Vốn chủ sở hữu Lọc hóa dầu Bình Sơn 'đi lùi' sau khoản lỗ 4.257 tỉ đồng
Hoàng Thắng
(TBKTSG Online) – Vốn chủ sở hữu của Lọc hóa dầu Bình Sơn tính tới 30-6-2020 đã giảm 4.386,1 tỉ đồng so với đầu năm – sau khi doanh nghiệp ghi nhận khoản khoản lỗ sau thuế lên tới 4.257,3 tỉ đồng.
Biến động giá dầu thế giới đã khiến Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: DNCC |
Vốn chủ sở hữu “đi lùi” vì khoản lỗ lũy kế
Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên của Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (HOSE: BSR) ghi nhận doanh thu nửa đầu năm giảm gần 39% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ đạt hơn 31.726,9 tỉ đồng. Phần lớn trong số này là doanh thu từ các sản phẩm lọc hoá dầu, còn lại chưa đến 1% từ nhiên liệu, sản xuất bao bì và thương mại dịch vụ.
Nhưng do đặc thù sản xuất liên tục nên nhà máy phải duy trì một lượng dầu thô và cần thời gian chế biến từ dầu thô ra thành phẩm. Vì vậy giá vốn hàng bán của doanh nghiệp đã chịu nhiều ảnh hưởng trong giai đoạn giá dầu giảm kỷ lục - từ mức bình quân 63,5 đô la Mỹ mỗi tùng trong tháng 1-2020 xuống mức bình quân 18,5 đô la Mỹ mỗi thùng vào tháng 4-2020.
Theo đó, chênh lệch giữa giá dầu thô và các sản phẩm chính như A92, A95, Jet A1, DO thu hẹp rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí một số thời điểm ghi nhận giá sản phẩm bán ra thị trường thấp hơn giá dầu thô, còn giá nguyên liệu tồn kho cao hơn giá trị giao dịch trên thị trường – khiến giá vốn hàng bán trong kỳ dù giảm tới 28,2% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ còn 35.596 tỉ đồng – nhưng vẫn cao hơn doanh thu thuần tới 3.869,3 tỉ đồng – dẫn tới lợi nhuận gộp của doanh nghiệp âm.
Bên cạnh đó, tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 cũng khiến nhu cầu tiêu dùng sản phẩm lọc hóa dầu giảm rất mạnh, hoạt động tiêu tụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Theo giải trình của đại diện Lọc hóa dầu Bình Sơn, doanh nghiệp đã áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp giảm thiểu thiệt hại, gồm: hỗ trợ khách để giải phóng hàng tồn kho, điều chỉnh công suất và chế độ vận hành theo nhu cầu thị trường, mua các lô spot dầu thô trong nước với giá thấp, cắt giảm lần lượt 14% chi phí bán hàng và 33% chi phí quản lý doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả, tình hình kinh doanh dần khởi sắc dần từ tháng 6-2020 với khoản lãi hơn 1.403 tỉ đồng trong tháng này.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn không tránh được khoản lỗ sau thuế 4.257,3 tỉ đồng.
Tính đến 30-6-2020, tổng nguồn vốn của Lọc hóa dầu Bình Sơn giảm hơn 5.000 tỉ đồng so với đầu năm - còn hơn 48.109 tỉ đồng – với nguyên nhân chính tới từ việc vốn chủ sở hữu giảm 4.386,1 tỉ đồng sau khi ghi nhận khoản lỗ luỹ kế 1.387,8 tỉ đồng ở cuối kỳ. Trước đó, khoản lợi nhuận sau thuế ở thời điểm đầu năm của doanh nghiệp là 2.975 tỉ đồng.
Trong cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp, hơn 18.400 tỷ đồng được hình thành từ các khoản nợ, giảm khoảng 5,5% so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, tổng giá trị nợ vay của doanh nghiệp thể hiện xu hướng tăng. Đặc biệt giá trị khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng hơn 5 lần so với thời điểm đầu năm, đạt 5.721 tỉ đồng.
Trong đó, hơn 50% là các khoản vay ngắn hạn với VietinBank – chi nhánh thành phố Hà Nội, BNP Paribas – chi nhánh Hà Nội, BIDV – chi nhánh Quảng Ngãi. Còn lại là các khoản nợ dài hạn đến hạn phải trả với PVN, BIDV - chi nhánh Quảng Ngãi, Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (BSR-BF) – một công ty con do Lọc hóa dầu Bình Sơn sở hữu 65,54% tổng vốn góp.
Gánh nặng từ nhà máy nhiên liêu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất
Bên cạnh khoản nợ dài hạn đến hạn phải trả trị giá 806,9 tỉ đồng với Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (BSR-BF), báo cáo tài chính của Lọc hóa dầu Bình Sơn cho thấy vẫn còn một khoản vay dài hạn khác trị giá hơn 1.084 tỉ đồng giữa hai doanh nghiệp.
Nhưng theo thuyết minh của doanh nghiệp, đây là các khoản vay tại các ngân hàng thương mại bằng đô la Mỹ (USD) và đồng Việt Nam (VND) của Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (BSR-BF).
Cụ thể, các khoản vay này được sử dụng để xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu Bio-Ethanol. Tài sản đảm bảo gồm: toàn bộ giá trị quyền sử dụng đất; các công trình, tài sản và bất động sản trên đất; máy móc, thiết bị; phương tiện vận tải của nhà máy.
Tuy nhiên, Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung chưa thể tìm ra giải pháp để thanh toán các khoản vay trên, tính tới 30-6-2020.
Thêm vào đó, báo cáo tài chính hợp nhất bán niên đã soát xét của Lọc hoá dầu BÌnh Sơn cũng cho biết, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Deloitte Việt Nam đã bày tỏ sự nghi ngờ với khả năng hoạt động liên tục của Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung.
Nguyên nhân là công ty đang lỗ lũy kế 1.085 tỉ đồng và thiếu hụt vốn để thanh toán các khoản nợ đến hạn. Còn nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất do công ty vận hành đã dừng sản xuất nhiều năm, khả năng hoạt động tiếp sẽ phụ thuộc vào việc tái khởi động nhà máy và hỗ trợ tài chính từ các cổ đông.