vĐồng tin tức tài chính 365

Thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả tràn lan ở miền Tây (kỳ 2)

2020-09-09 02:05

NGƯỜI DÂN LÀM... TRINH SÁT

Nghe chúng tôi hỏi về công tác phòng chống hàng gian, hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng VTNN, một cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an An Giang cho biết: "Phần lớn, việc bắt các đối tượng vận chuyển VTNN giả, kém chất lượng từ phản ánh của người dân. Họ chủ động xác minh, thu thập tin tức mới tố giác. Thời gian qua, nhiều đơn thư trình báo kèm theo chứng cứ hết sức quan trọng để chúng tôi xác lập chuyên án".

Thật vậy, để tránh các cơ quan chức năng phát hiện, các đối tượng thường tìm đến vùng nông thôn thuê đất, cất nhà. Ban ngày bọn họ ngủ li bì nhưng đêm đến đèn lại sáng rực, hàng chục công nhân ra vào. Sau những giờ "tăng ca" là các chiếc xe chở đầy kiện hàng phân phối cho các tỉnh lân cận.

Trường hợp vợ chồng Lê Hữu Vĩnh (30 tuổi) và Trần Minh Trang (30 tuổi, cùng ngụ xã An Hòa, H.Châu Thành, An Giang) giàu nhanh như diều gặp gió khiến ai cũng tò mò. Tất cả "ẩn số" của vợ chồng Vĩnh cùng gã làm công Nguyễn Thành Long (42 tuổi) không qua mắt được người dân nên họ gởi đơn tố giác. Phòng Cảnh sát kinh tế Công an An Giang xác lập chuyên án.

Trần Minh Trang, Lê Hữu Vĩnh Bốn, Nguyễn Thành Long và Châu Hào Thực trong vị án

Sau nhiều ngày phục kích, chiều 2-7, trinh sát phát hiện Vĩnh - Trang cùng Long đi xe máy chở cồng kềnh nên ra hiệu kiểm tra, phát hiện 300 chai thuốc BVTV không nhãn mác, không hóa đơn chứng từ. Khám xét nơi ở, lực lượng thu giữ nhiều vỏ chai, nắp chai, máy đóng nắp, bột màu, nhãn hiệu của nhiều loại thuốc BVTV cùng nhiều dụng cụ phục vụ việc sang chiết, pha chế thuốc trừ sâu giả. Bước đầu Vĩnh khai cùng các đối tượng trên sản xuất thuốc BVTV giả được 6 tháng.

Đối với Châu Hào Thực (27 tuổi, ngụ phường 1, TP.Bạc Liêu), từ tháng 11-2019 bắt đầu sản xuất thuốc BVTV giả. Không như những đối tượng khác chờ người dân đi ngủ mới tập hợp "công nhân" sản xuất, Thực sản xuất thuốc giả theo giờ... hành chính. Khi người dân đi làm, các em học sinh đến trường..., Thực bắt đầu vào xưởng. Chẳng may cho Thực, khi giám đốc cùng công nhân đang pha trộn, đóng gói số lượng lớn thuốc giả chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ thì bị công an bắt giữ.

Tại hiện trường, cơ quan công an thu giữ 2.246 thùng nhôm, bao tải, chai nhựa... chứa gần 4,5 tấn thuốc thủy sản giả các loại; hàng trăm thùng carton chứa các hộp thuốc thủy sản thành phẩm được làm giả tinh vi. Thực khai biết Bạc Liêu là tỉnh có diện tích nuôi tôm tương đối lớn nên chớp cơ hội. Để sản xuất thuốc BVTV giả, Thực mua các loại men vi sinh, thuốc tăng trưởng thủy sản... trộn lại rồi đóng nhãn hiệu nổi tiếng để kiếm lời nhưng chưa kịp sử dụng những đồng tiền bất chính thì bị công an bắt giữ.

TRANH THỦ TRỤC LỢI

Theo thống kê của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, vùng ĐBSCL là nơi tiêu thụ số phân bón, thuốc BVTV nhiều nhất cả nước. Ngoài 3 vụ lúa, người dân còn trồng hoa màu, cây ăn quả. Vì vậy, nhiều đối tượng tìm đến vùng đất "Chín Rồng" để sản xuất và cung cấp phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng. Nơi mà các đối tượng chọn làm tổng đại lý để phân phát cho các địa phương lân cận là TP.Cần Thơ.

Nắm bắt được nhu cầu về VTNN tại khu vực ĐBSCL, năm 2019, đối tượng Nguyễn Tiến Đạt (46 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) rủ rê cháu là Nguyễn Văn Được (31 tuổi) thuê Hồ Văn Tài (28 tuổi) và Đào Chí Linh (26 tuổi) tìm chỗ sản xuất VTNN giả. Đạt thuê căn nhà ở TP.Cần Thơ làm kho để cung cấp cho các tỉnh lân cận. Trước khoản lợi nhuận kếch xù mà Đạt chỉ ra, Được đồng ý. Bọn chúng thuê một khu đất thuộc Hóc Môn (TPHCM) sản xuất.

Tang vật thu giữ của vợ chồng Vĩnh - Trang

Tuy nhiên, khi Được - Tài - Linh đang bốc xếp 45 thùng thuốc BVTV chuyển về Cần Thơ thì bị lực lượng công an phát hiện. Kiểm tra kho tại Hóc Môn, cơ quan chức năng thu giữ nhiều dụng cụ sản xuất thuốc BVTV như: máy ép bao bì, tem nhãn in sẵn nhiều thương hiệu, hóa chất là nguyên liệu sản xuất. Đặc biệt, cơ quan chức năng phát hiện trong kho cất giữ số lượng lớn thành phẩm thuốc BVTV giả nhãn hiệu nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo đó, Đạt thuê Được cùng Tài, Linh sản xuất thuốc BVTV giả tại nhà kho trên. Sau đó, bọn chúng vận chuyển hàng giả về TP.Cần Thơ tiêu thụ. Tài và Linh nhận nhiệm vụ đóng gói hàng hóa. Đạt giao cháu họ trực tiếp quản lý, tổ chức sản xuất tại huyện Hóc Môn.

Cụ thể, Được nhận tiền từ Đạt để trả lương cho hai người làm thuê; cân và sang chiết nguyên liệu vào bao bì, chai có in sẵn nhãn hiệu công ty sản xuất có tiếng trên thị trường. Ngoài ra, Được phụ trách thuê người vận chuyển nguyên liệu, thành phẩm. Đạt đặt hàng cơ sở gia công ở TPHCM làm mẫu vỏ chai dán sẵn nhãn hiệu, mua hóa chất ở tỉnh Long An.

Sau khi đồng bọn sa lưới, Đạt đến công an trình diện. Theo kết luận giám định, số lượng thuốc BVTV giả cơ quan chức năng thu giữ có giá trị khoảng 500 triệu đồng nếu bán ra thị trường như hàng thật. Mới đây, TAND TPHCM tuyên phạt Đạt 10 năm tù giam, Được 7 năm cùng về tội "sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc BVTV". Linh, Tài, mỗi bị cáo 5 năm tù giam về tội "sản xuất hàng giả là thuốc BVTV".

Nguyễn Điệp (32 tuổi, ngụ xã Đức Long, H.Mộ Đức, Quảng Ngãi) tìm đến P.Phú Thứ (Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) thuê nhà sản xuất VTNN giả phân phối ra thị trường. Công an TP.Cần Thơ kiểm tra căn nhà trên, phát hiện Điệp đang vận chuyển 3 bao tải thuốc BVTV giả gồm: 190 chai thuốc trừ bệnh Amistar Top 325SC 250ml, 40 chai thuốc trừ bệnh Tilt Super 300EC 250ml thành phẩm lên ôtô BS: 76A-097.04. Số thuốc trên Điệp vừa sản xuất xong từ trong nhà chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.

Lực lượng khám xét căn nhà trên tiếp tục phát hiện số lượng "khủng" thuốc trừ sâu giả gồm hàng trăm chai chưa kịp tung ra thị trường. Tất cả số lượng thuốc BVTV sau khi làm giả dán sản phẩm của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam đã đăng ký bảo hộ. Ngoài ra còn rất nhiều nguyên liệu để sản xuất hàng giả như vỏ chai, tem nhãn, nút chai, thẻ cào, bột màu, máy đóng nút chai và thuốc BVTV giả của Công ty TNHH Hóa Sinh Triệu Nông, Công ty TNHH MTV Chuyển giao công nghệ Hoa Kỳ Argo....

Điệp khai để làm giả các nhãn hiệu thuốc BVTV được thị trường tiêu thụ mạnh, anh ta mua thuốc BVTV loại rẻ tiền trên thị trường. Sau đó, Điệp đem về nhà đổ ra và thêm vào màu, hóa chất khác. Để sản phẩm được người dân sử dụng, Điệp làm giả những nhãn hiệu thuốc BVTV có uy tín trên thị trường...

Do giá rẻ nên sản phẩm của Điệp rất hút hàng. Điệp thuê Nguyễn Minh Phục (30 tuổi) tiếp tục làm công đoạn cuối cùng đóng mã xác thực vào các chai thuốc BVTV để đưa ra thị trường tiêu thụ, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng...

(Còn tiếp...)

Thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả tràn lan ở miền Tây (kỳ 1)
(CATP) Thời gian qua, Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan giám sát ngành nông nghiệp tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp phát hiện phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) kém chất lượng, giả tràn lan. Sau khi bị xử lý, các đối tượng tiếp tục vi phạm. Nông dân chưa vào vụ phải trắng tay bởi mua nhầm vật tư nông nghiệp (VTNN) không đạt chất lượng.
 
Thiện Thảo

Xem thêm: lmth.06299_yat-neim-o-nal-nart-aig-nob-nahp-tav-cuht-ev-oab-couht/gnos-iod/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:An ninh kinh tế

“Thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả tràn lan ở miền Tây (kỳ 2)”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools