vĐồng tin tức tài chính 365

Huế phát triển khu công nghiệp chuyên về dệt may

2020-09-09 01:13

Huế phát triển khu công nghiệp chuyên về dệt may

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) - Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư và phát triển các dự án sản xuất nguyên phụ liệu, vải, sợi, da giày tại một khu công nghiệp (KCN) chuyên dệt may để hình thành nên chuỗi cung ứng hoàn chỉnh cho ngành công nghiệp này. 

Khu Công Nghiệp (KCN) Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là nơi đang thu hút nhiều dự án dệt may-da giày. Địa phương miền Trung này đang muốn có một KCN riêng về dệt may-da giày để phát triển hơn nữa ngành công nghiệp này. Ảnh: Doanh nghiệp cung cấp

Các dự án kêu gọi đầu tư bao gồm sản xuất phụ liệu ngành may như: cúc, khóa kéo, băng chun,..; dự án sản xuất các phụ tùng đặc thù của ngành dệt may như: lược, lamen, dây go (cho ngành dệt); khuyên, nồi, suốt sắt,…(cho ngành kéo sợi); chân bàn máy khâu, máy cắt, máy kiểm vải,...(cho ngành may). Đặc biệt, đến năm 2025 sản lượng sợi đạt trên 150.000 tấn sợi/năm và trên 45 triệu mét vải/năm.

Những thông tin này được đề cập trong Kế hoạch số 200/KH-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về triển khai thực hiện Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 06-8-2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Kế hoạch này tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dệt may - da giày, linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su, linh kiện phụ tùng điện - điện tử và công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao.

Trong đó, riêng các sản phẩm nguyên vật liệu và phụ liệu đáp ứng đầu vào cho các doanh nghiệp dệt may-da giày trên địa bàn tỉnh và khu vực miền Trung có tỷ lệ cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đạt trên trên 75% đến năm 2025.

Theo tìm hiểu, để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh vừa kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung quy hoạch khu công nghiệp (KCN) mới vào quy hoạch phát triển KCN tỉnh, diện tích khoảng 400 ha tại huyện Phong Điền và cho phép thành lập thí điểm KCN dệt may.

Đồng thời, tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương để đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung sử dụng công nghệ xử lý nước thải tuần hoàn tại KCN dệt may để có cơ sở xem xét, kêu gọi các dự án ngành dệt may, nhuộm,… và hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý chất thải tập trung tại các KCN chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung để sớm đảm bảo điều kiện kêu gọi đầu tư.

Đến nay, các KCN trên địa bàn tỉnh có 16 dự án sản xuất sợi được cấp phép đầu tư với công suất thiết kế khoảng 108.800 tấn sợi/năm, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 9.042 tỉ đồng, theo Ban Quản lý các Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế. Có 15 dự án may mặc, cắt vải được cấp phép, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.530 tỉ đồng, công suất khoảng 432,5 triệu sản phẩm/năm, công suất cắt vải khoảng 39,6 triệu sản phẩm/năm.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, các KCN chưa thu hút được dự án da giày, hóa chất. Tuy nhiên, đến nay đã có 2 doanh nghiệp sản xuất da giày đang hoạt động, quy mô khoảng 1,5 triệu sản phẩm/năm và 1 doanh nghiệp sản xuất hóa chất, 2 doanh nghiệp kinh doanh hóa chất và một số đơn vị có sử dụng số lượng ít để pha chế, phối trộn trong quá trình sản xuất, tẩy rửa, vệ sinh trang thiết bị dụng cụ.

Ông Sơn cho biết thêm ngành dệt may tại Thừa Thiên Huế có năng lực sản xuất hơn 500 triệu sản phẩm may mặc và 100.000 tấn sợi/năm, là địa phương có quy mô lớn nhất trong các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đóng góp khoảng 42,6% giá trị sản xuất công nghiệp ngành dệt may và khoảng 41,6% tổng giá trị xuất khẩu dệt may của khu vực.

Tuy nhiên, giá trị gia tăng của ngành tạo ra thực sự rất nhỏ so với kim ngạch xuất khẩu đạt được, ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may chưa được chú trọng phát triển, tỷ lệ nội địa hóa bình quân chỉ đạt khoảng 40% và phải nhập khẩu tới 60%. Riêng về nguyên liệu vải tỷ lệ nhập khẩu khoảng 70%; chỉ dừng ở khâu gia công hàng hóa chính là yếu tố làm giảm hiệu quả kinh doanh của ngành dệt may trong thời gian qua.

Đó cũng là lý do tỉnh Thừa Thiên Huế đẩy mạnh kế hoạch nâng cao năng lực phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 6 khu công nghiệp (KCN), diện tích quy hoạch khoảng 2.393 ha, bao gồm KCN Phú Bài, Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn, Phú Đa và Quảng Vinh. Đến nay, 4 KCN đã thu hút được nhà đầu tư hạ tầng, 2 KCN là Quảng Vinh và Phú Đa đang đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN.

Trong đó, KCN Phú Bài giai đoạn I, II, diện tích khoảng 185 ha được cấp phép đầu tư cho Công ty CP Xây lắp Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật; Khu B và Khu B mở rộng KCN Phong Điền, diện tích khoảng 147 ha đã cấp phép đầu tư cho Công ty CP Prime Thiên Phúc; Khu C KCN Phong Điền có diện tích khoảng 126 ha đã cấp phép cho Công ty TNHH C&N Vina Huế - Hàn Quốc làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN; KCN La Sơn cấp phép đầu tư cho Công ty TNHH Vitto; KCN Tứ Hạ đã cấp phép cho Công ty CP Hello Quốc tế Việt Nam làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Năm 2020, KCN Phú Bài giai đoạn 4, đợt 1 có diện tích khoảng 85 ha đã cấp phép cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển hạ tầng KCN làm chủ đầu tư dự án (DA) hạ tầng KCN; KCN Phong Điền mở rộng, diện tích khoảng 284 ha đã cấp phép cho Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Hiện, trên địa bàn có 2 KCN là Phú Đa và Quảng Vinh chưa thu hút được nhà đầu tư hạ tầng, trong đó KCN Phú Đa với diện tích quy hoạch là 250 ha, đã cấp phép đầu tư 10 DA, diện tích sử dụng đất khoảng 36 ha, phần diện tích còn lại khoảng 180 ha đang kêu gọi đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN để phát triển đồng bộ KCN.

 

Xem thêm: lmth.yam-ted-ev-neyuhc-peihgn-gnoc-uhk-neirt-tahp-euh/089703/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Huế phát triển khu công nghiệp chuyên về dệt may”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools