinh thái và phân tích đa dư lượng. Các phòng kiểm nghiệm đã phân tích được 90 chỉ tiêu các loại hóa chất tồn dư.
Kết quả kiểm soát trên diện rộng cho thấy năm 2017 lấy 150 mẫu gạo, năm 2018 lấy 169 mẫu thì lực lượng chức năng không phát hiện mẫu nào có chất cấm, có một số mẫu có tồn dư nhưng đều dưới ngưỡng cho phép.
“Ngưỡng cho phép ở Việt Nam được thiết lập trên cơ sở của tiêu chuẩn Codex nên sản phẩm xuất khẩu và tiêu dùng ở Việt Nam đều có tiêu chuẩn như nhau," ông Tiệp nhấn mạnh và cho rằng với kết quả giám sát trên, không thể nói 90% người Việt Nam ăn "gạo bẩn".
Cũng với kết quả giám sát trên nên từ năm 2019, ngành nông nghiệp ưu tiên kinh phí để giám sát các sản phẩm rủi ro cao hơn.
Về xuất khẩu, trước đây cũng đã có trường hợp một lô gạo bị châu Âu cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi bị cảnh báo, cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu doanh nghiệp điều tra, xác định nguyên nhân và khắc phục.
Mấy năm gần đây, chất lượng gạo Việt Nam đã có nhiều cải thiện và đa dạng nhiều chủng loại như gạo hữu cơ, gạo thơm, gạo dẻo… để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Ngày càng có nhiều diện tích sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… nhưng so sánh giữa gạo sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với gạo sản xuất truyền thống thì về mặt an toàn là không khác nhau, còn chất lượng thì có khác nhau nên mới có giá bán khác nhau.
Về chất lượng gạo, các nước nhập khẩu không bắt buộc mà chỉ khuyến cáo. Do đó, việc không có tiêu chuẩn GlobalGAP thì không được phép xuất khẩu vào châu Âu là không đúng. Tuy nhiên, nếu không có tiêu chuẩn chứng nhận thì việc mở rộng thị trường sẽ khó hơn, ông Tiệp khẳng định.
Ngoài ra, nói tiêu chuẩn VietGAP thấp hơn tiêu chuẩn GlobalGAP nên châu Âu không công nhận là không phải. Tiêu chuẩn VietGAP được xây dựng dựa trên hướng dẫn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) về thực hành nông nghiệp tốt và cũng tham khảo GlobalGAP, tương đồng với tiêu chuẩn đó. Chỉ có điều VietGAP là tiêu chuẩn của Việt Nam, GlobalGAP là tiêu chuẩn của Hiệp hội các nhà bán lẻ châu Âu.
“Giống nhau thì không phải nhưng tương đương. Tương tự như chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn xuất khẩu vào Mỹ. Việt Nam thực hiện một chương trình và chứng minh rằng tương đương giống họ chứ không phải là làm giống họ. Thời gian tới, Việt Nam có thể đề xuất Hiệp hội các nhà bán lẻ châu Âu công nhận tiêu chuẩn VietGAP là tương đương với tiêu chuẩn GlobalGAP", ông Tiệp nói.
Ông Cục trưởng Nafiqad cũng lưu ý rằng tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP ngoài việc sản phẩm phải an toàn còn phải tính đến các yếu tố như phúc lợi xã hội, đảm bảo môi trường, sinh thái… Nhiều khách hàng ngày càng đòi hỏi các yếu tố này; ngành nông nghiệp luôn luôn ủng hộ và đang từng bước hướng tới mục tiêu đó.
Tuy nhiên, trong khi phát triển loai sản phẩm VietGAP, GlobalGAP…, sản xuất truyền thống vẫn phải đảm bảo toàn để đáp ứng tốt từng phân khúc của thị trường.
Theo TTXVN
Xem thêm: lmth.nab-oag-na-gnad-man-teiv-nad-iougn-09-nit-gnoht-ob-cab-daqifan/329703/nv.semitnogiaseht.www